Sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình

Theo đó, kể từ 01/12/2023, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình sẽ thực hiện theo các nội dung được quy định tại QCVN 06:2022/BXD và sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

Thông tư mới sửa đổi, bổ sung quy định một số quy định như:

Không được để xe cơ giới, không được bố trí kho hạng A, B, C tại tầng có lối thoát nạn ra ngoài nhà, trừ khi các khu vực này được ngăn cách theo quy định đối với trường hợp được bố trí một lối ra thoát nạn từ mỗi tầng có nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.2, F1.4, F2 (trừ hộp đêm, quán bar, phòng hát…), F3, F4.2, F4.3 và F4.4. Khoảng cách thoát nạn giới hạn cho phép trên mỗi tầng được đo dọc theo tâm đường thoát nạn, bắt đầu từ tâm của cửa các gian phòng hoặc từ chỗ xa nhất có thể có người trong phòng đến tâm của lối ra thoát nạn gần nhất của mỗi tầng.

Chiều rộng bản thang bộ dùng để thoát người không được nhỏ hơn chiều rộng tính toán hoặc chiều rộng của bất kỳ lối ra thoát nạn nào trên nó và không nhỏ hơn: 1,2m với nhà nhóm F1.1 có tổng số người thoát nạn qua thang này lớn hơn 15 người từ mỗi tầng; 1m với nhà nhóm F1.1 có tổng số người thoát nạn qua thang này từ 15 người trở xuống từ mỗi tầng; 1,2m với nhà có số người trên tầng bất kỳ, trừ tầng một, lớn hơn 200 người; 0,7m với nhà có chiều cao phòng cháy chữa cháy không quá 15m và tổng số người thoát nạn qua thang này từ mỗi tầng không quá 15 người; 0,9m đối với tất cả các trường hợp còn lại.

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09/2023/TT-BXD sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Ảnh minh họa 

Nếu không thể bảo đảm kích thước trên, có thể sử dụng tài liệu chuẩn để tính toán thoát nạn cho người và xác định kích thước cần thiết của bản thang, lối thoát nạn, đường thoát nạn căn cứ điều kiện cụ thể của công trình.

Thêm vào đó, Bộ Xây dựng cũng lưu ý, hồ sơ thiết kế xây dựng đã hoàn thành thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trước khi Thông tư 09/2023/TT-BXD có hiệu lực, tiếp tục được thực hiện theo hồ sơ thiết kế đã thẩm duyệt.

Hồ sơ thiết kế xây dựng đã có văn bản góp ý trả lời về thiết kế phòng cháy chữa cháy tại bước thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy, trước khi Thông tư 09/2023/TT-BXD có hiệu lực, tiếp tục được thực hiện thẩm duyệt thiết kế theo văn bản góp ý trả lời.

Hồ sơ thiết kế xây dựng chưa được góp ý và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kể từ thời điểm Thông tư 09/2023/TT-BXD có hiệu lực, thì phải tuân thủ các quy định của QCVN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

Theo GS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, để thực hiện hiệu quả Thông tư 09/2023/TT-BXD, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 516/QĐ-BXD giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học Công nghệ xây dựng tập hợp các ý kiến phản ánh, góp ý của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với QCVN 06:2022/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình, phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), tổ chức triển khai nhiệm vụ soát xét, điều chỉnh QCVN 06:2022/BXD, đảm bảo các cơ sở khoa học, phù hợp điều kiện thực tiễn tại Việt Nam và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

Khánh Mai (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích