Sửa đổi Quy chuẩn 06 theo hướng đảm bảo tính khoa học, thực tiễn

Theo ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), việc đảm bảo an toàn PCCC được đặc biệt quan tâm. Trong những năm gần đây, hoạt động đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật – xã hội sôi động thì tình hình cháy nổ trên mọi lĩnh vực cũng diễn ra phức tạp làm thiệt hại mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng và chết hàng trăm người.

Tính cho đến thời điểm này, hệ thống pháp luật về PCCC của Việt Nam tương đối đầy đủ và đồng bộ; có đủ các công cụ để đảm bảo an toàn cháy cho mọi lĩnh vực; trong đó có an toàn cháy cho nhà ở và công trình. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có bất cập trong các khâu ban hành, thực thi quy định về PCCC trong hoạt động đầu tư xây dựng, nhất là từ khi cơ quan quản lý nhà nước về PCCC siết chặt quy định trong các khâu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm kỹ thuật hoặc kiểm tra việc thực hiện, tuân thủ quy định pháp luật về PCCC.

Theo ông Ngọc Anh, qua kiểm tra, các bất cập về PCCC đã bộc lộ rõ hơn. Ngày 5/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 220/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Công an phối hợp cùng các ngành, địa phương khẩn trương rà soát, phát hiện kịp thời các khó khăn về PCCC trong đầu tư xây dựng nhà và công trình, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Từ đó, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp bổ sung, sửa đổi theo thẩm quyền những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo phù hợp với thực tiễn Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh. Đồng thời, kiên quyết cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ yêu cầu về PCCC.

Hiện, Bộ Xây dựng không có thủ tục hành chính liên quan đến PCCC (thẩm duyệt, thiết kế, nghiệm thu…). Vì vậy, Bộ Xây dựng tập trung tiến hành rà soát các bất cập, vướng mắc liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn; trong đó, chủ yếu là việc sửa đổi QCVN 06:2022/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà ở và công trình có hiệu lực từ ngày 16/1/2023 (Quy chuẩn 06). Khi rà soát lại thì hầu hết các bất cập, tồn tại chủ yếu là ở giai đoạn trước đây vì Quy chuẩn 06 mới chỉ có hiệu lực 2 tháng so với thời điểm Chính phủ ban hành Công điện yêu cầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC.

Bộ Xây dựng và Bộ Công an đã tổ chức đối thoại theo nhiều hình thức từ trực tiếp, trực tuyến, gặp gỡ từng cá nhân, doanh nghiệp để hướng dẫn, giải thích, cùng tháo gỡ khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải; đồng thời tập hợp những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện đối với Quy chuẩn 06 cũng như các phiên bản trước để có sửa đổi, bổ sung kịp thời.

 Ảnh minh hoạ

Việc sửa đổi Quy chuẩn 06 được Bộ Xây dựng tiến hành rà soát theo hướng đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, phù hợp với điều kiện của Việt Nam; đáp ứng tính chân thực, khách quan, có tiếp thu, chọn lọc ý kiến đóng góp của các chuyên gia, hội nghề nghiệp, doanh nghiệp…

Các nội dung trong quy chuẩn thì bắt buộc phải áp dụng nhưng những điều trong tiêu chuẩn là khuyến khích áp dụng. Đây là sự khác nhau cần nắm rõ. Bởi vậy, có một số điều trong Quy chuẩn 06 phạm vi đối tượng sẽ được đưa sang tiêu chuẩn thiết kế nhà ở riêng lẻ cho phù hợp thực tế.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (IBST) – đơn vị được giao trực tiếp lập dự thảo sửa đổi Quy chuẩn 06 cho biết, dù mới có hiệu lực từ giữa tháng 1 nhưng vẫn có một số nội dung cần điều chỉnh theo yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng cũng như đòi hỏi thực tế.

Theo ông Cao Duy Khôi – Phó Viện trưởng IBST, Luật PCCC ra đời năm 2001. Đến cuối năm 2022, suốt cả thời gian (21 năm), Việt Nam đã ban hành nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn… cung cấp công cụ về mặt kỹ thuật, cơ bản để áp dụng, sử dụng về hoạt động PCCC trên cả nước. Cuối năm 2022, qua đợt tổng kiểm tra rà soát của Bộ Công an trên cả nước với hơn 1,2 triệu công trình thuộc các lĩnh vực và phát hiện trên 38 nghìn công trình chưa đảm bảo đầy đủ quy định về PCCC theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng với thời điểm đưa vào hoạt động.

Như vậy, tỷ lệ chưa tuân thủ trong suốt 22 năm qua chiếm khoảng 3,2% cũng không phải quá lớn. Trong đó, 2/3 số này là công trình nhỏ, không thuộc diện thẩm duyệt mà chỉ thuộc diện quản lý. Do đó, các công trình này không thể đạt chuẩn như loại công trình qua thẩm duyệt. Chỉ 1/3 còn lại thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC – ông Duy dẫn chứng.

Phân tích theo công trình, trong 38 nghìn công trình này thì cơ sở kinh doanh lưu trú chiến hơn 40%, cơ sở công nghiệp chỉ chiếm khoảng 12%… Như vậy, cơ sở kinh doanh lưu trú thường vướng mắc với quy chuẩn nhiều nhất. Còn các cơ sở công nghiệp thì không phải là lớn so với các nhóm công trình khác.

Việc phân loại này giúp nhìn nhận những vấn đề gì còn vướng mắc nhiều nhất trong quy chuẩn, tiêu chuẩn so với thực tiễn. Để từ đó, có sửa đổi cho phù hợp thực tiễn nhưng quan trọng nhất vẫn là đảm bảo an toàn tính mạng con người – ông Khôi nhấn mạnh.

Đáng chú ý, trong các ý kiến đóng góp gửi về Bộ Xây dựng thời gian qua, có 50% không thuộc phạm vi của Quy chuẩn 06. Trong 50% còn lại thì có tới 90% là ý kiến về các quy định đã có từ Quy chuẩn 06/2010 hoặc thậm chí từ năm 1995. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến đều xuất phát từ góc độ kinh tế chứ không xét từ góc độ an toàn – ông Khôi chia sẻ.

Quy chuẩn 06 chủ yếu quy định các yêu cầu an toàn cháy cho nhà và công trình với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn cho con người. Có nhiều giải pháp khác nhau để đạt được các yêu cầu này. Theo đó, khi thực hiện, được áp dụng các giải pháp mà quy chuẩn không cấm. Trong khi đó, hiện nay có nhiều địa phương, doanh nghiệp lại hiểu ngược lại, là chỉ được làm những gì quy chuẩn cho phép là không đúng.

Điểm thay đổi lớn nhất khi sửa Quy chuẩn 06 là điều chỉnh phạm vi áp dụng. Các nhà ở kết hợp kinh doanh chiều cao dưới 25m được đề nghị đưa sang tiêu chuẩn nhà ở kết hợp kinh doanh. Cùng đó, phân cấp mạnh hơn, rõ hơn cho các địa phương về quyền ban hành các quy chuẩn riêng của địa phương thay thế cho các yêu cầu của Quy chuẩn 06. Bên cạnh đó, các quy định về pháp lý và kỹ thuật, tài liệu viện dẫn, tiêu chí đánh giá cũng sẽ được bổ sung để người thiết kế có thiết kế an toàn cháy gắn liền với điều kiện cụ thể của từng loại công trình theo công năng riêng…

Việc cân bằng các yếu tố kinh tế, kỹ thuật và an toàn là không dễ. Vì vậy, bên cạnh các quy định “tiền định”, dự thảo Quy chuẩn sửa đổi sẽ thiết lập rõ ràng hơn hành lang pháp lý và kỹ thuật để thiết kế an toàn cháy phù hợp với công trình cụ thể; đồng thời cũng thiết lập hành lang pháp lý để các địa phương được ban hành quy định riêng phù hợp với điều kiện của mình nhằm đảm bảo tính khách quan, phù hợp với thực tiễn.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích