Sửa Luật Tài nguyên nước: Cần xây dựng chiến lược quản lý bền vững đa mục tiêu

Sửa Luật Tài nguyên nước: Cần xây dựng chiến lược quản lý bền vững đa mục tiêu

Để đảm bảo tính thống nhất, khả thi khi áp dụng, góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, các quy định cần hướng tới một chiến lực quản lý bền vững, đa mục tiêu…

Theo đó, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 83 Điều; được bố cục thành 10 Chương tập trung vào 4 nhóm chính sách: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, Dự thảo Luật (sửa đổi) không tăng về số Chương; giữ nguyên 9 Điều; sửa đổi, bổ sung 59 Điều; bổ sung mới 15 Điều và bãi bỏ 13 Điều.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 83 Điều; được bố cục thành 10 Chương - Ảnh minh họa: ITN
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 83 Điều; được bố cục thành 10 Chương – Ảnh minh họa: ITN

Đánh giá về Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đa số ý kiến đều cho rằng, nhiều sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các quy định cần hướng tới một chiến lực quản lý bền vững, đa mục tiêu.

Theo các chuyên gia, việc bảo đảm an ninh nguồn nước, tuần hoàn tái sử dụng nước thông qua cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn, quản lý và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả là một nội dung quan trọng cần được xác định trong Dự thảo Luật. Do đó, cần xây dựng một chiến lược tổng hợp thực hiện quản lý hệ thống nước bền vững đa mục tiêu: Bảo đảm cấp nước bền vững, bảo vệ môi trường và vòng tuần hoàn nước tự nhiên, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu.

>> Còn chồng chéo pháp luật tại Dự thảo Luật Tài nguyên nước

nhiều ý kiến cho rằng, các quy định cần hướng tới một chiến lực quản lý bền vững, đa mục tiêu - Ảnh minh họa: ITN
Nhiều ý kiến cho rằng, các quy định tại Dự thảo Luật (sửa đổi) cần hướng tới một chiến lực quản lý bền vững, đa mục tiêu – Ảnh minh họa: ITN

Góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị, xem xét bổ sung Điểm d, Khoản 2, Điều 44 về việc thực hiện giám sát tự động, liên tục chất lượng nguồn nước khai thác và kết nối truyền dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với cơ sở cấp nước sạch, cấp nước sinh hoạt tập trung.

Đồng thời, giám sát tự động, liên tục chất lượng nước sau xử lý cấp nước sinh hoạt cho người dân. Việc giám sát tự động, liên tục chất lượng nguồn nước khai thác và kết nối truyền dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp sẽ bảo đảm giám sát chặt chẽ nguồn cung cấp nước sạch cho người dân. Bởi, nguồn nước đầu vào nước sinh hoạt cho người dân hiện chưa được kiểm soát, rất có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Dù các đơn vị cấp nước sinh hoạt cho người dân đã thực hiện giám sát chất lượng nước định kỳ song chưa được các cơ quan có thẩm quyền theo dõi, quản lý, kết quả phân tích cũng chỉ cung cấp khi thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm. Do đó, chất lượng nước cấp cho người dân chưa được quản lý và giám sát chặt chẽ.

Góp ý Điều 27 về Dòng chảy tối thiểu của Dự thảo, TS Đào Trọng Tứ – Trưởng ban điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu cho rằng, Dự thảo Luật đã quy định những nguyên tắc chung về yêu cầu quản lý và đảm bảo chất lượng, số lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt (Điều 27, Điều 43).

Những nội dung cụ thể khác về khai thác, sử dụng, cấp nước cho sinh hoạt như: Đầu tư xây dựng công trình cấp nước; điều kiện, năng lực của đơn vị cung cấp nước; thẩm quyền cấp nước… có thể quy định bổ sung, hoàn thiện, điều chỉnh theo pháp luật chuyên ngành về cấp thoát nước để tránh chồng chéo.

Theo TS Đào Trọng Tứ, quy định tại khoản 2 Điều 27, “Dòng chảy tối thiểu” là căn cứ, cơ sở để xem xét trong quá trình thẩm định, quyết định nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, quy trình vận hành hồ chứa, việc cấp giấy phép,… “Như vậy, việc xác định “Dòng chảy tối thiểu” phải triển khai làm trước.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật không quy định thời gian nào phải làm, phải xong và thời gian công bố cũng như các phương pháp, công cụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến việc xác định dòng chảy ở mức bao nhiêu được gọi là thấp nhất tại các sông suối liên quốc gia, liên tỉnh, nội tỉnh, hồ chứa, đập dâng,…

Do vậy, TS Đào Trọng Tứ đề nghị Ban soạn thảo xem xét kỹ Điều 27 và Điều 43 trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để quy định một cách chặt chẽ, khoa học, hợp lý về yêu cầu quản lý, đảm bảo chất lượng, số lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt; rà soát về nội dung ngưỡng khai thác nước dưới đất tại Điều 28 với một số nội dung tương tự.

Được biết, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thảo luận và thông qua tại Kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào tháng 10/2023.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích