Sửa đổi Luật CLSPHH để phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế

Xác định vấn đề bất cập

Về Giải thưởng Chất lượng quốc gia, tại Việt Nam, Giải thưởng Chất lượng quốc gia (GTCLQG) được xem như một sự thừa nhận về chất lượng ở cấp quốc gia, khu vực và thế giới. Việc hình thành Giải thưởng chất lượng dựa trên các mô hình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới, hoặc các triết lý về quản trị chất lượng của các nhà quản trị chất lượng nổi tiếng thế giới. Giải thưởng hiện nay được trao cho tổ chức, doanh nghiệp với mục tiêu là hướng vào việc cải tiến chất lượng quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của các doanh nghiệp nhằm hệ thống hoá và cơ cấu hoá hệ thống quản lý để từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất chất lượng. Sự thừa nhận rộng rãi mà GTCLQG mang lại cho các tổ chức, doanh nghiệp đạt giải chính là “giá trị gia tăng” mà các tổ chức, doanh nghiệp đó có được để tiếp tục cải tiến hoạt động của mình.

Tại các nước có nền công nghiệp phát triển, giải thưởng chất lượng còn là một công cụ, biện pháp chính để các doanh nghiệp hoàn thiện mô hình hoạt động của mình. GTCLQG của Việt Nam cũng phải định hướng theo mục tiêu này. Các doanh nghiệp được đề cử tham gia GTCLQG là những doanh nghiệp tiêu biểu của địa phương, tham gia và đóng góp tích cực cho hoạt động năng suất – chất lượng tại địa phương và cả nước, áp dụng thành công các công cụ, mô hình và hệ thống quản lý tiên tiến.

Không chỉ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp đoạt giải, GTCLQG còn là động lực để các doanh nghiệp chưa đoạt giải phấn đấu, tự hoàn thiện mình. Qua đó, nâng cao hơn nữa năng lực của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động GTCLQG chưa thực sự được lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, chưa khuyến khích được sự quan tâm tham gia của các doanh nghiệp và đời sống xã hội, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của một giải thưởng về chất lượng mang tầm quốc gia.

Đặc biệt, trong đó phải kể đến các hạn chế về: Hoạt động truyền thông chưa được đẩy mạnh; những chia sẻ kinh nghiệm, giá trị từ doanh nghiệp đã đạt giải cho cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng còn chưa cao; các chính sách hỗ trợ mang tính cụ thể, thiết thực đối với doanh nghiệp trước, trong và sau khi đạt giải còn thiếu…

Bên cạnh đó, phạm vi xét tặng GTCLQG hiện nay mới chỉ tập trung vào doanh nghiệp là chủ yếu mà chưa mở rộng đối tượng là cá nhân và loại hình tổ chức khác (ví dụ tổ chức đánh giá sự phù hợp, cơ sở đào tạo). Do đó, các nội dung này cần được chỉnh sửa cụ thể tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa để tạo thuận lợi và thống nhất triển khai thực hiện. Đồng thời, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về các giá trị của Giải thưởng cần tiếp tục được đẩy mạnh.

Về việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương, việc phân công trách nhiệm quản lý giữa các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực: Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và Nghị định số 13/2022/NĐ-CP đã phân định rõ ràng về trách nhiệm quản lý sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, để thống nhất triển khai giữa Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và các luật quản lý chuyên ngành thì cần quy định cụ thể nội dung này tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Đồng thời, Nghị định số 127/2007/NĐ-CP và Nghị định số 78/2018/NĐ-CP đã phân công lĩnh vực của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện việc xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tuy nhiên, việc phân công tại Nghị định số 127/2007/NĐ-CP chưa thống nhất với việc phân công trách nhiệm quản lý chất lượng của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực tại Nghị định số 132/2008/NĐ-CP và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP nên có những sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) để quản lý nhưng lại không được phân công trách nhiệm quản lý chất lượng hoặc được phân công trách nhiệm quản lý chất lượng nhưng không thuộc lĩnh vực xây dựng, ban hành QCVN nên các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực còn lúng túng trong quá trình thực hiện, việc triển khai còn khó khăn, chưa thống nhất.

Về công tác thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại Bộ, ngành và địa phương, việc tổ chức triển khai các Chương trình, dự án về năng suất chất lượng còn chưa có sự tham gia đồng đều của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và một số địa phương. Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện, còn thiếu sự phối hợp, lồng ghép các nhiệm vụ với các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của ngành, địa phương có cùng mục tiêu là nâng cao năng suất, chất lượng đối với các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của ngành, địa phương. Điều đó đã hạn chế hiệu quả của hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng do chưa tập trung được nguồn lực vào các đối tượng sản phẩm, doanh nghiệp cần hỗ trợ, cũng như hiệu quả tác dụng đồng bộ của các giải pháp.

Nguồn lực cho hoạt động quản lý chất lượng, chủ yếu là kinh phí từ ngân sách nhà nước và rất hạn hẹp (chủ yếu nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học), kinh phí đối ứng của các tổ chức, doanh nghiệp rất hạn chế. Lĩnh vực thực thi quản lý nhà nước về chất lượng vẫn chưa toàn diện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Một số sản phẩm, hàng hóa sản xuất, kinh doanh vẫn chưa được quản lý; công tác phối hợp, theo dõi và nắm thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của một số cơ quan có liên quan vẫn chưa được thực hiện chặt chẽ. Nội dung và phương thức tổ chức công tác kiểm tra vẫn theo lối mòn chưa cải tiến, đổi mới để đảm bảo vừa đạt kết quả về số lượng cơ sở kiểm tra vừa quản lý toàn diện, sâu sát thực trạng sản xuất, kinh doanh.

 Ảnh minh hoạ

Về ghi nhãn bằng phương thức điện tử, hiện nay, trước yêu cầu hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc nghiên cứu, bổ sung quy định về ghi nhãn bằng phương thức điện tử (ghi nhãn điện tử) là hết sức cần thiết. Quy định về ghi nhãn điện tử là một cách hỗ trợ, bổ sung cho cách ghi nhãn bằng phương pháp vật lý truyền thống (dán, in, đính, đúc, chạm, khắc…) cho các nhà sản xuất truyền đạt thông tin, các nội dung bắt buộc theo quy định. Ghi nhãn điện tử cho phép một số nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa được tạo ra theo phương thức điện tử và hiển thị trên màn hình.

Các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá và xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa còn rất chung chung, mang tính nguyên tắc, rất khó áp dụng trong thực tế để bảo vệ người bị thiệt hại, nhiều vi phạm quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá chưa được điều chỉnh.

Một số văn bản quy phạm pháp luật có các quy định không thống nhất dẫn đến việc khó khăn khi áp dụng. Cụ thể, khái niệm “Thủ tục nhập khẩu khi thông quan” theo quy định của Luật Hải quan và “Thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu” theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa được hiểu thống nhất dẫn đến có nhầm lẫn giữa hai khái niệm này.

Về thủ tục công bố hợp quy, tại Điều 48 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định 02 biện pháp công bố hợp quy: (1) Dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định; (2) hoặc Dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân trên cơ sở kết quả thử nghiệm của phòng thử nghiệm được công nhận hoặc chỉ định.

Tại khoản 2 Điều 34 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu phải được công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy bởi tổ chức chứng nhận được chỉ định hoặc được thừa nhận. Tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018), việc công bố hợp quy được thực hiện dựa trên một trong 03 biện pháp: (1) Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân; (2) Kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định pháp luật; (3) Kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật. Do đó, các biện pháp công bố hợp quy cần xem xét, chỉnh sửa cho phù hợp.

Về quy định liên quan đến phí, lệ phí tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá tại Điều 19, Điều 37, Điều 44, thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, trên cơ sở đề xuất của Bộ KH&CN, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 231/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thay thế Thông tư số 83/2002/TT-BTC ngày 25/9/2002. Trong đó: (i) Bãi bỏ các khoản phí liên quan đến đánh giá sự phù hợp; (ii) Quy định lệ phí cấp giấy thông báo kết quả kiểm tra về chất lượng hàng hoá nhập khẩu là 150.000 đồng/giấy.

Ngày 25/11/2015, Quốc hội thông qua Luật Phí và lệ phí, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017. Trên cơ sở ý kiến của Bộ KH&CN, tại Danh mục phí lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí không quy định lệ phí kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu. Thực hiện Luật Phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã bãi bỏ quy định thu lệ phí cấp giấy Thông báo kết quả kiểm tra về chất lượng hàng hoá nhập khẩu quy định tại Thông tư 231/2009/TT-BTC. Vì vậy, cần nghiên cứu bỏ quy định về lệ phí tại Điều 37 và Điều 44 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá để thống nhất với Luật Phí và lệ phí.

Về xử lý vi phạm hành chính, hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 có hiệu lực từ 01/01/2022 đã được sửa đổi nhiều điều khoản, do đó Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá cần thống nhất lại các điều khoản tránh chồng chéo nhau, đặc biệt về thời hạn xử lý.

Công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị. Cụ thể: theo khoản 2 Điều 70 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên thị trường do các Bộ chuyên ngành quản lý. Tuy nhiên, theo Pháp lệnh Quản lý thị trường, tại Điều 7 lại quy định “Lực lượng Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng,…”.

Về quản lý chất lượng hàng hóa trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, việc kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển rầm rộ và chiếm tỷ trọng lớn trong việc kinh doanh buôn bán hàng hóa nói chung. Việc bán hàng qua mạng lại không cần phải có kho chứa trữ hàng hóa, nguồn hàng có thể được lấy từ nhiều nơi khác nhau, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối tượng. Hiện nay, việc quản lý hoạt động thương mại điện tử được thực hiện theo quy định tại pháp luật về thương mại điện tử (Luật Giao dịch thương mại điện tử và các văn bản hướng dẫn).

Tuy nhiên, tại Luật và các văn bản hướng dẫn Luật này chưa quy định về nội dung quản lý chất lượng hàng hóa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Do đó để thực hiện các yêu cầu thực tiễn cũng như để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, giúp cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ, thống nhất, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng nhập lậu, hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường cần nghiên cứu, bổ sung quy định này trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Mục tiêu giải quyết vấn đề

Về Giải thưởng chất lượng quốc gia, chỉnh sửa, bổ sung quy định về cơ chế, chính sách để gia tăng thêm quyền lợi và khích lệ các doanh nghiệp đạt giải; bổ sung cơ chế cho địa phương trong hoạt động tuyên truyền nâng cao phong trào áp dụng giải thưởng chất lượng; mở rộng phạm vi xét tặng giải thưởng chất lượng quốc gia đối với các cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, tổ chức đánh giá sự phù hợp, cơ sở tư vấn, đào tạo.

Về quy định về dấu hợp quy và công bố hợp quy, kiến nghị chỉnh sửa các quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật về công bố hợp quy cho thống nhất với pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Về trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan để giải quyết các trường hợp sản phẩm, hàng hóa còn bị chồng chéo, trùng lặp trong phân công, quản lý như hiện nay.

Căn cứ ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các văn bản có liên quan (Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản luật chuyên ngành khác) và để thống nhất với trách nhiệm về xây dựng, ban hành QCVN của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, đề nghị chỉnh sửa, bổ sung trách nhiệm của các Bộ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành chuyên đề chất lượng sản phẩm, hàng hóa trọng điểm hằng năm để thực hiện vai trò thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

Về phí và lệ phí, xử lý vi phạm, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định về phí và lệ phí; trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá và xử lý vi phạm hành chính để phù hợp với các Luật hiện nay quy định về các nội dung này.

Chỉnh sửa, bổ sung quy định làm rõ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, ghi nhãn bằng phương thức điện tử, xác định giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ… tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa để giải quyết các tồn tại, vướng mắc hiện nay. Bổ sung quy định về quản lý chất lượng hàng hóa trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Giải pháp giải quyết vấn đề

Có hai phương án đối với vấn đề nêu trên. Phương án 1 là giữ nguyên quy định như hiện nay. Phương án 2 là sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Nếu triển khai phương án 1, về mặt tích cực, đối với Nhà nước sẽ không tốn kém thời gian, chi phí sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật; bổ sung nguồn lực để có cơ chế, chính sách gia tăng thêm quyền lợi và khích lệ các doanh nghiệp đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia và nguồn lực để quản lý chất lượng hàng hóa trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Đối với tổ chức, cá nhân sẽ không phải đầu tư nguồn lực để thực hiện kinh doanh thương mại điện tử.

Về mặt tiêu cực, đối với Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để gia tăng thêm quyền lợi và khích lệ các doanh nghiệp đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia; nội dung về công bố hợp quy chưa được thống nhất giữa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật với pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; một số sản phẩm, hàng hóa còn bị chồng chéo, trùng lặp trong phân công, quản lý giữa các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực; chưa thống nhất các quy định về phí và lệ phí, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá và xử lý vi phạm hành chính với các Luật hiện nay; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, ghi nhãn bằng phương thức điện tử, xác định giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ… để giải quyết các tồn tại, vướng mắc hiện nay; chưa có quy định về quản lý chất lượng hàng hóa trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, một loại hình kinh doanh đang phát triển rầm rộ và chiếm tỷ trọng lớn trong việc kinh doanh buôn bán hàng hóa nói chung.

Đối với tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia chưa được gia tăng thêm quyền lợi khi đạt giải; nội dung về công bố hợp quy chưa được thống nhất giữa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật với pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nên khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; một số sản phẩm, hàng hóa còn bị chồng chéo, trùng lặp trong phân công, quản lý giữa các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực nên phải chịu nhiều biện pháp quản lý khác nhau; chưa thống nhất các quy định về phí và lệ phí, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá và xử lý vi phạm hành chính với các Luật hiện nay nên khó khăn trong quá trình thực thi; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, ghi nhãn bằng phương thức điện tử, xác định giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ… để giải quyết các tồn tại, vướng mắc của tổ chức, doanh nghiệp hiện nay; chưa có quy định về quản lý chất lượng hàng hóa trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, một loại hình kinh doanh đang phát triển rầm rộ và chiếm tỷ trọng lớn trong việc kinh doanh buôn bán hàng hóa nói chung nên tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp có thể kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa không phù hợp chất lượng, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Phương án 1 không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không mang tính phân biệt, không làm phát sinh thủ tục hành chính mới do vẫn giữ các quy định hiện hành. Phương án không có tác động đối với hệ thống pháp luật do quy định không thay đổi. Tuy nhiên, giải pháp này chưa phù hợp hoàn toàn với thông lệ quốc tế, nghĩa vụ của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên và tình hình phát triển kinh tế – xã hội của nước ta hiện nay.

Nếu triển khai theo phương án 2, về mặt tích cực, đối với Nhà nước có cơ chế, chính sách cụ thể để gia tăng thêm quyền lợi và khích lệ các doanh nghiệp đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia; nội dung về công bố hợp quy được thống nhất giữa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật với pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hạn chế chồng chéo, trùng lặp trong phân công, quản lý giữa các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực; thống nhất các quy định về phí và lệ phí, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá và xử lý vi phạm hành chính với các Luật hiện nay; quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, ghi nhãn bằng phương thức điện tử, xác định giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ… để giải quyết các tồn tại, vướng mắc hiện nay; quy định về quản lý chất lượng hàng hóa trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, một loại hình kinh doanh đang phát triển rầm rộ và chiếm tỷ trọng lớn trong việc kinh doanh buôn bán hàng hóa nói chung.

Đối với tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia sẽ được gia tăng thêm quyền lợi khi đạt giải; nội dung về công bố hợp quy được thống nhất giữa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật với pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện; hạn chế chồng chéo, trùng lặp trong phân công, quản lý giữa các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, tránh trường hợp doanh nghiệp phải chịu nhiều biện pháp quản lý khác nhau; thống nhất các quy định về phí và lệ phí, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá và xử lý vi phạm hành chính với các Luật hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình trong quá trình thực thi; quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, ghi nhãn bằng phương thức điện tử, xác định giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ… để giải quyết các tồn tại, vướng mắc của tổ chức, doanh nghiệp hiện nay; quy định về quản lý chất lượng hàng hóa trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, một loại hình kinh doanh đang phát triển rầm rộ và chiếm tỷ trọng lớn trong việc kinh doanh buôn bán hàng hóa nói chung, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong việc kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa phù hợp chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về mặt tiêu cực, đối với Nhà nước sẽ tốn kém thời gian, chi phí sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật; bổ sung nguồn lực để có cơ chế, chính sách gia tăng thêm quyền lợi và khích lệ các doanh nghiệp đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia và nguồn lực để quản lý chất lượng hàng hóa trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Đối với tổ chức, cá nhân cần đầu tư nguồn lực để thực hiện kinh doanh thương mại điện tử.

Chính sách không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không mang tính phân biệt. Việc áp dụng các quy định không làm phát sinh thủ tục hành chính mới. Gải pháp này không có tác động tới bộ máy nhà nước, không cần bổ sung điều kiện thi hành, không tác động tới các quyền cơ bản của công dân. Giải pháp phù hợp hệ thống pháp luật: giải pháp này phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình phát triển kinh tế – xã hội của nước ta hiện nay, phù hợp với nghĩa vụ của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Từ những phân tích nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị lựa chọn phương án 2 là phương án đem lại nhiều tác động tích cực, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn quản lý, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hán Hiển

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích