Chủ tịch xã Tiên Dược chia sẻ thông tin về Covid gây hoang mang

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có nhận được phản ánh của bạn đọc băn khoăn về nội dung được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiên Dược, bà Ngô Thị Tuyết Chinh chia sẻ liên quan đến Covid – 19 vào các nhóm đoàn thể tham gia chống dịch của xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội).

Chủ tịch xã hồn nhiên chia sẻ thông tin chưa có cơ sở khoa học

Theo bạn đọc cung cấp thì nội dung được nữ Chủ tịch xã Tiên Dược chia sẻ có nhấn mạnh: “khẩn cấp làm ơn share cho mọi người biết

Biến thể delta chủ yếu là PCR âm tính, cá thể chủ yếu không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.

Những thay đổi trong phổi diễn ra dần dần.

Khi hầu hết phổi bị ảnh hưởng, bệnh nhân khó thở và tử vong trong vài giờ.

Công nhân Trung Quốc ở Ấn Độ, từ Ấn Độ về nước qua Nepal. Khi đến Trùng Khánh, các xét nghiệm ban đầu đều cho kết quả âm tính. Nhưng bác sĩ vẫn nghi ngờ nên đã cho họ chụp CT.

Các công nhân được phát hiện có tổn thương ở phổi và được xác nhận là biến thể ba của Ấn Độ, chứng minh rằng biến thể siêu cấp của Ấn Độ có thể trốn tránh các thử nghiệm hiện tại. Hầu hết các điểm kiểm tra chỉ dựa trên các bài kiểm tra thông thường…..” (trích một phần nội dung tin nhắn)

Ảnh chụp một phần tin nhắn được Chủ tịch xã Tiên Dược - bà Ngô Thị Tuyết Chinh chia sẻ trong các nhóm tham gia chống dịch của xã này.
Ảnh chụp một phần tin nhắn được Chủ tịch xã Tiên Dược – bà Ngô Thị Tuyết Chinh chia sẻ trong các nhóm tham gia chống dịch của xã này.

Để có thông tin khách quan, chiều ngày 31/8, chúng tôi đã liên lạc với một người là đại diện của một tổ chức đoàn thể tham gia ban chỉ đạo chống dịch của xã Tiên Dược, người này cho biết: “vào 6h:01 phút ngày 29/8, Chủ tịch xã Tiên Dược gửi tin nhắn có nội dung như trên vào các nhóm zalo có các thành viên tham gia chỉ đạo chống dịch của xã.

Nội dung thông tin cho rằng: “biến thể Delta làm xét nghiệm PCR không phát hiện được, người mắc tử vong trong vài giờ…”. Khi đọc được tin nhắn này tôi cũng khá băn khoăn về tính chính xác và cơ sở khoa học của tin nhắn này. Nó thực sự gây hoang mang. Chị Chinh đang là Trưởng ban chỉ đạo chống dịch Covid – 19 của xã nên khi phát tán thông tin này sẽ rất khác so với người dân bình thường”.

Chiều ngày 31/8, phóng viên đã liên lạc với Bí thư Đảng ủy xã Tiên Dược – ông Nguyễn Thái Bình để có thông tin khách quan hơn về vấn đề bạn đọc phản ánh.

Ông Nguyễn Thái Bình cho biết, Chủ tịch xã đang đi cơ sở nên hẹn thông tin lại vào sáng mai (sáng 1/9). Tuy nhiên, sáng nay (1/9), phóng viên liên lạc lại nhiều lần nhưng vị Bí thư xã Tiên Dược không bắt máy.

Để có thông tin khách quan, sáng 1/9, phóng viên đã liên lạc với bà Ngô Thị Tuyết Chinh – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiên Dược.

Bà Chinh cho hay: “nhiều người có hỏi thông tin về biến chủng Delta, sao nhiều biến chủng thế, tại sao lại xảy ra tử vong, cách phòng chống như thế nào, nếu xảy ra trên địa bàn thì như thế nào? Vì thế, cũng cần tăng cường nội dung này để mọi người hết sức cảnh giác. Khi nhận được tin bài như thế thì tôi cũng chia sẻ để mọi người tham khảo”.

Phóng viên có đặt câu hỏi với bà Chinh là bài viết bà chia sẻ trong các nhóm zalo có các thành viên ban chỉ đạo chống dịch của xã được lấy từ đâu, đã được xác tín về tính khoa học, cơ sở chuyên môn chưa? Bà Chinh cho biết: “tôi chia sẻ cho mọi người nắm được chứ không có ý gì cả. Mọi người cũng hỏi nhiều về biến chủng Delta nên tôi nghĩ xem có thông tin chính thức nào thì tôi chia sẻ. Tôi cũng chia sẻ thông tin chính thức thôi”.

Phóng viên có hỏi lại thông tin này được dẫn từ nguồn nào thì Chủ tịch xã Tiên Dược nói là lấy trên trang nhưng không nói rõ trang nào. “Có một người gửi cho chị”, nữ Chủ tịch xã nói.

Sau đó, bà Chinh nói là sẽ thu hồi bài viết ngay.

Người dân chia sẻ thông tin không chính xác còn bị xử lý huống hồ là lãnh đạo xã

Để có thêm thông tin,chúng tôi đã gửi đầy đủ nội dung bài viết được vị Chủ tịch xã Tiên Dược chia sẻ ở trên đến một một chuyên gia thuộc Bộ Y tế. Vị chuyên gia này nhấn mạnh, đến thời điểm hiện tại, chưa có thông tin nào như nội dung chia sẻ trên.

Chuyên gia này cũng cho biết, biển thể Delta xét nghiệm nhanh còn dương tính huống hồ xét nghiệm PCR nên các thông tin như vị Chủ tịch xã Tiên Dược chia sẻ là chưa có cơ sở.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo, trong thời điểm dịch bệnh, ngoài việc phải chống dịch Covid – 19, các cơ quan chức năng còn phải xử lý các thông tin không chính xác liên quan đến dịch bệnh. Chính vì thế, người dân, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia chống dịch càng phải tỉnh táo, chỉ chia sẻ các thông tin có cơ sở khoa học từ các cơ quan chuyên môn. Bộ Y tế luôn cập nhật các thông tin liên quan đến dịch bệnh rất kịp thời, liên tục.

Bà Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa 13 nhấn mạnh: ” thời gian qua, các cơ quan chức năng đã rất kiên quyết và xử lý nhiều trường hợp đăng tải, phát tán thông tin liên quan đến Covid không chính xác gây hoang mang dư luận. Với người dân bình thường cũng đã bị xử lý nghiêm, ở đây với cương vị là người đứng đầu xã, là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid – 19 ở địa phương mà Chủ tịch xã Tiên Dược lại chia sẻ các thông tin không chính xác, chưa có căn cứ khoa học thì càng phải xử lý nghiêm để làm gương.

Bởi, người dân bình thường chia sẻ người ta còn bán tin bán nghi nhưng Chủ tịch xã chia sẻ, mà lại chia sẻ trong các nhóm có các thành viên tham gia chống dịch, đó là điều cực kỳ nguy hiểm. Chúng ta kêu gọi người dân tỉnh táo trước các thông tin chia sẻ trên mạng internet, là người đứng đầu một xã, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch xã thì càng phải tính táo hơn mới phải”.

Việc các cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật vi phạm quy định tại điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, được quy định xử phạt vi phạm hành chính tại Điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Mỗi cá nhân vi phạm bị phạt 12,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ bỏ thông tin vi phạm.

 Hành vi đưa tin sai sự thật, xuyên tạc về dịch bệnh Covid – 19, có thể bị xử lý hình sự về tội “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.

 Theo Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.

 

Xem tại đây./.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích