Công tác phòng, chống dịch đặt lên hàng đầu

Nhiều bến xe đã sẵn sàng

Khi nhiều địa phương dần nới lỏng giãn cách xã hội, việc xây dựng kịch bản hoạt động vận tải để áp dụng trên cả nước đang được tiến hành khẩn trương. Kịch bản càng chi tiết, cụ thể thì sẽ càng giúp hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh trở lại một cách sớm nhất, an toàn nhất, đáp ứng nhiều cấp độ khách nhau của dịch…

Công tác phòng, chống dịch đặt lên hàng đầu
Cần đảm bảo tuyệt đối công tác phòng, chống dịch trong vận tải hành khách liên tỉnh.

Tại Hà Nội, ngay từ chiều 12/10, khi thông tin về đề xuất của Sở Giao thông vận tải Hà Nội nối lại hoạt động vận tải hành khách đối với 8 tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên; các bến xe khách liên tỉnh trên địa thành phố như: Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình… đã đồng loạt tiến hành dọn vệ sinh từ khu vực bãi đến nhà chờ đồng thời tăng cường treo các thông báo phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Ngọc Tùng – Phó Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, thực hiện hướng dẫn thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh từ ngày 13/10 của Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị đã triển khai các biện pháp để đón xe và hành khách trở lại. Từ ngày 12/10, bến xe đã phối hợp với các công ty vệ sinh môi trường tiến hành vệ sinh toàn bộ khuôn viên bến xe và phun khử khuẩn tại các điểm ra vào, quầy vé, nhà chờ… Đại diện bến xe cũng làm việc với Công an quận Hoàng Mai, Cảnh sát giao thông để đảm bảo an ninh trật tự cũng như an toàn giao thông trong và ngoài bến xe.

Cũng theo ông Tùng, bến xe có gần 140 doanh nghiệp vận tải thì hơn 120 doanh nghiệp đã thông báo sẵn sàng hoạt động trở lại. Để đảm bảo hoạt động an toàn, Bến xe Giáp bát cũng thành lập điểm test nhanh Covid-19 và khu vực cách ly để phục vụ cho lái xe, phụ xe và hành khách. Lái xe và hành khách khi ra vào bến sẽ phải thực hiện nghiệm việc đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và đeo khẩu trang theo thông điệp 5K của Bộ Y tế. Tương tự, tại các bến xe lớn tại Thủ đô như: Nước ngầm, Mỹ Đình, Gia Lâm… công tác khử khuẩn, dọn vệ sinh, bố trí phòng test Covid-19, phòng cách ly cũng đang được khẩn trương tiến hành để sẵn sàng đón khách.

Tuân thủ quy định phòng, chống dịch

So sánh với các loại hình vận tải hành khách khác như máy bay, tầu hỏa, thậm chí cả đường thủy… vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ luôn có đặc thù riêng, trong đó đặc biệt nhức nhối là tình trạng bến cóc, xe dù, đón trả khách dọc đường… diễn ra từ nhiều năm nay. Chính vì vậy, nếu đặt những những vấn đề này lên “bàn cân” trong bối cảnh hiện nay, những lo ngại về nguy cơ “vỡ trận” trong phòng, chống dịch đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh là có cơ sở.

Với kế hoạch thí điểm từ ngày 13/10, Bộ Giao thông Vận tải đã có những quy định hết sức cụ thể đối với từng đối tượng bao gồm: Hành khách, lái xe, phụ xe và cả các đơn vị vận tải, bến bãi… như phải tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô; tuân thủ “Thông điệp 5K” ; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; hành khách thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch của Bộ Y tế và từng địa phương nơi đến…

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này vẫn là khá “hà khắc” đối với vận tải hành khách liên tỉnh. Chúng ta cần sự “cởi mở” hơn nữa để mở cửa trở lại. Về vấn đề này, ngay sau khi có sự chỉ đạo sát sao từ Thủ tướng Chính phủ, với những kinh nghiệm được đúc kết sau 8 ngày thí điểm, chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định đó là dù ở mức độ nào, thì yếu tố phòng, chống dịch cũng phải đặt lên hàng đầu.

Anh Tuấn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích