Sửa quy định xét cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng
(Xây dựng) – Ông Nguyễn Văn Lang (Thành phố Hồ Chí Minh) có câu hỏi liên quan đến việc sửa quy định xét cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng, gửi cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn giải đáp.
Ảnh minh họa. |
Nội dung câu hỏi như sau:
Ông Lang tốt nghiệp kỹ sư xây dựng chuyên ngành cầu đường (hệ chính quy) năm 2006. Từ lúc ra trường đến nay hơn 18 năm ông chỉ làm công việc thiết kế kết cấu công trình dân dụng và công nghiệp.
Năm 2011, ông Lang được Sở Xây dựng cấp Chứng chỉ hành nghề thiết kế kết cấu công trình dân dụng công nghiệp.
Năm 2017, ông tham gia dự thi sát hạch và được Bộ Xây dựng cấp Chứng chỉ hành nghề thiết kế kết cấu công trình dân dụng và công nghiệp hạng I.
Hiện nay chứng chỉ hành nghề của ông Lang hết hạn. Khi ông nộp hồ sơ để đăng ký thi sát hạch thì nhận được thông báo, hồ sơ của ông không đạt để tham gia sát hạch với lý do chuyên môn không phù hợp vì “theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP Điều 67 Mục 3a có nội dung: Thiết kế kết cấu công trình: Chuyên môn được đào tạo thuộc các chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan đến kết cấu công trình (không bao gồm các công trình khai thác mỏ, giao thông, công trình thủy lợi, đê điều)”.
Hơn 1 năm qua ông Lang không thể tham gia sát hạch để được tiếp tục gia hạn chứng chỉ hành nghề, việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến công việc hiện tại của ông.
Theo ý kiến của ông Lang, một số nội dung của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế, đã và đang gây trở ngại, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của những người như ông.
Theo ông Lang hiểu, trước đây là Chứng chỉ hành nghề thiết kế kết cấu công trình dân dụng và công nghiệp, còn theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP là Chứng chỉ thiết kế kết cấu công trình.
Với Chứng chỉ này, kỹ sư sẽ được hành nghề thiết kế các loại kết cấu công trình ngoại trừ thiết kế các công trình liên quan đến khai thác mỏ, giao thông, công trình thủy lợi đê điều chứ không phải quy định Chứng chỉ thiết kế kết cấu công trình sẽ không được cấp cho các kỹ sư xây dựng chuyên ngành cầu đường, công trình thủy, cảng công trình biển,… vì Nghị định có ghi rõ Chứng chỉ thiết kế kết cấu công trình thì chuyên môn được đào tạo thuộc các chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan đến kết cấu công trình.
Đối với trường hợp của ông Lang, trong chương trình đào tạo kỹ sư xây dựng của trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh những năm 2000 (trước thời điểm Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực) thì kỹ sư xây dựng thuộc các ngành xây dựng dân dụng, cầu đường là những ngành rất gần,… được đào tạo theo chương trình tương đối giống nhau để bảo đảm kỹ sư sau khi tốt nghiệp có thể hành nghề theo hướng đa ngành trong lĩnh vực xây dựng để đáp ứng nhu cầu xã hội lúc bấy giờ.
Trong chương trình đào tạo của ông (được thể hiện rõ trong bảng điểm đại học) ông được học các môn liên quan đến kết cấu công trình như: Cơ kết cấu 1, Cơ kết cấu 2, Cơ học đất, Nền móng, Kết cấu bê tông cốt thép 1, Kết cấu bê tông cốt thép 2 (phần kết cấu nhà cửa), Kết cấu thép + gỗ, Công trình trên nền đất yếu, Kết cấu bê tông cốt thép 3 (các cấu kiện đặc biệt), Kết cấu dự ứng lực,… Nhưng khi triển khai áp dụng Nghị định vào thực tế không hiểu sao lại được hiểu mặc định là kỹ sư xây dựng chuyên ngành cầu đường, công trình thủy, cảng công trình biển,… không thuộc chuyên môn phù hợp để tham gia sát hạch cấp Chứng chỉ hành nghề thiết kế kết cấu công trình, dẫn đến hồ sơ nộp vào đều bị trả về với thông báo hồ sơ không đạt.
Nếu chỉ căn cứ theo một phần nội dung câu chữ trong Nghị định để xét hồ sơ sát hạch mà không xem xét đến kinh nghiệm chuyên môn thực tế sẽ gây nhiều khó khăn cho người dân trong việc gia hạn giấy phép hành nghề, làm mất cơ hội việc làm.
Bằng cấp chuyên môn học ở đại học chỉ là một phần, cơ quan chức năng cần xét đến kinh nghiệm thực tế người kỹ sư đã đi làm 15 năm, 20 năm là về chuyên môn công trình gì. Để có thể hành nghề tốt trong một lĩnh vực thì ngoài kiến thức nền cơ bản được học ở trường đại học thì đòi hỏi người kỹ sư còn phải không ngừng học hỏi và tích lũy thêm kinh nghiệm ngoài thực tế.
Do đó, ông Lang đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho phù hợp với thực tế cuộc sống, để không ảnh hưởng đến công việc của những người như ông, giúp người dân giảm bớt gánh nặng về các thủ tục hành chính.
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2021/NĐ-CP để khắc phục các tồn tại như ông Lang đã nêu theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong đó có nội dung về chuyên môn phù hợp khi xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
Nguồn: Báo xây dựng