Sưu tầm chum cổ nhiều năm, gia chủ đem cải tạo nhà sàn độc lạ ở Huế
Ngôi nhà sàn cũ nằm trong khuôn viên rộng 700m2. Gia chủ quyết định cải tạo lại ngôi nhà, dùng các chum cổ mình đã sưu tầm nhiều năm tạo điểm nhấn.
Nhà sàn bằng gỗ là kiến trúc truyền thống, mang dấu ấn văn hóa lâu đời của nhiều dân tộc ở Việt Nam. Nhà sàn gỗ có ưu điểm mát mẻ, ngăn cách con người với các tác động bất lợi của thiên nhiên như lũ lụt, thú dữ.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, kiểu kiến trúc nhà sàn đã bộc lộ một số nhược điểm như: Bất tiện cho lối sinh hoạt của con người hiện đại, khó mở rộng, thiếu sáng do sử dụng gỗ là chủ yếu.
Căn nhà sàn của gia chủ. |
Với nhu cầu sinh sống của một gia đình hiện đại, gia chủ người Huế đã quyết định cải tạo căn nhà gỗ trong khuôn viên rộng gần 700m2. Đây là ngôi nhà đã xây dựng nhiều năm. Suốt một thời gian dài không có người ở, nhiều hạng mục của ngôi nhà đã bị xuống cấp.
Gia chủ mong muốn căn nhà sàn vẫn giữ được các yếu tố mang tính kỉ niệm, đồng thời vẫn phải đầy đủ tiện nghi cho gia chủ khi sinh sống.
Gia chủ mong muốn căn nhà vẫn giữ được những nét kiến trúc truyền thống. |
Yêu cầu trên là một thử thách đối với kiến trúc sư vì căn nhà gỗ cũ và một gia đình trẻ dường như là hai thứ đối lập, khó có thể dung hòa.
Tuy nhiên, vì khu đất khá rộng nên kiến trúc sư đã thiết kế thêm một khối xây mới có kiến trúc tương đồng với căn nhà sàn. Điều này đã mang đến các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ cho gia chủ.
Kiến trúc sư đã xây thêm một khối nhà mới để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của gia chủ. |
Sân vườn rộng được thiết kế cảnh quan với những mảng cỏ, giữ lại một số cây lớn. Bao quanh ngôi nhà là khối tường rào làm bằng đá họa tiết lồi lõm tổ ong để tạo điểm nhấn, tương phản với màu xanh của sân vườn.
Tường nhà làm bằng đá họa tiết lồi lõm. |
Phía trên tường rào và nhiều không gian trong nhà được sắp xếp các loại chum. Đây một dụng cụ đựng nước thời xưa bằng đất sét nung mà chủ nhà đã sưu tầm được.
Món đồ sưu tầm yêu thích của gia chủ. |
Không gian chính tầng trệt của nhà sàn là nơi gia chủ tiếp khách và sinh hoạt chung. Phía cuối khối nhà gỗ là khu vực tắm lộ thiên kết nối cùng khu vệ sinh chung để tạo cảm giác xanh mát, thông thoáng.
Không gian chính tầng trệt. |
Hiện trạng nhà sàn là hệ cột dầm gỗ làm bằng thân cây nguyên khối chạy đan xen nên dễ gây cảm giác rối và rỗng. Vậy nên, kiến trúc sư đã sử dụng một vài mảng tường đá để giúp khối nhà gỗ này có điểm nhấn.
Kiến trúc sư dùng một vài mảng tường để tạo điểm nhấn về không gian. |
Hệ cửa trượt bằng nhôm kính để lấy gió khi cần và đóng lại khi mưa bão đến. Tầng trên của nhà sàn là khu vực phòng ngủ chính của gia chủ. Kiến trúc sư giữ lại đa số hệ gỗ và chỉ phân chia không gian lại cho phù hợp với nhu cầu sử dụng. Điều này nhằm tránh phá vỡ kiến trúc kiểu 3 khối của nhà sàn (khối chính ở giữa và hai khối phụ ở hai bên).
Nhà bếp được xây mới trong khối nhà liền kề với nhà sàn. |
Đối với khu vực bếp, phòng ăn, nhà vệ sinh xây mới, kiến trúc sư bố trí đầy đủ các tiện nghi, kèm theo đó là một phòng ngủ để bố mẹ của gia chủ có thể lưu trú lại khi đến thăm con cháu.
Khu nhà tắm với các tiện nghi hiện đại. |
Ngôi nhà sau cải tạo đã đem đến sự kết nối thế hệ giữa cha mẹ và con cái, sự kết nối giữa nhà sàn cổ và không gian hiện đại, qua đó xóa nhòa ranh giới giữa những điều tưởng như đối lập, mâu thuẫn.
Bàn ăn phục vụ cho các buổi liên hoan ngoài trời.
Không gian chan hòa với thiên nhiên.
Kiến trúc nhà sàn cũ được giữ tối đa.
Phòng ngủ chính của gia chủ.
Phòng khách tầng trệt.
Chum được bố trí ở nhiều không gian trong nhà tạo vẻ đẹp hoài cổ.
Nguồn: Báo xây dựng