Bảo hiểm xã hội Việt Nam: 28 năm nỗ lực vì sự nghiệp an sinh xã hội

Nhân kỷ niệm ngày thành lập ngành, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã có cuộc trao đổi, chia sẻ với báo chí về chặng đường 28 năm tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với nhiều trọng trách nhưng cũng không ít vinh dự, tự hào của ngành.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam: 28 năm nỗ lực vì sự nghiệp an sinh xã hội
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh kiểm tra việc hỗ trợ người lao động tại Công ty TNHH ToTo Việt Nam.

Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh: Phát triển BHXH, BHYT theo hướng bao phủ toàn dân là mục tiêu quan trọng, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước. Với ý nghĩa đó cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN của ngành BHXH Việt Nam trong 28 năm qua đã góp phần đưa các chính sách này ngày càng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực.

Thứ nhất, chủ động, tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. BHXH Việt Nam đã thường xuyên chủ động tổng hợp vướng mắc trong tổ chức, thực hiện các chính sách; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đánh giá về tình hình thực hiện chế độ, chính sách và tác động để kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại… phục vụ thiết thực, hiệu quả việc xây dựng, sửa đổi các dự luật quan trọng; qua đó góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho người lao động và nhân dân tham gia, thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách.

Theo đó, chính sách BHXH, BHYT đã từng bước được hoàn thiện theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và mở rộng phạm vi bao phủ, quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách. Chính sách BHYT đã bảo đảm cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng đến cải thiện chất lượng sức khỏe người dân và cộng đồng; giảm bớt gánh nặng tài chính khi sử dụng các dịch vụ y tế và làm giảm nguy cơ đói nghèo, đặc biệt đối với người nghèo, cận nghèo, người dân sống ở vùng sâu vùng xa, vùng miền núi.

Thứ hai, công tác truyền thông chính sách, pháp luật được coi trọng, đổi mới cả về nội dung, hình thức theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm chủ thể, đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán, trong đó tập trung vào nhóm tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình; triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh truyền thông trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, góp phần tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội trong suốt quá trình xây dựng, tổ chức, thực hiện chính sách; giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; truyền cảm hứng, giúp người dân hiểu giá trị, ý nghĩa nhân văn của chính sách để vận động tham gia lưới an sinh xã hội một cách chủ động hơn.

Thứ ba, công tác phát triển người tham gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành, góp phần mở rộng độ bao phủ, tiến tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân mà các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đề ra. Diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN ngày càng được mở rộng với sự tăng trưởng ấn tượng: Số người tham gia BHXH là 17,5 triệu người, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó: Số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên hơn 16 triệu người năm 2022, tăng trên 7,5 lần; số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 6 nghìn người năm 2008 lên gần 1,5 triệu người năm 2022, tăng 250 lần); số người tham gia BHTN tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên hơn 14,3 triệu người năm 2022, tăng gần 2,4 lần; số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên hơn 91,1 triệu người năm 2022, tăng 12,8 lần, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số – cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam: 28 năm nỗ lực vì sự nghiệp an sinh xã hội
Chính sách BHXH, BHYT từng bước được hoàn thiện theo hướng mở rộng quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách.

Thứ tư, công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT được ngành BHXH Việt Nam thực hiện kịp thời, đúng quy định; đặc biệt chuyển đổi hiệu quả phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, việc giải quyết chế độ cho người tham gia căn cứ vào dữ liệu quản lý quá trình tham gia, đảm bảo nguyên tắc “đóng – hưởng”; phương thức hoạt động của hệ thống được đổi mới theo hướng phục vụ.

Kết quả, từ năm 1995 đến hết năm 2022, toàn ngành đã giải quyết cho khoảng hơn 136 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; từ năm 2010 đến hết năm 2022 phối hợp giải quyết cho gần 8,7 triệu người hưởng các chế độ BHTN; đến cuối năm 2022, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khoảng 3,3 triệu người; từ năm 2003 đến 2022, toàn ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho trên 2.368 triệu lượt người.

Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, lao động, việc làm của người dân và người lao động, 3 năm qua (từ năm 2020 đến năm 2022), ngành BHXH Việt Nam đã chủ động và quyết liệt tham gia cùng các Bộ, ngành tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời tập trung huy động mọi nguồn lực, trên nền nguồn dữ liệu sẵn có để triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ quỹ BHXH, BHTN với tổng số tiền hỗ trợ lên trên 47,2 nghìn tỷ đồng (trong đó, có 99,3% người nhận các khoản hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng).

Trong lúc khó khăn, việc chi trả tiền hỗ trợ nhanh gọn, chính xác đến tận tay người hưởng có ý nghĩa quan trọng: Giúp ổn định đời sống người lao động; phục hồi sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, quyết liệt, tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của ngành trong công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người tham gia trong bối cảnh đặc biệt khó khăn – chưa từng có tiền lệ do dịch bệnh gây ra, cũng như góp phần nâng cao uy tín của Đảng, Chính phủ.

Với kết quả đạt được, tại Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (Hội nghị ASSA) lần thứ 39, BHXH Việt Nam đã vinh dự nhận Giải thưởng “Thực tiễn hiệu quả về giải pháp chính sách của Việt Nam hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN”.

Thứ năm, công tác quản lý tài chính, đầu tư quỹ. Quỹ BHXH, BHYT đã trở thành các quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý BHXH. Quy mô các quỹ bảo hiểm tăng qua từng năm, khẳng định tính bền vững, đảm bảo cân đối trong dài hạn, nhờ đó người lao động và nhân dân ngày càng yên tâm, tin tưởng khi tham gia BHXH, BHYT. Tỷ lệ chi từ nguồn Quỹ BHXH ngày càng tăng; tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho BHXH ngày càng giảm, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng trong việc khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh xã hội.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam: 28 năm nỗ lực vì sự nghiệp an sinh xã hội
BHXH Việt Nam triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên Căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT.

Thứ sáu, công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành được đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt. Theo đó, các thủ tục hành chính đã được rà soát, cắt giảm tối đa; đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo thuận lợi nhất cho người tham gia; toàn bộ các quy trình nghiệp vụ giải quyết chính sách của ngành đều được thực hiện trên phần mềm liên thông, chia sẻ dữ liệu với các phần mềm nghiệp vụ khác và cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành; công tác chuyển đổi số của ngành được tập trung triển khai quyết liệt và hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu về xây dựng Chính phủ điện tử mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra.

“Có thể khẳng định, những kết quả này có được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc, phối hợp tích cực của các Bộ, ngành và địa phương trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; đặc biệt là tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực vượt khó vươn lên của đội ngũ công chức, viên chức trong toàn ngành BHXH Việt Nam để thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.

B.D

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích