Tác động của AI đối với thương mại quốc tế và giải pháp cho Việt Nam
Trí tuệ nhân tạo đã và đang trở thành yếu tố tác động mạnh mẽ đến thương mại quốc tế. (Ảnh minh họa)
Năm 1956, nhà khoa học máy tính người Mỹ McCarthy đã đưa ra thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo” (Artificial Intelligence – AI) và được sử dụng cho tới ngày nay. AI là các sản phẩm, thường là máy móc thông minh do con người tạo ra. AI có “cách hành xử thông minh”, biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết nhận diện và giao tiếp, nhận biết và tạo ra hình ảnh, biết học và tự thích nghi,… Hiện nay, tầm quan trọng của AI ngày càng được khẳng định, những lợi ích mà AI đem lại ngày càng lớn. Cụ thể:
Khả năng mô phỏng trí thông minh của con người: Khả năng này thể hiện qua hệ thống máy móc được lập trình để nhận thức, tư duy và hành động. Khi được cung cấp dữ liệu và thông tin, AI có thể tự động thực hiện các nhiệm vụ.
Năm 1997, siêu máy tính Deep Blue đã đánh bại Đại Kiện tướng cờ vua Garry Kasparov, đánh dấu khả năng của AI có thể vượt qua trí tuệ con người. Cách đánh cờ của con người và máy tính rất khác nhau. Con người đánh giá một số phương án dựa trên trực giác và kinh nghiệm, còn máy tính áp dụng thuật toán để xem xét tất cả phương án có thể trên bàn cờ, đưa ra nước cờ có khả năng chiến thắng cao nhất.
Khả năng tự động hóa quy trình, tính toán nhanh chóng và chuẩn xác: Trước kia, sức lao động của con người luôn đóng vai trò chủ đạo trong sản xuất, dịch vụ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của AI đã mang đến những thay đổi mang tính cách mạng khi robot, máy móc có thể thực hiện hiệu quả, chính xác các công việc mà không cần sự can thiệp trực tiếp của con người. Thậm chí, tốc độ, tính chuẩn xác của AI còn vượt trội so với con người. AI còn có khả năng vận hành liên tục mà không cần nghỉ ngơi, không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc như con người.
Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù AI mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tồn tại một số hạn chế. Trước hết, AI đòi hỏi chi phí cao, từ phần cứng, phần mềm đến kết cấu hạ tầng, nhân lực. Theo đó, cần đầu tư rất lớn kết cấu hạ tầng để bảo đảm kết nối internet tốc độ cao; chi phí lớn để cập nhật và bảo trì thường xuyên hệ thống AI; thu hút và phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn cao.
Thứ hai, AI thiếu sự linh hoạt. Trong khi con người có khả năng rút ra bài học từ sai lầm, điều chỉnh hành vi, thích nghi với những thay đổi, thì AI thường bị giới hạn bởi các thuật toán, dữ liệu có sẵn nên thiếu linh hoạt, phản ứng không nhanh nhạy trước những tình huống mới. Thậm chí, khi gặp bất ngờ, AI có thể quyết định sai lầm, hoặc không thể thực hiện được nhiệm vụ.
Thứ ba, AI thiếu khả năng cảm nhận, xử lý các yếu tố phi logic như cảm xúc, đạo đức hay ý thức. Con người có khả năng cảm nhận, từ đó đưa ra những ý tưởng độc đáo. AI không có khả năng đó, dẫn đến hạn chế trong sáng tạo nên rất khó thay thế con người trong những lĩnh vực như chăm sóc y tế, giáo dục, tâm lý,… Chẳng hạn như, một giáo viên AI có thể cung cấp kiến thức, nhưng không thể truyền cảm hứng, khơi gợi tư duy sáng tạo, hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện như giáo viên thực.
Tác động của AI đối với thương mại quốc tế
Những tác động tích cực
Một là, tăng quy mô thương mại quốc tế. Theo tính toán, năm 2030, AI sẽ đóng góp 15,7 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu, cao hơn 14% so với không có AI. Trong thương mại quốc tế, AI sẽ giúp cải thiện năng suất lao động, cá nhân hóa sản phẩm, tiết kiệm thời gian.
Về năng suất lao động, khi ứng dụng AI, với cùng một lực lượng lao động, doanh nghiệp có thể tạo ra nhiều sản phẩm hơn, giảm chi phí và tăng quy mô sản xuất. AI giúp tự động hóa các công việc cần nhiều sức lao động, công việc nguy hiểm hoặc lặp đi lặp lại.
Về cá nhân hóa sản phẩm và dịch vụ, AI hỗ trợ doanh nghiệp thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng, hiểu rõ nhu cầu của từng thị trường để cung cấp hàng hóa phù hợp. Ví dụ, hàng may mặc có thể được thiết kế và sản xuất theo yêu cầu và thị hiếu của từng thị trường, thay vì sản xuất hàng loạt.
Bên cạnh đó, AI có khả năng truy xuất nguồn gốc, kiểm tra chất lượng sản phẩm với độ chính xác cao hơn con người. AI có thể phát hiện một sai sót nhỏ trong khối lượng hàng hóa lớn, đáp ứng được các tiêu chuẩn, hạn chế những sai phạm gây tốn kém. Từ đó sẽ giảm chi phí trong thương mại quốc tế.
Hai là, nâng cao hiệu quả của hoạt động thương mại:
Hỗ trợ bán hàng và quản lý kho hàng: Thay vì những cửa hàng truyền thống quen thuộc, người tiêu dùng ngày càng được trải nghiệm các không gian mua sắm có trang bị AI. Nhiều cửa hàng đang đẩy mạnh sử dụng robot thay thế nhân viên, giúp giảm chi phí, nâng cao sự tương tác với khách hàng. Chẳng hạn, Công ty JD.com của Trung Quốc đã có các cửa hàng không người bán. Tại đây, người mua không cần xếp hàng hay trả tiền trực tiếp ở quầy. Thay vào đó, hệ thống AI sẽ nhận diện khuôn mặt, sản phẩm, rồi tự động trừ tiền trong tài khoản của khách. Việc triển khai các cửa hàng tự động như trên tại Trung Quốc là cần thiết, vì dân số nước này đang già đi, khó tuyển nhân viên bán hàng.
Về quản lý, ở Mỹ hiện có 47% doanh nghiệp đang ứng dụng AI trong quản lý kho hàng. Dự báo con số này sẽ tăng lên 85% trong vòng 5 năm tới. Sử dụng AI, doanh nghiệp có thể thực hiện hiệu quả việc quản lý, truy xuất số lượng, tình trạng hàng hóa vào – ra kho. AI có thể dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như tần suất lấy hàng, kích thước và trọng lượng sản phẩm… để xác định vị trí hàng hóa trong kho. AI còn giúp tự động hóa các công việc đóng gói, sắp xếp và vận chuyển hàng hóa, thay thế cho sức lao động thủ công, tăng hiệu suất và tính chính xác của việc sắp xếp đơn hàng.
Hỗ trợ dịch vụ khách hàng: Việc AI hỗ trợ dịch vụ khách hàng ngày càng được phổ biến như tư vấn, gợi ý và tìm kiếm sản phẩm. Ví dụ, Chatbot sẽ hoạt động như một trợ lý ảo chăm sóc khách hàng trực tuyến, phân tích câu hỏi và giải đáp thắc mắc của người tiêu dùng. Năm 2018, tập đoàn Alibaba hợp tác với Đại học Thanh Hoa ra mắt công nghệ Smart Touch, hỗ trợ cho người khiếm thị. Công nghệ này sử dụng AI để nhận diện hành động của người dùng, phát lại âm thanh và rung động tương ứng, giúp họ hình dung thông tin hiển thị trên màn hình. Năm 2020, Học viện DAMO Alibaba tiếp tục phát triển công nghệ dịch AI, với khả năng dịch trực tiếp nhiều thứ tiếng, xóa bỏ rào cản ngôn ngữ giữa người bán và người mua.
Tối ưu hóa vận chuyển và phân phối: Trong bối cảnh vận chuyển và phân phối hàng hóa ngày càng tăng, AI đang giúp quá trình giao, nhận hàng trở nên thuận tiện và nhanh chóng. Khi một đơn hàng được xác nhận, AI sẽ hỗ trợ đóng gói, phân công nhân viên giao hàng, ước tính thời gian vận chuyển và thông báo cho khách. Ví dụ, công ty dịch vụ logistics DHL của Đức đã áp dụng AI OptiCarton để tối ưu hóa việc đóng gói hàng hóa. OptiCarton có khả năng phân tích và tính toán kích thước, hình dạng của từng món hàng để đưa ra phương án đóng gói vào thùng chứa có kích thước phù hợp nhất, hạn chế chỗ trống trong thùng. Điều này có thể giảm tới 50% không gian trống, do đó giảm lượng xe vận chuyển, giảm khí thải ra môi trường.
Ứng dụng AI còn giúp chuỗi cung ứng trở nên linh hoạt, tăng khả năng chống chịu trước biến động thị trường. Năm 2021, khi dịch COVID-19 gây tắc nghẽn chuỗi cung ứng tại các cảng Bờ Tây, Bộ Giao thông Mỹ đã phát triển hệ thống điều khiển nhằm cải thiện luồng hàng hóa, giảm chi phí cho người dân.
Cụ thể, hệ thống này theo dõi tiến độ di chuyển của hàng hóa qua thông tin, như số lượng container nhập khẩu, thực trạng hàng hóa trên các kệ hàng, tình hình tồn kho,… Qua đó, các nhà quản lý nắm được tình hình di chuyển của hàng hóa, nơi nào thông suốt, nơi nào tắc nghẽn, từ đó kịp thời giải quyết tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, ách tắc hàng hóa trên toàn quốc. Với những lợi ích như trên, tương lai của AI trong lĩnh vực này là rất lớn.
Góp phần củng cố an ninh trong thương mại: Thương mại điện tử ngày càng bùng nổ, nhưng những thách thức về an ninh mạng, gian lận và bảo mật thông tin cũng đang tăng lên. Năm 2023, tổn thất do tội phạm mạng trên toàn cầu đã lên đến 8 nghìn tỷ USD. Dự kiến, năm 2025, con số này có thể là 10,5 nghìn tỷ USD. Gian lận, lừa đảo, mất thông tin,… không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm mất niềm tin của khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín và doanh thu của doanh nghiệp.
Trước thực trạng trên, ứng dụng AI để tăng cường kiểm soát, bảo mật trong thương mại là cấp thiết. Cụ thể, AI sẽ được sử dụng để xác định, xác minh danh tính người mua, gồm kiểm tra dấu vân tay, nhận diện khuôn mặt, giọng nói,… để ngăn chặn đánh cắp thông tin và gian lận tài khoản. AI cũng giúp phát hiện và ngăn chặn hàng giả, hỗ trợ kiểm duyệt thị trường, bằng cách so sánh hình ảnh, đặc điểm và giá cả của sản phẩm với dữ liệu của hàng hóa chính hãng, từ đó góp phần bảo vệ thương hiệu và người tiêu dùng khỏi các sản phẩm giả mạo.
Mặt khác, AI còn được sử dụng để giám sát và phát hiện hành vi đầu cơ, bảo đảm sự ổn định của thị trường. Chẳng hạn, nhằm ngăn chặn tình trạng tích trữ hàng hóa trong mùa dịch, hệ thống bán hàng trực tuyến Tiki đã triển khai hệ thống giới hạn số lượng sản phẩm được mua của mỗi tài khoản. Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể lợi dụng việc tạo nhiều tài khoản để lách luật. Nhằm giải quyết vấn đề này, Tiki đã phát triển và áp dụng hệ thống phát hiện gian lận (FDS), thông qua sử dụng dữ liệu khách hàng đã được mã hóa, bao gồm thông tin nhân khẩu học (độ tuổi, giới tính, địa điểm,…) và hành vi mua sắm, kết hợp các mô hình AI để dự đoán khả năng gian lận. Đặc biệt, trong những thời điểm nhu cầu đối với một nhóm sản phẩm tăng đột biến (như sản phẩm y tế trong mùa dịch), FDS có thể mở rộng khả năng xử lý, rà soát hàng loạt đơn hàng, giúp Tiki kiểm soát hiệu quả tình trạng đầu cơ, đảm bảo nguồn hàng cho người tiêu dùng trong mùa dịch bệnh.
Những thách thức đặt ra
Mặc dù sử dụng AI trong thương mại đem lại nhiều lợi ích và hiệu quả, nhưng cũng có nhiều thách thức nảy sinh.
Xung đột thương mại giữa các quốc gia: Các nước phát triển có khả năng đầu tư mạnh mẽ vào AI, trong khi các nước đang phát triển gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực này. Điều đó tạo ra sự cạnh tranh, xung đột trong thương mại quốc tế. Ngoài ra, việc chia sẻ dữ liệu quốc tế về AI đặt ra thách thức về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, đặc biệt khi mỗi quốc gia lại có sự khác biệt trong các quy định về bảo vệ dữ liệu.
Lỗ hổng trong hệ thống pháp luật: Việc AI tự đưa ra quyết định, nếu sai lầm sẽ dẫn đến những thiệt hại cho con người. Theo quy định hiện hành, ai gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Tuy nhiên, AI hiện nay chưa được công nhận là chủ thể pháp luật, do đó không thể chịu trách nhiệm với những thiệt hại đã gây ra. Trong khi pháp luật chưa có quy định cụ thể về hoạt động của AI thì con người vẫn đang phải đối mặt và giải quyết các thiệt hại do AI gây nên.
An ninh mạng: Hiện nay, các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi và nguy hiểm hơn, do kẻ tấn công đã sử dụng AI để tự động hóa các cuộc tấn công, cá nhân hóa chiến thuật, bằng cách sử dụng email lừa đảo, giả mạo cuộc gọi nhằm đánh lừa nạn nhân. Hậu quả của các cuộc tấn công mạng cũng ngày càng nghiêm trọng hơn. Năm 2023, thiệt hại do tội phạm mạng toàn cầu gây ra là 8.150 tỷ USD. Dự báo, năm 2028, con số này sẽ là 13.800 tỷ USD.
Các công ty, tổ chức bị ảnh hưởng của tấn công mạng sẽ chịu tổn thất do gián đoạn kinh doanh, chi phí giải quyết sự cố (điều tra, phục hồi dữ liệu), cũng như các chi phí và thiệt hại liên quan đến vi phạm dữ liệu. Do đó, áp dụng các biện pháp bảo mật thích hợp để bảo đảm an toàn dữ liệu, hệ thống thương mại là hết sức cần thiết.
Thất nghiệp và an sinh xã hội: Một trong những lo ngại lớn là AI có thể dẫn đến thất nghiệp gia tăng, nhất là với những công việc có kỹ năng thấp và lặp đi lặp lại. Những lao động trẻ, có khả năng thích nghi và tiếp cận công nghệ mới, sẽ có nhiều cơ hội về việc làm. Tuy nhiên, người lao động lớn tuổi, có ít kỹ năng công nghệ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, có nguy cơ bị thay thế. Điều này dẫn đến gia tăng thất nghiệp, bất bình đẳng thu nhập và bất ổn xã hội.
Mặt khác, việc phụ thuộc quá nhiều vào AI có thể làm giảm khả năng sáng tạo và tư duy độc lập, con người sẽ thiếu chủ động.
Phát triển ứng dụng AI ở Việt Nam
Về thuận lợi
Một là, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của AI. Xu hướng phát triển của AI trên thế giới đã mở ra cơ hội để Việt Nam học hỏi, áp dụng và tìm ra những biện pháp phù hợp, rút ngắn được thời gian phát triển AI.
Hai là, Chính phủ Việt Nam bắt đầu chú trọng đầu tư vào AI. Năm 2023, Việt Nam đứng thứ 59/193 quốc gia/vùng lãnh thổ về “Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ”. Đây là năm thứ ba Việt Nam vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới, là tín hiệu tích cực cho thấy những nỗ lực đầu tư vào AI của Việt Nam.
Mục tiêu của Việt Nam đã được thể hiện rõ trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 (ban hành tháng 1/2021). Đó là “Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới”.
Ba là, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, có khả năng học hỏi, tiếp thu công nghệ nhanh. Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với khoảng 10,8 triệu lao động trẻ, chiếm 21,4% tổng lao động cả nước. Thời gian qua, các sự kiện, hội thảo về AI đã liên tục được tổ chức, cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với lĩnh vực này. Các ngành học về AI cũng ngày càng được chú ý. Thị trường công nghệ Việt Nam cũng rất sôi động, các ứng dụng công nghệ ngày càng phổ biến, tỷ lệ sử dụng internet cao và tốc độ internet ngày càng được cải thiện.
Về khó khăn
Thứ nhất, hiện nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa bắt kịp để điều chỉnh các quan hệ pháp luật liên quan đến AI. Cụ thể, vẫn còn tranh cãi về tư cách pháp lý của AI, như trường hợp các công ty sử dụng AI để sản xuất xe tự động không người lái, sau đó gây tai nạn. Trong trường hợp này, chưa xác định được đối tượng chịu trách nhiệm là chủ xe, nhà sản xuất hay lập trình viên viết phần mềm. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ thể của quan hệ pháp luật là cá nhân, pháp nhân. Tuy nhiên, AI là một thực thể nhân tạo, không đủ điều kiện để được công nhận là một cá nhân, pháp nhân theo quy định.
Thứ hai, AI đòi hỏi nguồn lực khổng lồ về dữ liệu, máy tính mạnh và nhân lực chuyên môn cao, dẫn đến chi phí rất cao, trong khi nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế, như nguồn tài chính cho khoa học – công nghệ có hạn, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư cho AI. Điều này khiến các nhà khoa học Việt Nam khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, thực hiện các dự án nghiên cứu quy mô lớn và tạo ra những đột phá về AI.
Thứ ba, những rào cản về nhân lực. Nguồn cung nhân lực của Việt Nam chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu thị trường. Theo Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”, Việt Nam cần đến 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin vào năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2023, cả nước mới chỉ có hơn 177.000 sinh viên đại học và cao đẳng về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông tại hơn 400 trường đại học, cao đẳng. Hệ thống đào tạo hiện chỉ có thể cung cấp khoảng 600.000 lao động công nghệ thông tin.
Mặc dù Việt Nam có lợi thế về cơ cấu dân số vàng và các trường đại học, viện nghiên cứu,… đang tăng cường đào tạo về công nghệ thông tin nhưng sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn cao về AI vẫn là thách thức. Mặt khác, không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà cả các tập đoàn nước ngoài cũng đang săn đón nhân lực về AI. Mức lương, đãi ngộ cho các chuyên gia AI ở Việt Nam thường thấp hơn so với các nước phát triển, gây khó khăn để thu hút và giữ chân nhân tài.
Thứ tư, việc quản lý các quyền riêng tư về dữ liệu cá nhân tại Việt Nam chưa được hoàn thiện. Mặc dù AI mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro liên quan đến quyền riêng tư. Để ứng phó với thách thức này, nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới đã có những biện pháp khác nhau. Chẳng hạn, EU đã áp dụng Đạo luật Bảo vệ dữ liệu từ năm 2018, quy định về dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền khi sử dụng thông tin người khác. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các quy định này vẫn chưa rõ ràng. Hơn nữa, Việt Nam còn là một trong những quốc gia chịu nhiều cuộc tấn công mạng trong những năm gần đây. Điều này cho thấy tính cấp thiết cần phải tăng cường đầu tư vào an ninh mạng, đặc biệt khi các dịch vụ của Chính phủ đang trên đà số hóa, các tương tác kinh tế – xã hội ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu.
Một số giải pháp thúc đẩy ứng dụng AI tại Việt Nam
Xây dựng khuôn khổ pháp lý, cải thiện kết cấu hạ tầng AI: AI là lĩnh vực mới, biến đổi nhanh chóng, nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, càng khó khăn thì càng phải kiểm soát, bởi công nghệ được ví như “con dao hai lưỡi”. Hiện nay, khung pháp lý để quản lý AI mới chỉ ở giai đoạn sơ khai tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thiếu văn bản pháp lý điều chỉnh và môi trường vận dụng đã khiến khả năng tiếp cận, khai thác AI bị hạn chế khá nhiều. Việt Nam cũng cần cải thiện kết cấu hạ tầng AI, ưu tiên phát triển internet tốc độ cao và dữ liệu mở. Việc xây dựng các trang web, thư viện mở, nền tảng dịch vụ truy cập và khai thác dữ liệu liên ngành và chuyên ngành cũng cần được chú trọng, thúc đẩy ứng dụng AI hiệu quả.
Nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực: Việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về AI là một ưu tiên, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ từ nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Cần nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích của AI. Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp để khảo sát, đánh giá nhu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó đưa ra các điều chỉnh phù hợp. Cần tăng cường kỹ năng cơ bản về ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu cho người lao động. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo ngắn hạn và trung hạn về công nghệ thông tin cho sinh viên và người lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp.
Khi AI và tự động hóa phát triển mạnh mẽ, nhiều công việc cũ sẽ bị thay thế. Vì vậy, cần quan tâm đến những lao động bị ảnh hưởng bởi AI. Chính phủ cần phối hợp các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp để đưa ra phương án phù hợp, giải quyết vấn đề chuyển đổi nhân lực cho toàn xã hội.
Tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm sử dụng AI trong thương mại quốc tế, cập nhật các xu hướng mới và học hỏi từ các quốc gia đi trước về AI. Cần chú trọng thúc đẩy các dự án chuyển giao AI giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, giúp doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến, phát triển các sản phẩm AI có khả năng cạnh tranh với quốc tế. Cần tổ chức các sự kiện về AI, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức tham gia các hội thảo, triển lãm, kỳ thi quốc gia về AI hay các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu về AI. Từ đó, giúp nâng cao năng lực của cán bộ, nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này.
PGS. TS. Nguyễn Văn Lịch – Trần Hồng Anh
(Học viện Ngoại giao)
Tài liệu tham khảo:
1. Anh Hoa: “Công nghệ định giá giúp sàn thương mại điện tử phát hiện và kiểm soát gian lận trong mùa dịch”, Báo Đầu tư, 2020, https://baodautu.vn/cong-nghe-dinh-gia-giup-san-thuong-mai-dien-tu-phat-hien-va-kiem-soat-gian-lan-trong-mua-dich-d119547.html
2. Alizila Staff: “Alibaba, Tsinghua to Advance Human-Computer Interaction.” News from Alibaba, 2018, https://www.alizila.com/alibaba-tsinghua-launch-new-human-computer-interaction-lab/
3. Alibaba Clouder: “Alibaba AI Broadcasted Live With Real-Time Translation in 214 Languages.” Alibaba Cloud, 2020, https://www.alibabacloud.com/blog/alibaba-ai-broadcasted-live-with-real-time-translation-in-214-languages_596952
4. Cybersecurity Ventures: “2023 Official Cybercrime Report”, 2023, https://cybersecurityventures.com/cybercrime-to-cost-the-world-8-trillion-annually-in-2023/
5. Daniel Pohl: “Artificial intelligence saves costs and emissions by optimizing packaging of shipments for DHL Supply Chain customers.” dhl.com, 2022, https://group.dhl.com/en/media-relations/press-releases/2022/artificial-intelligence-optimizing-packaging-for-dhl-supply-chain-customers.html
6. Tùng Dương: “Tình trạng mất việc làm ở lao động trẻ tăng cao.”, Đại biểu Nhân dân, 2023, https://daibieunhandan.vn/doi-song/tinh-trang-mat-viec-lam-o-lao-dong-tre-tang-cao-i327265/
7. PwC: “Báo cáo Nghiên cứu về AI toàn cầu năm 2017”, 2017, https://www.pwc.com/gx/en/issues/data-and-analytics/publications/artificial-intelligence-study.html
8. MHI, Deloitte: “The 2024 MHI Annual Industry Report”, 2024, Trang 2, https://locusrobotics.com/wp-content/uploads/2024/05/MHI-Industry-Report-2024.pdf
9. Phạm Hồng Sơn: “Những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.” Tạp chí Công thương, 2023, https://tapchicongthuong.vn/nhung-van-de-dat-ra-trong-phat-trien-kinh-te-tri-tue-nhan-tao-tren-dia-ban-thanh-pho-ho-chi-minh-113649.html
10.Statista: “Estimated cost of cybercrime worldwide 2018-2029”, 2024, https://www.statista.com/forecasts/1280009/cost-cybercrime-worldwide
11.Văn Toàn: “Những cột mốc đánh dấu sự hình thành và phát triển của trí tuệ nhân tạo”, Nhân dân điện tử, 2024, https://nhandan.vn/nhung-cot-moc-danh-dau-su-hinh-thanh-va-phat-trien-cua-tri-tue-nhan-tao-post742632.html