Bắc Kạn: 9 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công chưa được 40%

(Xây dựng) – Tính đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh Bắc Kạn mới thực hiện giải ngân được 1.026.344 triệu đồng, đạt 36% số kế hoạch vốn năm 2023 và đạt 37,6% số kế hoạch vốn tỉnh giao.

Bắc Kạn: 9 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công chưa được 40%
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn thường xuyên đôn đốc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn: Đến ngày 30/9, toàn tỉnh giải ngân được 1.026.344 triệu đồng, đạt 36% số kế hoạch vốn năm 2023 và đạt 37,6% số kế hoạch vốn tỉnh giao chi tiết, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước là 51,4% và chưa đạt tỷ lệ cam kết giải ngân các đơn vị, địa phương đã đăng ký là gần 50%. Đối với số kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài, giải ngân được 350.494 triệu đồng, đạt 32% kế hoạch.

Theo báo cáo của Sở Tài chính Bắc Kạn: Đối với nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, kết quả giải ngân kinh phí sự nghiệp năm 2023 không bao gồm số kinh phí năm 2022 giao trong năm 2023 đến hết tháng 9 giải ngân đạt khoảng 45.546 triệu đồng, đạt 7,9% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công của năm 2023 giải ngân khoảng 250.587 triệu đồng, đạt 39,6% kế hoạch; tổng vốn đầu tư công giải ngân trong năm 2023 bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài thực hiện và giải ngân sang năm 2023 giải ngân khoảng 394.339 triệu đồng, đạt 44,5% kế hoạch.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đạt thấp, các Sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư dự án tại Bắc Kạn cho rằng: Trong năm 2022, đa số các dự án có nguồn vốn ngân sách Trung ương chủ yếu thực hiện công tác khảo sát, thiết kế; đến cuối năm 2022 mới hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, thực hiện thanh toán tạm ứng nên những tháng đầu năm 2023, các dự án chủ yếu là hoàn ứng năm 2022; khối lượng giải ngân năm 2023 tập trung chủ yếu những tháng cuối năm 2023.

Tương tự, về nguồn vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đến tháng 3/2023 mới được Trung ương giao kế hoạch vốn cho 3 dự án là 154 tỷ đồng. Thời gian qua, các dự án chủ yếu thực hiện các thủ tục đầu tư, thẩm định giá hoặc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công nên tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân chậm.

Trong khi đó, về nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, do một số địa phương cấp xã chưa có cán bộ chuyên trách về đầu tư xây dựng; các nhóm thợ, cộng đồng dân cư địa phương thực hiện các dự án đặc thù còn yếu về năng lực xây dựng hồ sơ thi công nên việc triển khai thực hiện, giải ngân chậm…

Đánh giá của UBND tỉnh Bắc Kạn cho thấy: Đến thời điểm này vẫn còn 15 đơn vị chưa đạt tỷ lệ giải ngân theo cam kết và có tỷ lệ thấp so với bình quân chung của tỉnh, thậm chí có những dự án tỷ lệ giải ngân còn chưa đạt 10% kế hoạch.

Trước thực tế trên, tại Hội nghị trực tuyến được tổ chức hôm 20/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình đã yêu cầu các Ban Quản lý dự án, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị được giao làm chủ đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản các dự án trong những tháng cuối năm 2023, đảm bảo kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, chuẩn bị nhanh các thủ tục, chỉ đạo tổ chức thi công công trình đảm bảo tiến độ chất lượng an toàn, vệ sinh lao động. Đặc biệt, đối với các dự án trọng điểm cần bám sát tiến độ thực hiện đã được UBND tỉnh chấp thuận. Người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh về việc tổ chức thực hiện và kết quả giải ngân của đơn vị mình.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cũng nêu rõ: Các sở quản lý xây dựng chuyên ngành, cơ quan thẩm định có trách nhiệm xem xét thẩm định các hồ sơ dự án công trình trong thời gian sớm nhất; đồng thời nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư dự án đảm bảo quy mô đầu tư hợp lý, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn, phù hợp với các mục tiêu chiến lược, kế hoạch và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án, thiết kế, dự toán; đảm bảo các dự án đã được thẩm định phù hợp về quy mô, các giải pháp thiết kế mang tính khả thi, hiệu quả kinh tế và theo quy định. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức thẩm định; chủ động, linh hoạt bố trí thêm nhân lực để thực hiện công tác thẩm định hồ sơ, dự án đảm bảo tiến độ thực hiện.

Các địa phương nâng cao trách nhiệm, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn; có biện pháp giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; tích cực phối hợp với các đoàn thể tăng cường, đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục, đảm bảo hiệu quả; kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, không hợp tác trong quá trình giải phóng mặt bằng theo quy định.

Các chủ đầu tư chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo sở, ngành chuyên môn và UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của các công trình, dự án.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích