Sửa Luật Bảo hiểm Y tế: Đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia

Sửa Luật Bảo hiểm Y tế: Đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia
Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số

Theo Bộ Y tế, tính đến 31/12/2023, tổng số người tham gia BHYT trong cả nước đạt 93,628 triệu người, tương ứng tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Công tác tổ chức khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí đã được cải thiện đáng kể về quy trình, thủ tục. Phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm. Chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được cải thiện, nâng cao. Chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT…

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Luật đã phát sinh nhiều vướng mắc, đặt ra yêu cầu cần sửa Luật. Cụ thể như mức đóng và việc giảm trừ mức đóng cho các thành viên hộ gia đình khi cùng tham gia chưa thực sự công bằng so với các nhóm đối tượng khác, trong đó có học sinh, sinh viên.

Đối tượng tham gia theo hộ gia đình chỉ áp dụng mức đóng như các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ tính theo mức lương cơ sở như đối tượng thuộc hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và còn được giảm trừ mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi.

Việc tham gia BHYT của đối tượng học sinh, sinh viên chưa bảo đảm linh hoạt, chưa bảo đảm quyền lợi đối với trường hợp học sinh, sinh viên đồng thời là thành viên của hộ gia đình, dẫn đến mức đóng của học sinh, sinh viên cao hơn khi so sánh với mức đóng của họ khi tham gia với tư cách là đối tượng thành viên hộ gia đình.

Về phạm vi được hưởng của BHYT, một số dịch vụ y tế thuộc phạm vi khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được quy định trong phạm vi hưởng BHYT như quản lý sức khỏe, khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khoẻ và điều trị sớm một số bệnh, khám sức khỏe định kỳ, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vật tư y tế hỗ trợ sử dụng trong phục hồi chức năng, dinh dưỡng điều trị.

Phát sinh thủ tục chuyển tuyến không cần thiết

Cũng theo Bộ Y tế, Luật BHYT hiện hành quy định việc đăng ký cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu theo địa giới hành chính là phù hợp. Nhưng, lại chưa tạo điều kiện để người dân có thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ở tuyến tương đương hoặc thấp hơn trong nội tỉnh đối với một số bệnh, trường hợp đặc thù như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo chưa được tự đi khám và điều trị ở tuyến trên trong khi cơ sở tuyến dưới chưa có đủ năng lực chuyên môn và đều phải chuyển tuyến.

Một số bệnh mãn tính chưa được đưa về y tế cơ sở để quản lý và cấp thuốc tương đương của tuyến trên, từ đó làm hạn chế đến quyền lợi của người tham gia BHYT và phát sinh thủ tục chuyển tuyến không cần thiết.

Bên cạnh đó, Luật BHYT chỉ quy định thông tuyến huyện toàn quốc đối với bệnh viện huyện, mà không đề cập đến các loại hình khám, chữa bệnh tương đương bệnh viện huyện như trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, bệnh xá quân đội, công an, bệnh xá quân dân y. Đồng thời người bệnh đăng ký ban đầu tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương cũng không được khám chữa bệnh thông tuyến tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã.

“Việc thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT đến tuyến tỉnh với tỷ lệ chi trả điều trị nội trú 100% chi phí theo phạm vi mức hưởng tạo sự bất cập làm tăng số lượt khám, chữa bệnh ở tuyến trên, nhất là nội trú tuyến tỉnh, giảm số lượt khám và điều trị tại trạm y tế xã”, theo Bộ Y tế.

Đáng quan tâm, Bộ Y tế cũng cho rằng, quy định mức đóng tối đa trong Luật còn thấp, chưa cân đối với mức hưởng và nhu cầu thực tế trong điều chỉnh phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; chưa có cơ chế và lộ trình tăng mức đóng để phù hợp với nhu cầu mở rộng phạm vi chi trả của quỹ ngày càng cao.

Về phạm vi chi trả của BHYT, Quỹ BHYT chỉ chi trả cho các dịch vụ khám, chữa bệnh, dịch vụ y tế được thực hiện tại cơ sở khám, chữa bệnh, trong khi có một số dịch vụ y tế có thể được cung cấp bởi cơ sở không phải là cơ sở khám, chữa bệnh như nhà thuốc, cơ sở xét nghiệm.

Phạm vi quyền lợi liên quan đến khám bệnh để đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của một số bệnh như ung thư, tăng huyếp áp, đái tháo đường, viêm gan B, C, chân tay giả, máy trợ thính, hỗ trợ sinh sản, khám sức khỏe định kỳ, dinh dưỡng điều trị chưa được bao phủ, nên làm tăng tỷ lệ chi trả tiền túi của người dân, hiệu quả điều trị thấp do phát hiện bệnh muộn trong khi đây là các dịch vụ có thể giúp giảm chi phí điều trị ở giai đoạn muộn từ quỹ BHYT, giúp người dân được điều trị sớm giảm gánh nặng của bệnh…

Sửa quy định mức hưởng BHYT

Để khắc phục các bất cập trên, dự thảo Luật đề xuất Chính phủ quy định cụ thể phạm vi được hưởng BHYT đối với dịch vụ khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự tiến triển của một số bệnh; điều trị một số bệnh nặng, hiểm nghèo có chỉ định sử dụng chế phẩm dinh dưỡng y học.

Căn cứ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, các tiêu chí chuyên môn kỹ thuật, điều kiện bảo đảm thực hiện, khả năng cân đối của quỹ BHYT, Chính phủ quy định cụ thể phạm vi được hưởng BHYT đối với dịch vụ khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự tiến triển của một số bệnh có tỷ lệ mắc cao, gánh nặng bệnh tật lớn và đạt hiệu quả khi điều trị can thiệp sớm; điều trị một số bệnh nặng, hiểm nghèo có chỉ định sử dụng dinh dưỡng điều trị đặc thù theo hướng dẫn chuyên môn về chẩn đoán, điều trị.

Dự thảo Luật cũng sửa quy định mức hưởng BHYT để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh về cấp chuyên môn kỹ thuật. Đồng thời đề xuất thêm phương án giảm tỷ lệ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi khám bệnh, chữa bệnh không đúng quy định thủ tục, trình tự theo quy định.

Đồng thời, quy định một số trường hợp đặc biệt được hưởng đầy đủ quyền lợi như khi đi khám bệnh, chữa bệnh đúng quy định, trình tự, thủ tục nhằm tránh lãng phí chi phí quỹ BHYT khi khám, chữa bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của cơ cở có phạm vi hoạt động chuyên môn hạn chế; tiết kiệm thời gian, chi phí khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT khi phải khám nhiều lần ở cơ sở không đáp ứng điều trị.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi quy định về phân bổ và sử dụng quỹ BHYT theo hướng số tiền đóng dành cho khám bệnh, chữa bệnh là 91%, 9% dành cho quỹ dự phòng, chi phí quản lý quỹ BHYT, trong đó dành tối thiểu 5% cho quỹ dự phòng…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8).

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích