Cổ phần hóa DNNN còn nhiều sơ hở, có thông đồng trục lợi gây thất thoát lớn

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa DNNN vẫn còn nhiều sơ hở, bất cập tạo điều kiện cho thông đồng để trục lợi, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.

co phan hoa dnnn con nhieu so ho co thong dong truc loi gay that thoat lon
Bộ trưởng Công an Tô Lâm báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: QH).

Báo cáo về tình hình công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trước Quốc hội chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, năm 2021 đã chỉ đạo tăng cường công tác nghiệp vụ, chọn đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý; nhất là với các vi phạm trong buôn bán các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ngoài ra, việc điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được đẩy mạnh.

Theo Bộ trưởng, số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện tăng 1,87%, số vụ phạm tội về tham nhũng phát hiện tăng 22,44%.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp; nhất là các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – cho biết cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về kết quả cũng như hạn chế trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

co phan hoa dnnn con nhieu so ho co thong dong truc loi gay that thoat lon
Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga tại phiên họp (Ảnh: QH).

Tuy nhiên, Ủy ban cũng nhấn mạnh một số nội dung. Trong đó, đề cập tới công tác quản lý Nhà nước về hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều sơ hở, bất cập tạo điều kiện cho các đối tượng thông đồng để trục lợi, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.

Cũng theo lãnh đạo Ủy ban Tư pháp, dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi của một số cá nhân khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân thì cần có quy định của pháp luật về vấn đề này.

Về công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, lãnh đạo Ủy ban Tư pháp cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2021, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.

Tuy nhiên theo Ủy ban Tư pháp, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế, nhất là vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều địa phương nhưng chủ yếu là xử lý hành chính.

Đáng chú ý, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng và xảy ra ở nhiều lĩnh vực, số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái nhất là trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 được phát hiện xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế, số vụ phát hiện giảm so với cùng kỳ.

Qua thẩm tra các báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp sớm khắc phục những hạn chế đã nêu trong báo cáo thẩm tra; tiếp tục có những biện pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, phòng chống gian lận thương mại, môi trường, an toàn thực phẩm; hoạt động đấu thầu, định giá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

Việc này nhằm hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với những vi phạm trên các lĩnh vực này.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích