Sửa đổi Luật Tài nguyên nước cần bổ sung chính sách bắt buộc đối với việc xử lý nước thải đô thị
Sửa đổi Luật Tài nguyên nước cần bổ sung chính sách bắt buộc đối với việc xử lý nước thải đô thị
Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua và dự kiến xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 năm 2023.
Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Dương Bình Phú – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đề nghị bổ sung chính sách bắt buộc đối với việc xử lý nước thải đô thị, nước thải công nghiệp tập trung có quy mô lớn. Đồng thời cần bổ sung khoản giao cho Chính phủ xem xét, quyết định quy mô, công suất, đặc tính, loại hình của các cơ sở, hệ thống phải thực hiện theo mục tiêu tái sử dụng nước thải sau xử lý và sử dụng phù hợp với các mục tiêu.
Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua.
Quan tâm đến dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Dương Bình Phú – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.
Đồng thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó, cần nghiên cứu, sửa đổi ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành và nghiên cứu tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước.
Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 10 chương, 83 Điều. Góp ý cụ thể vào dự án Luật này, về khoản 24 Điều 3 giải thích về việc vận hành hồ chứa theo thời gian học, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị cần làm rõ “thời gian thực” là khoảng thời gian bao nhiêu, vì thời gian tính ra kết quả để ra quyết định vận hành các hồ chứa thủy điện không chỉ phụ thuộc vào thời gian dự báo theo thời gian thực mà còn phụ thuộc vào thuật toán (phần mềm tính toán), cấu hình máy tính để chạy mô hình và kinh nghiệm của người thực hiện vận hành.
Vì vậy, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị chỉnh sửa như sau: “Vận hành hồ chứa, tiệm cận theo thời gian thật là quá trình ra quyết định vận hành điều tiết hồ chứa liên tục, tức là thời gian cơ sở tuân thủ theo quy định của quy trình vận hành hồ chứa và cập nhật thông tin, số liệu khí tượng thủy văn hồ theo thời gian thực”.
Liên quan quy định về chính sách nhà nước về tài nguyên nước tại Điều 5, đại biểu đề nghị bổ sung chính sách bắt buộc đối với việc xử lý nước thải đô thị, công nghiệp tập trung ở quy mô lớn. Cần xem xét và bổ sung khoản giao cho Chính phủ xem xét, quyết định quy mô, công suất, đặc tính, loại hình của các cơ sở, hệ thống phải thực hiện theo mục tiêu tái sử dụng nước thải sau xử lý và sử dụng phù hợp với các mục tiêu.
Đề cập về hành vi bị nghiêm cấm đổ chất thải tại khoản 1 Điều 10 quy định: “đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại vào nguồn nước và các hành vi khác gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước”, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị bổ sung thêm cụm từ: “các hoạt động khai thác gây hại tới hệ sinh thái thủy sinh”. Vì thực tế hiện nay, các hoạt động khai thác thủy sản sử dụng các chất hay vật dụng gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái dưới nước và môi trường nước khi khai thác thủy sản (chích điện, chất nổ…); Mặt khác tại điểm e, khoản 3 Điều 23 của dự thảo Luật cũng có nêu: “bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh…”
Do đó, đại biểu đề nghị biên soạn lại khoản 1 Điều 10 như sau: “Đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại vào nguồn nước và các hoạt động khai thác gây hại tới hệ sinh thái thủy sinh và các hành vi khác gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước”.
Ngoài ra, đại biểu Dương Bình Phú cũng đề nghị rà soát và xem lại sự cần thiết ban hành nhiều quy hoạch và tài nguyên nước như hiện nay và để tránh trùng lập, chồng chéo các quy hoạch khác. Quy định quy hoạch tài nguyên nước bao gồm: Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; Quy hoạch tổng thể khu vực sông (ở khu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh) và Quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước quốc gia có hệ thống quy hoạch quốc gia. Theo dự thảo Tờ trình, sau khi Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 có hiệu lực, các địa phương đã và đang xây dựng lồng ghép nội dung về tài nguyên nước trong quy hoạch tỉnh theo quy định.
Bên cạnh đó, tại khoản 6 Điều 22 quy định: “Đối với các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, quy hoạch điều chỉnh có khai thác, sử dụng tài nguyên nước do các bộ, cơ quan ngang bộ lập phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường về sự phù hợp với quy hoạch và tài nguyên nước, chức năng nguồn nước và khả năng nguồn nước”.
Đại biểu Dương Bình Phú đề nghị bỏ khoản này vì nội dung quy định này không phù hợp với quy định và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch (thứ bậc quy hoạch) tại Luật Quy hoạch. Đại biểu cho rằng, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành điều thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cơ quan, tổ chức lập quy hoạch đều lấy ý kiến của các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan và Hội đồng thẩm định thông qua hồ sơ quy hoạch, trong đó có đại diện của các bộ, ngành có liên quan. Mặt khác, đại biểu nhận thấy, việc quy định tại khoản 6 sẽ phát sinh nhiều thủ tục hành chính.
Tại điểm b khoản 1 Điều 66 dự thảo Luật đã bổ sung quy định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với nước cấp cho sinh hoạt. Tuy nhiên, đại biểu Dương Bình Phú cho rằng, quy định trên chưa thống nhất với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 dự thảo Luật, Nhà nước “có chính sách ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt”.
Vì vậy, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình rõ lý do bổ sung quy định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, đối với nước cấp cho sinh hoạt (không mang tính chất thương mại), đồng thời đề nghị đánh giá tác động kinh tế – xã hội của quy định nêu trên. Lưu ý các chi phí có thể phát sinh đối với người dân và tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị