Sửa đổi Luật Điện lực: Thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng quá trình tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường điện cạnh tranh rất chậm so với tiến độ đã được quy định.

Sửa đổi Luật Điện lực: Thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, chiều 19/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

Về sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi), theo Tờ trình tóm tắt dự án Luật, sau khi Luật Điện lực năm 2004 có hiệu lực, nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước liên quan đến phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam (trong đó có lĩnh vực điện lực) đã được ban hành.

Đồng thời, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Việc xây dựng dự án Luật góp phần thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm xây dựng, phát triển ngành điện phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đảm bảo sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với các hoạt động điện lực, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trong đó phân định rõ chức năng quản lý, điều tiết của nhà nước về điện lực và chức năng quản lý sản xuất kinh doanh điện của doanh nghiệp.

Sửa đổi Luật Điện lực: Thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 380/TTr-CP.

Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng khoản 1 Điều 6 của dự thảo Luật quy định về hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế trong hoạt động điện lực là chưa đầy đủ, chưa phù hợp với quy định tại Điều 12 của Hiến pháp năm 2013. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 3 Điều 68 để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật với các luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Liên quan đến tính khả thi của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị tiếp tục rà soát, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi của một số quy định như tính độc lập trong hoạt động của các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng điện, các bên tham gia mua bán điện, mô hình đầu tư năng lượng mới, năng lượng tái tạo…

Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng cụ thể hóa một số quy định, tránh việc quy định chung, khó định lượng, nghiên cứu đưa các quy định cụ thể trong các nghị định hướng dẫn và các văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn vào trong dự thảo Luật.

Về hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường, trong đó cụ thể vấn đề về thị trường điện cạnh tranh (được quy định từ Điều 51 đến Điều 61), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng quá trình tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường điện cạnh tranh rất chậm so với tiến độ đã được quy định.

Do vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ, bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc liên quan đến lộ trình phát triển thị trường điện; kế hoạch tái cơ cấu ngành điện; kế hoạch cải cách giá bán lẻ điện và tuân thủ chỉ đạo tại Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể hóa quy định về phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho ý kiến về số lượng và nội dung quy định chi tiết các điều khoản trong dự thảo Luật. Theo đó, trong số 121 Điều có tới 25 nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và 15 nội dung giao Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát và nghiên cứu bổ sung quy định trong dự thảo Luật, giảm bớt các nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết hoặc Bộ Công Thương hướng dẫn.

Sửa đổi Luật Điện lực: Thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngoài ra, theo ông Vũ Hồng Thanh, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo là nội dung hết sức quan trọng, tuy nhiên rà soát trong các điều khoản thì quy định về việc tạo cơ chế, sức hút cho vấn đề này còn được trình bày chung chung. Đối với quy định về tính độc lập trong hoạt động của các đối tượng trong thị trường phát điện cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng việc bồi thường thiệt hại theo cơ chế thị trường cho các bên tham gia khi xảy ra sự cố cần được làm rõ hơn.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết Điều 21 của Luật Giá quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và đời sống của người dân. Theo ông Lê Quang Mạnh, giá điện là mặt hàng đáp ứng các yêu cầu trên, do đó là loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quan trọng và sẽ thuộc thẩm quyền quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, Điều 76 của dự thảo Luật hiện nay thiết kế theo hướng là Thủ tướng Chính phủ chỉ quy định về cơ cấu biểu giá cả bán lẻ và bán buôn là chưa phù hợp với Luật Giá, do đó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị thiết kế lại để phù hợp với quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, đó là Thủ tướng Chính phủ quyết định khung giá bán buôn và bán lẻ. Đặc biệt, cần lưu ý vai trò, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý Nhà nước về giá.

Bên cạnh đó, từ Điều 51 đến Điều 78 của dự thảo Luật đã xác định nguyên tắc định giá điện. Nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng của dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, cần xây dựng nguyên tắc định giá nhất quán là giá điện phải bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế, hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho các đơn vị điện lực, cũng như phù hợp với mặt bằng thị trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh điện.

Cũng tại phiên họp, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2024.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích