Cẩm Thủy (Thanh Hóa): Dự án nạo vét khơi thông dòng chảy hay lợi dụng khai thác tài nguyên?

Phương án nạo vét lòng hồ, khơi thông dòng chảy Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 và tận thu cát, sỏi làm vật liệu xây dựng, bùn thải làm vật liệu san lấp được UBND tỉnh chấp thuận thời gian thực hiện là 05 năm. Tuy nhiên, trữ lượng cát, sỏi tận thu là tương đối ít. Ngoài ra, sự cần thiết của dự án vẫn còn là một dấu chấm hỏi lớn.

Dự án nạo vét hay lợi dụng khai thác tài nguyên khoáng sản?

Theo đó, ngày 02 tháng 11 năm 2020, UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số: 15337/UBND-CN Thanh Hoá V/v chấp thuận Phương án nạo vét lòng hồ, khơi thông dòng chảy Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 và tận thu cát, sỏi làm vật liệu xây dựng, bùn thải làm vật liệu san lấp.

Do Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông phối hợp với đơn vị tư vấn lập, đã được các ngành thẩm định, gửi kèm Công văn số 2764/SCT-MĐT ngày 23/10/2020 của Sở Công Thương, cụ thể như sau:

Tên Phương án: Phương án nạo vét lòng hồ, khơi thông dòng chảy Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 và tận thu cát, sỏi làm vật liệu xây dựng, bùn thải làm vật liệu san lấp.

Địa điểm, phạm vi ranh giới, diện tích khu vực nạo vét và tập kết vật liệu sau nạo vét: Khu vực nạo vét: 04 khu vực, với tổng diện tích 74 ha, nằm trong vực lòng hồ và hạ lưu Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1, thuộc địa bàn các xã Cẩm Bình, Cẩm Lương, Cẩm Thạch và Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy. Khu vực bãi tập kết: 03 khu vực, tổng diện tích 33 ha, thuộc các xã Cẩm Lương, Cẩm Thạch, Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy.

Khối lượng vật liệu tận thu sau nạo vét: Cát xây trát (cát đen): 9.355 m3 . Cát bê tông (cát vàng): 29.400 m3 . Cuội, sỏi: 28.064 m3 . Bùn, sét tận thu làm vật liệu san lấp: 378.635 m3 .

Biện pháp thi công: Nạo vét bằng thuyền bơm hút kết hợp vận tải bằng đường thuỷ dọc theo sông Mã về 03 khu vực tập kết, sàng rửa phân loại và xúc bốc bằng máy xúc lên ô tô đi tiêu thụ. Máy móc thiết bị sử dụng bao gồm: Thuyền hút: 07 cái công suất 290CV. Trạm sàng rửa công suất 40m3 /h: 03 trạm. Máy xúc Komatsu PC 200: 03 máy.

Đơn vị thực hiện: Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông. Thời gian thực hiện: 05 năm; trong đó, thời gian nạo vét 4 năm 11 tháng, thời gian chuẩn bị 01 tháng. Thời gian nạo vét trong năm: Vào mùa khô, từ 15/10 năm trước đến 15/5 năm sau. Thời gian nạo vét trong ngày: Từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

Mặc dù thời gian thực hiện của dự án là 05 năm, tuy nhiên lượng cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường chỉ gồm: Cát xây trát (cát đen): 9.355 m3. Cát bê tông (cát vàng): 29.400 m3 . Cuội, sỏi: 28.064 m3. Còn lại là bùn, sét thải. cũng đồng nghĩa với việc tiền nộp tiền cấp quyền khai thác, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường là rất ít?

img20220419095800.jpg
Dòng sông Mã hiện vẫn chưa có hiện tượng bồi lắng ảnh hưởng tới việc tích nước

Trong phương án được chủ đầu tư nêu về sự cần thiết phải nạo vét lòng sông như sau: Sông Mã là dòng sông có lượng phù sa rất lớn, theo thời gian lượng phù sa này sẽ lắng đọng, tích tụ và nằm lại trong vùng lòng hồ thủy điện Cẩm Thủy 1 làm giảm thể tích hồ chứa, giảm hiệu suất phát điện của nhà máy. Nếu không kịp thời nạo vét thì sẽ gây hiện tượng ùn ứ ở cửa nhận nước nhà máy, lượng phù sa khi đi qua nhà máy cũng sẽ làm giảm ảnh hưởng đáng kể tuổi thọ của thiết bị nhà máy, gây mất an toàn cho công trình. Việc nạo vét thượng lưu và hạ lưu nhà máy cũng sẽ giúp khơi thông dòng chảy, tăng khả năng thoát lũ cho dòng sông. Từ những lý do trên thì việc nạo vét lòng sông, khơi thông dòng chảy là rất cần thiết, giúp tăng khả năng thoát lũ cho dòng sông và tăng hiệu quả, đảm bảo vận hành an toàn cho nhà máy công trình thủy điện Cẩm Thủy 1.

Tuy nhiên, Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 vừa chỉ đưa vận hành từ đầu năm 2019, liệu lòng hồ thủy điện đã bị bồi lắng ảnh hưởng tới việc tích nước hay chưa? Việc thực hiện Phương án nạo vét lòng hồ, khơi thông dòng chảy Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 và tận thu cát, sỏi làm vật liệu xây dựng, bùn thải làm vật liệu san lấp có thực sự cần thiết hay chỉ là lợi dụng để khai thác tài nguyên khoáng sản thì cần có sự giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng.

img20220419095650.jpg
Dự án nạo vét khơi thông dòng chảy hay lợi dụng khai thác tài nguyên?

Trước đó UBND tỉnh đã không chấp thuận dự án

Ngày 23/7/2019 UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 9356/UBND-CN V/v chưa chấp thuận chủ trương nạo vét lòng hồ và hạ lưu Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 và tận thu cát, sỏi, đá làm vật liệu xây dựng thông thường.

screenshot_2022-04-26-15-12-24-15_e2d5b3f32b79de1d45acd1fad96fbb0f.jpg
Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã không chấp thuận phương án nạo vét lòng hồ, khơi thông dòng chảy Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1

Nội dung: chưa chấp thuận chủ trương nạo vét lòng hồ và hạ lưu Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 và tận thu cát, sỏi, đá làm vật liệu xây dựng thông thường của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông.

Lý do: Phương án nạo vét, thu hồi cát, sỏi, đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại các khu vực trên do đơn vị lập chưa đảm bảo quy định; chưa đánh giá được hiện trạng khu vực và hiệu quả của việc nạo vét, ảnh hưởng của việc nạo vét đến môi trường và các công trình hạ tầng, kè bảo vệ bờ, bãi sông, chưa thể hiện vị trí, thời gian, khối lượng nạo vét…

Trao đổi về nội dung nêu trên, ông Nguyễn Văn Hiệp – Trưởng phòng TNMT huyện Cẩm Thủy cho biết: Trước đó, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông đã có văn bản xin nạo vét khơi thông dòng chảy thủy điện Cẩm Thủy 1; UBND huyện đã hai lần có văn bản không đồng ý. Với lý do, Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 vừa đưa vào vận hành từ đầu năm 2019, việc lòng hồ bị bồi lắng hay không cần phải đánh giá khách quan. Từ đó, tránh việc lợi dụng dự án để khai thác tài nguyên khoáng sản.

Ngoài ra, các dự án nạo vét lòng hồ, khơi thông dòng chảy cần có bến thủy nội địa. Tuy nhiên, hiện tại chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn chưa trình cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện xây dựng bến thủy nội địa hay chưa – Ông Hiệp thông tin thêm.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn cũng có thể thích