Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch đạt được nhiều kết quả tích cực

(Xây dựng) – Để đảm bảo an ninh năng lượng phát triển đất nước, tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả là một nhiệm vụ được Chính phủ quan tâm. Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch là một trong những công cụ hữu hiệu góp phần thực hiện được mục tiêu quan trọng đó.

chuong trinh hop tac doi tac nang luong viet nam dan mach dat duoc nhieu ket qua tich cuc
Buổi thảo luận của các chuyên gia trong khuôn khổ chương trình hợp tác.

Nhằm triển khai ứng dụng rộng rãi các cơ hội chuyển đổi carbon thấp, tối ưu về chi phí trong hệ thống năng lượng tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch thuộc Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch triển khai Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch (Chương trình DEPP).

Chương trình DEPP (giai đoạn 2017 – 2020) đã triển khai thành công. Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch thuộc Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch triển khai Chương trình DEPP 3 (giai đoạn 2020 – 2025).

Việc hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng là một nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình DEEP. Theo đó, Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019 (Báo cáo EOR19) là một cột mốc quan trọng nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống năng lượng Việt Nam theo cách bền vững hơn thông qua việc thực hiện chính sách và kế hoạch tối ưu hóa chi phí.

“Một trong những kết quả quan trọng nhất của Chương trình là xây dựng Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam. Báo cáo triển vọng năng lượng đã cung cấp thông tin đầu vào cho những chính sách năng lượng của Việt Nam như Quy hoạch phát triển điện quốc gia 8 và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia. Điều này đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam trong nhiều thập kỷ tiếp theo.” – Ông Nadeem Niwaz Quản lý quốc gia của Chương trình Hợp tác Đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, Cục Năng lượng Đan Mạch cho biết.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững Bộ Công Thương: “Đan Mạch là đất nước phát triển, có chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, chính sách phát triển năng lượng nói chung rất dài hạn, đạt thành tựu lớn. Ví dụ như từ 1995 đến nay tiêu thụ năng lượng của Đan Mạch giảm đi, trong khi GDP vẫn tăng trưởng đều. Nó thể hiện được hiệu quả sử dụng năng lượng của nền kinh tế Đan Mạch rất tốt.”

Với sự hợp tác hỗ trợ từ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, dự án triển khai đã góp phần nâng cao năng lực dự báo phụ tải và sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo; cải thiện năng lực tính toán/định lượng nhu cầu… qua đó góp phần cho việc vận hành kinh tế các nguồn năng lượng tái tạo, tối thiểu hoá các chi phí trong khâu sản xuất điện và góp phần giảm phát thải carbon của nền kinh tế.

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác, dự án đã hỗ trợ tỉnh Bắc Giang và Đồng Nai nâng cao năng lực thực thi pháp luật về tiết kiệm năng lượng. Theo đó, Chương trình DEEP đã có những đề xuất về cách cải tiến tình hình thực hiện luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở cấp tỉnh. Trong khuôn khổ hợp tác, Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được xây dựng nhằm giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương, nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2020 – 2025.

Thông qua chương trình DEPP, nhiều văn bản mới cũng đã được ban hành nhằm hỗ trợ các đơn vị thuận tiện hơn trong lập báo cáo, tổng hợp các dữ liệu về tiết kiệm năng lượng, đồng thời để việc thực thi quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được tốt hơn.

Ông Trịnh Quốc Vũ cho biết: Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung vào việc hỗ trợ cho Sở Công Thương để thực hiện chức năng quản lý giám sát các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thông qua việc sử dụng một hệ thống cơ sở dữ liệu toàn quốc, có thể chia sẻ giữa cấp trung ương và địa phương.

Qua hai giai đoạn triển khai, Chương trình DEPP đã mang đến những hiệu quả đáng khích lệ trong việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật về năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm cải tiến, đổi mới công nghệ.

Trong giai đoạn tới khi triển khai Chương trình DEEP 3, dự án sẽ xây dựng khung pháp lý trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi để thúc đẩy ngành công nghiệp gió ngoài khơi phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ tại Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn các quy định về kết nối lưới điện ở Việt Nam và tập trung vào xây dựng các yếu tố thị trường cần thiết để tích hợp nhiều hơn năng lượng gió và mặt trời vào hệ thống năng lượng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích