Sức hút từ cuộc thi “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Dự Lễ trao giải có các đồng chí: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ – Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Tô Quang Phán, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố; Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.

Sức hút từ cuộc thi “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”
Tổng Biên tập Báo Hànộimới, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Nguyễn Minh Đức phát biểu tại lễ trao giải.

Phát biểu tại Lễ trao giải, Tổng Biên tập Báo Hànộimới, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Nguyễn Minh Đức cho biết, Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” do Báo Hànộimới tổ chức là một sự kiện thiết thực, đóng góp vào chuỗi hoạt động chung của Thành phố chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Cuộc thi là dịp tăng cường tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử vẻ vang của Thăng Long – Hà Nội, quảng bá về hình ảnh của Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, đang trên đà phát triển mạnh mẽ với khát vọng trở thành thành phố toàn cầu, nơi đáng đến và đáng sống; đồng thời, khơi dậy tình yêu, khát vọng và trách nhiệm trong mỗi người Hà Nội cũng như người dân cả nước đối với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Sức hút từ cuộc thi “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”
Ông Nguyễn Thế Kỷ – Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam (bên phải) và ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam trao giải Nhất cho tác giả Đan Nhiễm với tác phẩm “Hiện thực hoá giấc mơ sông Hồng”.

Phát động từ ngày 28/3/2024, sau hơn 5 tháng kể từ ngày phát động (28/3 – 10/9/2024), Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 180 bài/loạt bài dự thi. Từ đó, tuyển chọn 82 bài/loạt bài có chất lượng, đáp ứng các tiêu chí của thể lệ cuộc thi để biên tập và đăng làm 106 kỳ trên báo điện tử Hànộimới và ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần.

Hội đồng sơ khảo đã chấm điểm, xác định 30 tác phẩm vào Vòng chung khảo. Và Hội đồng chung khảo, gồm các nhà báo tên tuổi, có uy tín và kinh nghiệm chấm thi tại các giải báo chí của Trung ương và Thành phố, đã thống nhất chọn ra 20 tác phẩm có điểm cao nhất để trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 14 giải Khuyến khích.

Sức hút từ cuộc thi “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”
Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Tô Quang Phán (bên phải) cùng ông Nguyễn Minh Đức – Tổng biên tập Báo Hànộimới, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi trao giải cho các tác giả đoạt giải Nhì.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức và Hội đồng giám khảo, mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian không dài, nhưng cuộc thi đã lan tỏa sâu rộng, tạo sân chơi bổ ích cho những người viết chuyên nghiệp và không chuyên trên cả nước; thu hút hàng trăm tác giả là những nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu tên tuổi, trong đó có sự tham gia của nhiều cây viết trẻ có nhiều triển vọng với những góc nhìn đầy mới mẻ về Hà Nội… Bên cạnh những cây bút chuyên nghiệp, cuộc thi còn có sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ tác giả không chuyên là những cựu chiến binh, sĩ quan quân đội, công an, luật sư, giáo viên, sinh viên, học sinh.

Sức hút từ cuộc thi “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”
Ban Tổ chức trao giải cho các tác giả đạt giải Ba.

Đặc biệt, có nhiều tác giả đồng thời là những nhân chứng của một thời kỳ lịch sử hào hùng, đã trực tiếp góp phần viết nên những trang sử vàng vẻ vang của đất nước và Thủ đô, tiêu biểu như tác giả Phạm Văn Chương năm nay đã 90 tuổi, từng là chiến sĩ lái xe kéo pháo cao xạ 37 ly thuộc Trung đoàn pháo binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại tá Dương Sơn Hà, nguyên Đội trưởng Đội cán bộ địch vận mặt trận Gia Lâm (Hà Nội) năm 1954…

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” đã thành công tốt đẹp, đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Và như Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi, chia sẻ: “Thông qua Cuộc thi, chúng ta càng thêm yêu Hà Nội, càng trân quý những giá trị lớn lao của Hà Nội được bồi tụ từ nghìn năm lịch sử để cùng nhau nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng nhau góp sức gìn giữ, phát huy để hào khí Thăng Long – Hà Nội càng thêm lan tỏa, rạng ngời”.

Tại Lễ trao giải, Ban Tổ chức trao 1 giải Nhất (trị giá 30 triệu đồng), 2 giải Nhì (mỗi giải trị giá 15 triệu đồng), 3 giải Ba (mỗi giải trị giá 10 triệu đồng) và 14 giải Khuyến khích (mỗi giải trị giá 3 triệu đồng).
Mộc Thanh – Bùi Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích