Sửa đổi Luật TC&QCKT: Thúc đẩy xã hội hoá hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn
Xã hội hoá hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn
Hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam hiện nay bao gồm: tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và tiêu chuẩn cơ sở (TCCS). Trách nhiệm xây dựng, thẩm định, công bố TCVN được giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo Điều 10 Luật TC&QCKT.
Việc xây dựng TCVN hiện nay chủ yếu sử dụng ngân sách nhà nước (chiếm 95%). Trong tình hình kinh tế, xã hội ngày càng phát triển và Việt Nam đang trong tiến trình hòa nhập mạnh mẽ với thế giới, nhu cầu thị trường áp dụng tiêu chuẩn trên nhiều lĩnh vực ngày càng đa dạng, tăng cao. Trong khi đó, nguồn lực xây dựng TCVN chủ yếu tập trung vào các cơ quan, ngân sách nhà nước nên số lượng, tính đa dạng của TCVN được công bố hàng năm chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường, tổ chức, doanh nghiệp.
Kinh nghiệm của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, các quốc gia phát triển và thực tiễn của Việt Nam cho thấy, việc xây dựng tiêu chuẩn phải tuân theo định hướng của thị trường, như vậy mới đáp ứng được yêu cầu về quản lý, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nếu không tập trung vào thị trường, tất cả những tiêu chuẩn được công bố sẽ không có hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp.
Hơn ai hết, chính doanh nghiệp chứ không phải cơ quan quản lý mới hiểu thị trường mong muốn gì và cần phải tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của người tiêu dùng. Như vậy, việc xây dựng tiêu chuẩn phải có sự tham gia, xây dựng đầy đủ của các bên liên quan, trong đó đặc biệt là từ phía doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải rà soát, quy định cụ thể hơn để khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn (TCVN, TCCS), thu hút và khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ phía doanh nghiệp.
Bổ sung quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp
Quy định chung về đánh giá sự phù hợp: Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là văn bản nền tảng cơ bản, tiên quyết cho hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, chứng nhận, giám định). Tuy nhiên, hiện nay, quy định về khái niệm, nguyên tắc chung, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp giữa Luật TC&QCKT và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa thống nhất gây bất cập, khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp và doanh nghiệp.
Cụ thể: Khoản 5 Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định “Đánh giá sự phù hợp bao gồm hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, công nhận năng lực của phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức giám định”. Tuy nhiên, các quy định tại mục 4 chương IV Luật TC&QCKT chỉ đề cập đến tổ chức chứng nhận sự phù hợp, không đại diện cho toàn bộ tổ chức đánh giá sự phù hợp. Các hoạt động như thử nghiệm, giám định không được quy định tại Luật TC&QCKT dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng, triển khai các quy định về đánh giá sự phù hợp.
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức chứng nhận sự phù hợp tại Điều 52. Theo đó chỉ quy định 3 nội dung đối với quyền của tổ chức chứng nhận sự phù hợp và 6 nội dung đối với nghĩa vụ của tổ chức chứng nhận sự phù hợp. Trong khi đó, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định về quyền của tổ chức đánh giá sự phù hợp tại Điều 19 với 7 nội dung và quy định về nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp tại Điều 20 với 10 nội dung. Các quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa mở rộng hơn phạm vi về quyền và nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp (bao gồm cả tổ chức chứng nhận sự phù hợp).
Theo thông lệ quốc tế và kinh nghiệm triển khai hoạt động quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm hàng hóa của các nước thì các nội dung này sẽ được đưa vào Luật tiêu chuẩn, trở thành các quy định cơ bản, nền tảng nhằm triển khai các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa hoặc Luật an toàn sản phẩm. Các Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa hoặc Luật An toàn sản phẩm sẽ không đề cập đến các quy định trong Luật Tiêu chuẩn (khái niệm (thử nghiệm, chứng nhận, giám định); quy định về đánh giá sự phù hợp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp; hoạt động công nhận, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau) mà sẽ tập trung quy định nội dung về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, lưu thông trên thị trường, nhập khẩu, xuất khẩu).
Ví dụ: Luật Tiêu chuẩn hóa và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Trung Quốc; Luật An toàn sản phẩm tiêu dùng của Hoa Kỳ; Luật An toàn sản phẩm của Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái lan, Indonesia, Philippines… chỉ quy định các nội dung về sản phẩm được cung cấp trên thị trường không được gây rủi ro cho sự an toàn và sức khỏe con người; quy định về giám sát chất lượng hàng hóa; ttrách nhiệm của nhà sản xuất, người tiêu dùng, nhà nhập khẩu, phân phối… mà không có quy định về hoạt động tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp, hoạt động công nhận, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau.
Ảnh minh hoạ
Quy định về hoạt động của tổ chứng nhận sự phù hợp nước ngoài tại Việt Nam: Khoản 3 Điều 50 Luật TC&QCKT quy định tổ chức chứng nhận nước ngoài phải thành lập Chi nhánh tại Việt Nam và thực hiện đăng ký theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành.
Tuy nhiên, Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP quy định cho phép cung cấp dịch vụ qua biên giới; không được đưa ra yêu cầu bắt buộc các tổ chức đánh giá sự phù hợp (mở rộng hơn so với tổ chức chứng nhận của Luật TC&QCKT) nằm ngoài lãnh thổ phải mở văn phòng hoạt động trên lãnh thổ của mình.
Quy định về hoạt động công nhận: Ngày nay, với sự phát triển của thương mại quốc tế, sự gia tăng trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ đã làm cho hoạt động công nhận đối với các phòng thí nghiệm, tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định trên phạm vi toàn cầu ngày một phát triển để phục vụ cho việc thừa nhận lẫn nhau kết quả thí nghiệm, chứng nhận và giám định. Hoạt động công nhận là một phần quan trọng nhất của một quốc gia để đảm bảo chất lượng, năng lực và sự tin cậy của hệ thống đánh giá sự phù hợp – đảm bảo chất lượng hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, chứng nhận và giám định.
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ APLAC, ILAC, PAC và đây cũng là bước đi đúng hướng, theo khuynh hướng chung của các quốc gia hiện nay. Việc Việt Nam tham gia vào các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau sẽ góp phần làm thuận lợi hóa cho hoạt động thương mại của quốc gia và thúc đẩy quá trình thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau cấp chính phủ trong APEC và ASEAN.
Tuy nhiên, đối với hoạt động công nhận hiện nay tại Việt Nam dù đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng việc quản lý và chất lượng của các tổ chức công nhận vẫn cần tiếp tục được cải thiện hơn nữa. Bên cạnh đó, các tổ chức công nhận hoạt động độc lập nên việc phối hợp tham gia mạng lưới công nhận quốc tế còn manh mún, gặp nhiều khó khăn dẫn đến hoạt động thúc đẩy thương mại quốc tế chưa phát huy được hết tiềm năng.
Cụ thể, một số quy định về hoạt động công nhận hiện vẫn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, nhất là thương mại quốc tế dẫn đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh xuất nhập khẩu không được hưởng các điều kiện thuận lợi như: không phải thực hiện lại việc chứng nhận, hiệu chuẩn, thử nghiệm, giám định ở nước nhập khẩu; tiết kiệm kinh phí;…
Thực tiễn quản lý hoạt động công nhận thời gian qua đã và đang đặt ra yêu cầu với việc quản lý thống nhất và chặt chẽ hơn hoạt động công nhận, làm cho hoạt động công nhận có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, đồng thời xử lý dứt điểm để khắc phục tình trạng tồn tại hoạt động công nhận không có cơ sở pháp lý, trái với quy định của pháp luật hiện hành, vừa gây lo ngại cho các đối tượng được cấp chứng chỉ công nhận, đồng thời làm cho các đối tác quốc tế có ý kiến về hệ thống công nhận của Việt Nam.
Theo kinh nghiệm của các nước như Trung Quốc, Serbia, Singapore, Malaysia… họ sẽ thành lập Hội đồng công nhận quốc gia (với thành viên là lãnh đạo quản lý của các bộ quản lý chuyên ngành, chuyên gia có chuyên môn sâu…) với chức năng là tổ chức tư vấn cho cơ quan thẩm quyền để quản lý hoạt động công nhận, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm quản lý hiệu quả, giám sát và phát triển hệ thống các tổ chức công nhận, nhằm đảm bảo hoạt động công nhận được tổ chức, hoạt động một cách thống nhất, bài bản nhằm nâng cao năng lực, chất lượng các tổ chức công nhận, đưa hoạt động công nhận (một cấu phần quan trọng của Hạ tầng chất lượng quốc gia) trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cũng như công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng chất lượng quốc gia và hội nhập quốc tế.
Các vấn đề trên gây bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan là cần thiết.
Phong Lâm