Sức bật mới cho thị trường da giày
(Xây dựng) – Thị trường da giày được dự báo sẽ có triển vọng hồi phục và bứt phá mạnh bởi nhiều tín hiệu tích cực trong hai quý đầu năm 2024.
Ngành da giày có nhiều triển vọng phát triển. (Ảnh minh họa) |
Những tín hiệu vui
Đơn hàng đã dần quay trở lại với các doanh nghiệp xuất khẩu da giày, giúp kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo: “Những tháng còn lại của năm 2024, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có thế mạnh của nước ta như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử… sẽ duy trì ‘phong độ’ xuất khẩu nhờ tận dụng được cơ hội thị trường và có được đơn hàng mới nhờ các mặt hàng đặc thù”.
Chia sẻ với báo chí, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho hay, sản phẩm da giày, túi xách Việt Nam hiện có mặt ở 150 thị trường, trong đó tập trung vào 5 thị trường chính gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Ngoài định hướng giữ vững các thị trường chính là Mỹ và EU do sức mua lớn, đồng thời đã ghi dấu ấn tốt về giày dép “made in Vietnam”, ngành da giày đang hướng tới đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do.
Dù vẫn gặp nhiều khó khăn, song ngành da giày vẫn có nhiều triển vọng để phát triển. Cụ thể, chúng ta đã ký kết 16 hiệp định thương mại với nhiều thị trường rộng lớn cùng những chính sách rất cởi mở. Mặt khác, chúng ta có đội ngũ lao động có kỹ năng tốt với hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giày dép xuất khẩu.
Các doanh nghiệp nhận nhiều đơn hàng trong 2 quý đầu năm. (Ảnh minh họa) |
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, các nền kinh tế lớn cũng là thị trường xuất khẩu tiềm năng của ngành da giày Việt Nam có khởi sắc. Bên cạnh đó, Việt Nam có một số lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các quốc gia sản xuất, xuất khẩu mặt hàng giày dép, túi xách khác.
Cụ thể, 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết với lộ trình giảm thuế ngắn tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp da giày trong nước phát triển thị trường; chất lượng nguồn lao động tốt với kỹ năng hơn 30 năm sản xuất giày dép cùng uy tín thương hiệu giày dép Made in Việt Nam đã được khẳng định.
Những yếu tố trên, giúp ngành da giày Việt Nam có cơ sở để cải thiện kim ngạch lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu. Theo đó, trong năm 2024 bên cạnh thị trường có các FTA, ngành da giày Việt Nam tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường, cùng đó chú trọng duy trì thị trường truyền thống như Mỹ, EU bởi sức mua và dung lượng thị trường lớn.
Tận dụng thuận lợi để phát triển bứt phá
Theo nhận định của TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR), ngành da giày của Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng chưa khai thác được hết, bởi nguyên liệu để sản xuất chủ yếu vẫn phải nhập khẩu.
Sản xuất, xuất khẩu da giày cần hướng tới phát triển bền vững đáp ứng nhu cầu thị trường. (Ảnh minh họa) |
Hiện, nguồn nguyên liệu da sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu sử dụng của toàn ngành. Các sản phẩm phụ trợ sản xuất trong nước chủ yếu là các mặt hàng thâm dụng lao động như chỉ, chun, khuy, khóa, đường viền trang trí, mút xốp, miếng đệm lót giày, hộp đựng giày, đũa chống giày, giấy bọc giày, miếng nhựa độn giày dép, sắt lót đế, phom giày, keo dán, mủ cao su… Còn các loại nguyên liệu đòi hỏi tính kỹ thuật cao hơn, mang tính cốt lõi như đế, lót thì hầu như chưa sản xuất được. Đã có nhà máy bắt đầu sản xuất giày hoàn chỉnh nhưng sản lượng chưa đáp ứng và đặc biệt chất lượng sản phẩm còn chưa hoàn thiện.
Tại Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 nêu rõ, chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm giảm nhập khẩu, tác động tích cực đến mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong ngành dệt may, da giầy, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa, cải thiện và giảm nhanh khoảng cách chênh lệch về trình độ và năng suất với các nước có nền kinh tế phát triển cao hơn. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (năng lực nghiên cứu, thiết kế, kỹ thuật, công nghệ, quản lý) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đối với các sản phẩm phục vụ nhu cầu nội địa, tập trung mạnh hơn vào phát triển mẫu mốt thời trang, nghiên cứu ứng dụng nguyên liệu mới, quan tâm tới nghiên cứu nhu cầu thị trường. Phát triển một số tổ hợp chuyên ngành tại 3 miền Bắc, Trung, Nam (kết hợp với ngành dệt may) và cụm công nghiệp chuyên ngành có vị trí thuận lợi và hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hợp thành mạng lưới chuỗi cung ứng từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất nguyên, phụ liệu, sản xuất và phân phối sản phẩm, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Ngoài ra, với ngành công nghiệp hỗ trợ, Chiến lược xác định sẽ hướng các dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên, phụ liệu tập trung phát triển ở khu vực có mật độ cao các doanh nghiệp dệt may, da giầy tại một số địa phương phía Bắc (Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh…), khu vực miền Trung (Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…) và phía Nam (Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Trà Vinh, Long An…), để giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Nguồn: Báo xây dựng