Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật: Tăng tính tương thích khi hội nhập quốc tế

Nhà máy ở TP.HCM. Ảnh: Shutterstock

Bài toán mới từ thực tiễn

Có đến 80% giá trị giao dịch thương mại quốc tế chịu sự tác động của tiêu chuẩn và 84% doanh nghiệp thương mại trên thế giới sử dụng tiêu chuẩn trong các chiến lược hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Những con số mà Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) năm 2018 chỉ ra có lẽ cũng đủ để bất kỳ ai nhận ra tầm quan trọng của tiêu chuẩn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong giao thương toàn cầu.

Điều này càng thể hiện rõ hơn khi thời gian qua, Việt Nam đã ký kết các FTA thế hệ mới (như EVFTA, CPTPP, RCEP…) với quy định, cam kết sâu, mở rộng hơn trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đi kèm các điều khoản quy định về nghĩa vụ minh bạch hóa liên quan đến xây dựng, công bố, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp nhằm loại bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại.

Song, đây cũng là lúc những bất cập trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (ra đời từ năm 2006) bắt đầu bộc lộ. Cụ thể, dù Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đưa ra các nguyên tắc chung về xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hợp tác quốc tế, đồng thời, các điều khác của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã lồng ghép các quy định, cam kết về minh bạch hóa, hoạt động thông báo, hỏi đáp về quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp, tuy nhiên, “các quy định này còn ở mức cơ bản, chỉ phù hợp với thời điểm năm 2007 khi Việt Nam mới gia nhập WTO, quy mô hợp tác kinh tế quốc tế, tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất quốc tế, khu vực chưa sâu rộng như hiện nay”, theo phân tích trong tờ trình dự thảo Luật sửa đổi.

Một trong những ví dụ tiêu biểu là nhiều khi các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam có sự sai khác rất nhỏ so với tiêu chuẩn nước ngoài, chẳng hạn như TCVN 1651:2008 về thép xây dựng so với tiêu chuẩn nước ngoài CB300-T, song các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn quốc tế như vậy lại không thể sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp của nước ngoài với tiêu chuẩn quốc tế mà phải thử nghiệm lại gây tốn kém thêm chi phí cho doanh nghiệp, theo chia sẻ của ông Nguyễn Minh Đức – Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại công nghiệp Việt Nam VCCI tại hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong tham gia xây dựng Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật”.

Đề tìm giải pháp tháo gỡ những hạn chế liên quan đến hoạt động qiao thương quốc tế như vậy, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung mới nhất (tháng 7/2024) đã bổ sung nội dung: Thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp (quá trình kiểm tra xem sản phẩm, dịch vụ, nguyên liệu, quy trình, hệ thống và con người tại một nhà máy, doanh nghiệp nào đó có đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn hay những chỉ tiêu kỹ thuật khác hay không) của tổ chức đánh giá sự phù hợp quốc tế, nước ngoài.

Bên cạnh đó, dự thảo còn đưa ra Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia để làm cơ sở định hướng hoạt động tiêu chuẩn hóa phục vụ việc hình thành và phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đảm bảo phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, vùng kinh tế trọng điểm và địa phương.

“Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về tiêu chuẩn hóa; chủ động tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực; nâng cao năng lực thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” cũng là những nội dung được nhấn mạnh trong dự thảo Luật sửa đổi.

“Tận dụng” tiêu chuẩn quốc tế?

Những nội dung bổ sung trên được kỳ vọng có thể phần nào giải quyết được những khúc mắc liên quan đến hoạt động giao thương quốc tế. Tuy nhiên, theo đại diện của một số doanh nghiệp, vẫn còn những khoảng trống liên quan đến tiêu chuẩn quốc tế đang tạo rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một trong những vấn đề như vậy là việc chưa có quy định chi tiết về việc thừa nhận và áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn nước ngoài, theo bà Đào Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Bộ Phân đối ngoại và Trách nhiệm xã hội Công ty TNHH Canon Việt Nam. “Việt Nam đang tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các tổ chức kinh tế quốc tế. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế là một điều tất yếu để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới, đồng thời giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường quốc tế. Việc áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài có sẵn cũng sẽ tránh việc xây dựng quá nhiều tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật không cần thiết, gây lãng phí”, bà cho biết.

Trong khi đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện nay vẫn chưa có quy định về việc công nhận, thừa nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn nước ngoài mà vẫn phải có thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau. “Việc thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau vẫn phải có nhiều thủ tục giữa các bên, gây mất thời gian, chi phí và không bao trùm được hết”, bà Đào Thị Thu Huyền nhận định.

Ở các nước, khu vực phát triển như EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được xây dựng và áp dụng rộng rãi. Các sản phẩm, lĩnh vực được áp dụng các tiêu chuẩn này đều đảm bảo nghiêm ngặt về chất lượng tại Việt Nam và được sự công nhận của nhiều quốc gia cũng như người tiêu dùng.

Dẫn ra một ví dụ về tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản (JAS) được áp dụng cho một số sản phẩm hữu cơ tại thị trường Việt Nam, bà Thu Huyền cho hay, khi so sánh tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn JGAP của Nhật Bản thì có thể thấy rằng JGAP có những yêu cầu nghiêm ngặt hơn về kỹ thuật, quy trình sản xuất, và JGAP cũng đã được công nhận rộng rãi trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường khó tính như EU.

Vì vậy, “việc thừa nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật từ các nước tiên tiến hơn mà không phải áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam không chỉ đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa mà còn có thể nâng cao hơn chất lượng của các sản phẩm khi được áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn này ở Việt Nam”, bà Thu Huyền nhận định.

Góp ý thêm về Dự thảo sửa đổi – vốn đang quy định về việc áp dụng quy chuẩn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế xã hội khác, đồng nghĩa với việc áp dụng cho cả hàng hóa trong nước và hàng hóa xuất khẩu, bà Huyền cho rằng, theo thông lệ quốc tế, các quốc gia đều đã có quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại quốc gia của mình.

“Tất cả các Luật này đều ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng xâm nhập và lưu thông trên thị trường trong nước. Do đó, đối với hàng hóa xuất khẩu thì việc áp dụng các tiêu chuẩn của nội địa là không phù hợp vì doanh nghiệp phải lựa chọn áp dụng quy chuẩn phù hợp với yêu cầu của thị trường mục tiêu, miễn là đảm bảo chất lượng và an toàn theo quy định của nước nhập khẩu”, bà Huyền góp ý.

Chẳng hạn, khi so với một số tiêu chuẩn tại Việt Nam thì tiêu chuẩn ISO 22000:2018 về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm có phạm vi áp dụng rộng hơn, yêu cầu về hệ thống quản lý chi tiết hơn và được cập nhật thường xuyên hơn. Do đó, theo đại diện doanh nghiệp này, “tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam chỉ nên áp dụng đối với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, lưu thông, phân phối trên thị trường trong nước và những sản phẩm nhập khẩu để lưu thông và phân phối trên thị trường trong nước nhưng chưa được đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước tiên tiến hơn Việt Nam mà thôi”.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hồng Uy – Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham), khoản 2 Điều 35 của dự án Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định thủ tục sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật hiện vẫn theo đúng trình tự như ban hành quy chuẩn kỹ thuật mới, đồng nghĩa với việc phải mất vài năm. Đây là một rào cản đối với việc đổi mới sản phẩm của doanh nghiệp khi tiêu chuẩn quốc tế đã thay đổi, nhất là đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên và đã bỏ phiếu đồng ý ban hành. Một ví dụ tiêu biểu là tiêu chuẩn sữa cho trẻ 6-36 tháng tuổi.

“Bộ Y tế đã bỏ phiếu nhất trí với sửa đổi của Ủy ban Codex ban hành tháng 2/2024. Song, khi các doanh nghiệp đề nghị cho áp dụng thì Bộ Y tế cho biết cũng rất muốn cho áp dụng, nhưng phải sửa đổi QCVN 10-3/2010 và thủ tục phải mất khoảng hai năm”, ông Hồng Uy cho hay. Với quy trình thủ tục này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải “chậm bước” vài năm so với quốc tế.

Do đó, ông Nguyễn Hồng Uy kiến nghị bổ sung quy định về thủ tục rút gọn với các quy chuẩn kỹ thuật xây dựng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, khi các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế có sự thay đổi. Theo đó: “đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế mà Việt Nam đã bỏ phiếu đồng ý với thay đổi đó tại Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế thì các doanh nghiệp được áp dụng tiêu chuẩn quốc tế sửa đổi ngay khi ban hành mà không cần đợi sửa đổi quy chuẩn Việt Nam tương ứng”, ông đề xuất.

Trong bối cảnh nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác cũng phải tuân theo quy chuẩn, quy định của nước đó đề ra, tại Phiên họp thứ 36 diễn ra vào ngày 20/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam cần phải được xây dựng một cách phù hợp và dựa theo tiêu chuẩn quốc tế, tránh việc xây dựng tốn kém về kinh phí mà lại không thể áp dụng hiệu quả.

Cũng tại phiên họp này, việc bổ sung quy định về thủ tục rút gọn trong xây dựng, thẩm định và công bố TCVN cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn cũng đã được Thường trực Ủy ban KH,CN&MT tán thành. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cần phân định rõ các trường hợp áp dụng “đột xuất; khẩn cấp; cấp bách; TCVN trái pháp luật” để thuận lợi khi áp dụng. Đồng thời, cân nhắc quy định tiêu chí áp dụng thủ tục rút gọn trong “trường hợp TCVN, QCVN không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội”; quy định rõ trình tự, thủ tục bãi bỏ TCVN và trình tự, thủ tục thẩm định việc bãi bỏ TCVN.

Mỹ Hạnh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích