Có thời hạn sử dụng nhà chung cư nhưng không có thời hạn sở hữu nhà chung cư

(Xây dựng) – Chiều 26/10, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, sau khi nghe 18 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận về những vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Có thời hạn sử dụng nhà chung cư nhưng không có thời hạn sở hữu nhà chung cư
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Không có thời hạn sở hữu nhà chung cư

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận: Các ý kiến của các đại biểu đều rất tâm huyết, trách nhiệm, đóng góp nhiều phương án, đề xuất giải pháp cụ thể để hoàn thiện dự án luật.

Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết: UBTVQH đã ghi nhận đầy đủ, tổng hợp để nghiên cứu, tiếp thu và có giải trình một cách đầy đủ để hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng đồng thời giải trình một số nội dung chính của dự thảo Luật.

Về hình thức sử dụng đất được đầu tư dự án nhà ở thương mại, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ đây là nội dung rất quan trọng nhưng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai và tinh thần phải bám sát Nghị quyết 18-NQ/TW để xử lý vấn đề này.

Việc quy định sử dụng đất đầu tư nhà ở thương mại phải đảm bảo quy định chặt chẽ để tránh sơ hở, dẫn đến là thất thu ngân sách do chênh lệch địa tô khi cho phép chuyển các loại đất khác, không phải đất ở sang để làm dự án nhà ở thương mại; Phải bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, lợi ích của chủ đầu tư, các doanh nghiệp và lợi ích của người dân trong việc phát triển loại hình ở theo cơ chế thị trường.

Nghiên cứu, kế thừa quy định của luật hiện hành. Bởi chính quy định này mới được Quốc hội sửa đổi, xem xét bổ sung trong năm 2022.

UBTVQH sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu, giải trình cụ thể thêm và sẽ đưa vào quy định trong Luật Đất đai.

Về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết trong dự thảo Luật trình tại Kỳ họp 6 đã tiếp thu, chỉnh lý theo nguyên tắc: Chương trình chỉ định hướng những chỉ tiêu như sàn diện tích nhà ở, diện tích bình quân đầu người về nhà ở, nguồn vốn phát triển nhà ở… không quy định cụ thể danh mục dự án.

Đề cập đến vấn đề thời hạn sử dụng nhà chung cư và việc có quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư hay không, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng ghi nhận còn nhiều ý kiến khác nhau. Chủ nhiệm nhấn mạnh lại quan điểm của UBTVQH và cho biết dự thảo Luật phân biệt rất rõ thời hạn sử dụng nhà chung cư với việc có quy định hay không thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh: Đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Thời hạn sử dụng nhà chung cư được quy định rất rõ trong dự thảo luật. Theo đó, thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định khi lập đồ án thiết kế nhà chung cư. Về mặt kỹ thuật, nhà chung cư có thời hạn sử dụng 50 năm hay 70 năm… Nhưng thời hạn thực tế sử dụng nhà chung cư phụ thuộc vào các yếu tố khác, trong đó có các yếu tố tự nhiên như động đất…, chứ không chỉ phụ thuộc là thời hạn sử dụng nhà chung cư theo thiết kế. Hoặc hết thời hạn sử dụng nhà chung cư về mặt kỹ thuật nhưng do bảo dưỡng tốt, nhà chung cư vẫn có sử dụng được thì không nên đặt vấn đề phá dỡ, gây lãng phí.

Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong dự thảo Luật cũng đã có quy định về kiểm định chất lượng khi hết thời hạn sử dụng về yếu tố an toàn của nhà chung cư. Trên cơ sở kết luận kiểm định sẽ có đánh giá tiếp tục cho ở hay là cần phải phá dỡ nhà chung cư để xây dựng lại.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh: Không nên gắn giữa thời hạn sở hữu nhà chung cư với thời hạn sử dụng đất… Trong Luật Đất đai có quy định đối với đất ở được giao ở ổn định lâu dài, không có thời hạn. Đất của nhà chung cư thuộc quyền sử dụng đất của các chủ sở hữu. Dù thời hạn sử dụng nhà chung cư là có, nhưng chừng nào nhà chung cư còn an toàn, còn sử dụng tốt thì quyền sử dụng của chủ sở hữu chung cư vẫn được bảo đảm…

Xác định rõ đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội là cần thiết

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận các ý kiến ĐBQH đề cập đến nội dung phát triển nhà ở xã hội, nhất là quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội…

Chủ nhiệm cho biết quy định đối tượng hưởng chính sách tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi được kế thừa của pháp luật hiện hành. Quy định như vậy là để đảm bảo hình thức hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nếu quy định chung quá sẽ khó xác định hình thức hỗ trợ và điều kiện hỗ trợ.

Liên quan đến điều kiện về thu nhập của đối tượng được hỗ trợ chính sách về nhà ở xã hội, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết: Đây là vấn đến đã được trao đổi kỹ giữa các cơ quan soạn thảo, thẩm tra, chính lý dự án Luật. Trước đây, dự thảo luật quy định đối tượng thụ hưởng có thu nhập thuộc diện chưa phải nộp thuế thu nhập. Nhưng sau khi tiếp thu, chỉnh lý, các cơ quan cho rằng nội dung này cần được quy định linh hoạt hơn. Nên chăng giao Chính phủ quy định cụ thể chi tiết hơn, để bảo đảm phù hợp với điều kiện từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội.

Liên quan đến nội dung Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ tư dự án nhà ở xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận định: Tại phiên thảo luận, vẫn còn các ý kiến khác nhau. Về cơ bản các ý kiến đồng tình, ủng hộ việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp cho công nhân thuê, nhằm thể hiện vai trò quan trọng của Tổng Liên đoàn là chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động về nhà ở. Nhưng về phương thức thực hiện còn có các ý kiến khác nhau.

Một vài ý kiến cho rằng có quy định cụ thể ngay trong luật Nhà ở. Cũng có ý kiến khác cho rằng chưa nên quy định mà triển khai thí điểm trước; đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình phương án để Quốc hội xem xét, cho triển khai thí điểm.

Chủ nhiệm cho biết UBTVQH sẽ tiếp thu các ý kiến và tổng hợp báo cáo lại các đại biểu. Trong trường hợp quy định vấn đề này trong Luật Nhà ở thì phải có sự sửa đổi đồng bộ trong Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản để có những quy định chặt chẽ.

Có thời hạn sử dụng nhà chung cư nhưng không có thời hạn sở hữu nhà chung cư
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.

Thận trọng với việc phát triển nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp

Liên quan đến nội dung nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của của cá nhân, Chủ nhiệm cho biết dự thảo luật đã quy định theo hướng quản lý chặt chẽ hơn, đề cao trách nhiệm của các cấp quản lý của chính quyền địa phương.

Về vấn đề nhà công vụ, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân…, dự thảo luật đã tiếp thu các ý kiến của Ban, Bộ liên quan để xây dựng chính sách một cách phù hợp, đầy đủ hơn.

Vấn đề xây dựng nhà lưu trú công nhân trong các khu công nghiệp với các yêu cầu cụ thể đã được quy định trong dự thảo luật và sẽ tiếp tục được tiếp thu, nghiên cứu để quy định chặt chẽ hơn.

Đối với vấn đề xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh: Phải hết sức thận trọng, tránh bị lạm dụng chính sách. Nên chăng các doanh nghiệp bất động sản tập trung phát triển nhà ở xã hội ngoài khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động ngoài khu công nghiệp.

Đối với các vấn đề khác, UBTVQH ghi nhận đầy đủ các ý kiến thảo luận của ĐBQH tại phiên họp toàn thể này và đề nghị các ĐBQH chưa kịp phát biểu trực tiếp xin gửi lại để UBTVQH tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình tại phiên họp Quốc hội thảo luận xem xét thông qua dự án luật vào cuối kỳ họp.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại phiên thảo luận, đã có 18 đại biểu Quốc hội phát biểu, 9 đại biểu tranh luận, còn 55 đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu chưa phát biểu gửi văn bản tới Ban Thư ký Kỳ họp để tổng hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định: Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH; thống nhất với nhiều nội dung dự thảo luật, đồng thời cũng tham gia nhiều ý kiến hoàn thiện dự án luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo cũng như dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích