Tác động của ô nhiễm môi trường không khí và đề xuất một số giải pháp
Tác động của ô nhiễm môi trường không khí và đề xuất một số giải pháp
Ô nhiễm không khí đã và đang là mối quan ngại lớn đối với người dân. Gần đây, chỉ số chất lượng không khí liên tục trong nhiều ngày tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp ở mức kém, ở ngưỡng cao của thang cảnh báo.
Trong bối cảnh này, các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí cần được triển khai ngay nhằm đạt hiệu quả giảm thải, cải thiện sức khỏe người dân, đồng thời bền vững và hiệu quả về kinh tế.
Tác động của ô nhiễm môi trường không khí
Ô nhiễm không khí chính là một trong những rủi ro môi trường lớn nhất mà loài người phải đối mặt, đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội. Tác động rõ nhất và dễ nhìn thấy nhất của ô nhiễm không khí là đến sức khỏe con người. Tổ chức Y tế Thế giới đã ước tính khoảng 4,5 tỷ người trên toàn thế giới bị phơi nhiễm với nồng độ vật chất hạt trong không khí (PM) cao gấp hai lần so với mức được cho là an toàn. Ở Việt Nam cũng đã có một số nghiên cứu tính toán số ca tử vong tăng lên do ô nhiễm PM10 từ giao thông còn lớn hơn cả số ca tử vong do tai nạn giao thông, hoặc khi hàm lượng PM10, PM2.5 tăng lên thì số ca nhập viện liên quan đến đường hô hấp của trẻ em tăng tương ứng.
Những tác động của việc hít thở không khí ô nhiễm không chỉ để lại hệ lụy về sức khỏe đơn thuần, mà cũng đã có những nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí làm giảm kỹ năng nhận thức và hiệu suất công việc người của người lao động. Nghiên cứu mới của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 ngàn tỷ USD mỗi năm. Ô nhiễm ozon trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Một thủ đô, hay đô thị lớn, điểm du lịch của một đất nước nếu bị xếp hạng mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng thì khó có thể thu hút được khách du lịch và cả các nhà đầu tư.
Ô nhiễm không khí gây ra mức tổn hại lớn đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến cơ hội tăng trưởng và việc làm trong nền kinh tế Việt Nam. Nói cách khác, ô nhiễm môi trường không khí có rất nhiều tác động lớn đến nền kinh tế từ cấp độ vi mô đến vĩ mô. Ước tính mỗi năm, ô nhiễm không khí đã gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ USD, chiếm từ 5-7% GDP.Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy, khi con người bị bệnh người ta tạo ra chi phí xã hội, họ phải bỏ tiền ra chữa bệnh, nghỉ việc và làm mất đi những chi phí về thu nhập xã hội cũng như mặt kinh tế cho xã hội. Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí cũng tác động đến các nông nghiệp, làm ảnh hưởng hoạt động của cây cối, hệ sinh thái, làm suy giảm năng suất làm tổn hại kinh tế. Hiện nay Viêt Nam có thể suy giảm 10-15% năng suất so với bình thường do tác động ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng tạo ra những chi phí khác cho xã hội như các chi phí phòng tránh cho việc bảo vệ sức khoẻ con người như trang bị khẩu trang, các khu căn hộ trang bị nhưng thiết bị phòng tránh, các chi phí để làm sạch không khí, các loại thiết bị khác tạo ra chi phí xã hội gia tăng. Đồng thời, làm suy giảm cơ sở hạ tầng thông qua quá trình axit hoá tạo ra các chi phí xã hội.
Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây thiệt hại tới 5 – 7 % GDP hàng năm. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Đại học Fulbright Việt Nam, ô nhiễm không khí ở nước ta đã tạo ra thiệt hại kinh tế khoảng 9,86 – 12,45 tỷ USD vào năm 2013 và tăng lên đáng kể những năm gần đây. Chỉ tính riêng Hà Nội, ước tính chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với người dân nội thành là 1.500 đồng/người/ngày. Với khoảng 3,5 triệu dân nội thành, quy đổi tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp khoảng 2000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, tác động của ô nhiễm không khí đến kinh tế của mỗi nhóm đối tượng sẽ khác nhau và điều đó quyết định bởi vấn đề kinh tế. Về phạm vi chịu tác động của ô nhiễm không khí, người ở gần các khu vực có phát thải độc hại, gần trục đường giao thông lớn chịu ô nhiễm không khí nhiều hơn. Tác động ô nhiễm không khí cũng có sự bất bình đẳng giữa các nhóm thu nhập, đặc biệt dễ quan sát thấy ở các nước đang phát triển. Nhóm người thu nhập cao có khả năng tài chính mua thiết bị phòng ngừa, hạn chế độc hại từ hít thở không khí, có thời gian ở nhà và trong văn phòng tiện nghi nhiều hơn, trong khi người thu nhập thấp ít có điều kiện hơn. Một cuộc điều tra đã ước tính rằng nhóm người thu nhập cao dành 80% thời gian trong nhà, nơi chất lượng không khí tốt hơn nhiều so với ngoài trời. Sự phát triển của các phương tiện phòng ngừa ô nhiễm không khí trên thực tế đã mở rộng sự bất bình đẳng về môi trường giữa người nghèo và người giàu. Ví dụ, chúng ta cùng sống ở thủ đô Hà Nội nhưng với những người có điều kiện hơn, họ được sinh sống ở những khu đô thị nhiều cây xanh, có hồ nước, có hệ sinh thái tốt thì sức khỏe họ cũng được nâng cao. Ngược lại, với những người thu nhập thấp, họ không có điều kiện và sinh sống ở những khu vực không hợp vệ sinh, những khu nhà gần khu công nghiệp.
Một số giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế do ô nhiễm môi trường không khí
Theo GS.TS. Đinh Đức Trường – Trưởng Khoa Môi trường, Biến đổi Khí hậu và Đô thị, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, hiện nay Việt Nam vẫn còn hạn chế trong sự phối hợp giữa các ban, ngành địa phương; sự tham gia của các bên liên quan chưa đồng nhất và sự đầu tư giữa các nhóm đối tượng khác nhau cho ô nhiễm môi trường, chưa mang sự tổng thể và kết nối. Vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế do ô nhiễm môi trường không khí, cần có những cam kết chính trị mạnh mẽ, để xử lý vấn đề ô nhiễm không chỉ là hô khẩu hiệu mà phải có những cam kết thực sự. Đồng thời, chấp nhận hy sinh một phần kinh tế để có thể đạt được các mục tiêu môi trường là quan điểm cần được cân nhắc.
Đồng thời, cần chuyển đổi giao thông truyền thống sang giao thông xanh, chuyển đổi các năng lượng sạch hơn, đầu tư cho hệ thống giám sát, không chỉ những hệ thống giám sát truyền thống, mà là những hệ thống về viễn thám, cảng biển, camera hiện đại ở mọi nơi để phát hiện được nguồn gây ô nhiễm để ngay tức có sự xử lý và dập ngay những nguồn đó; tạo ra những cái vùng an toàn về mặt ô nhiễm không khí; căn cứ tình hình thực tế, sử dụng các nguồn lực huy động để giám sát, gắn ô nhiễm với những người đứng đầu, tạo ra những sự thay đổi kinh tế cũng trách nhiệm đối với môi trường. Bên cạnh đó, có thể tạo ra hệ thống thay đổi hành vi của mọi người bao gồm cả doang nghiệp, cá nhân trong xã hội. Đó là áp dụng hệ thống các công cụ mang tính chất mệnh lệnh kiểm soát, đưa ra cái quy phạm, tiêu chuẩn, định mức về mặt hành vi và yêu cầu những con người, doanh nghiệp trong xã hội phải tuân thủ và giám sát những hành vi đó, nếu có sự vi phạm sẽ có chế tài xử lý.
Mặt khác, đưa ra những công cụ đánh vào động cơ kinh tế của các cá nhân, doanh nghiệp để hướng hành vi của họ theo hướng bảo vệ môi trường như doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường sẽ đánh thuế thêm thì họ sẽ phải cân đối bài toán giữa xả thải thêm hay phải nộp thêm thuế, điều đó sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hơn cho công nghệ thân thiện với môi trường và cũng làm giảm thiểu những thiệt hại tới môi trường.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị