Sửa đổi, bổ sung quy chuẩn liên quan đến phương tiện xe điện
Nhằm thúc đẩy phát triển xe điện, Việt Nam hiện đã có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô điện, một số chính sách hỗ trợ tương đương hoặc thậm chí cao hơn một số nước trong khu vực. Các chính sách để khuyến khích sử dụng ô tô điện của Việt Nam đang tập trung vào dòng xe điện chạy pin thông qua các ưu đãi về thuế dành cho cả doanh nghiệp sản xuất xe điện (thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp…) cũng như trong việc hỗ trợ cho người sử dụng xe điện được sử dụng xe điện với chi phí thấp hơn (thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ).
Về định hướng xây dựng các quy hoạch, quy định về hạ tầng kỹ thuật trong xây dựng để thúc đẩy phát triển xe điện, ông Trần Hoài Anh, Phó cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ đang soạn thảo và đề xuất ban hành hai luật gồm Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Phát triển đô thị. Trong đó, có các chính sách liên quan đến hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là các phương tiện điện hóa và sử dụng năng lượng xanh. Cả hai luật này sẽ được trình lên Quốc hội trong năm 2024 và có thể sẽ áp dụng từ đầu năm 2025.
Ảnh minh hoạ.
“Các đơn vị liên quan cũng đang rà soát, điều chỉnh Quy chuẩn 01, trong đó lồng ghép các chỉ tiêu về việc tỉ lệ trạm sạc xe điện chiếm bao nhiêu phần trăm ở hầm gửi xe chung cư. Cùng đó, Quyết định 766/QĐ-BXD cũng yêu cầu các đơn vị rà soát, nghiên cứu tiêu chuẩn kỹ thuật để xây dựng hạ tầng trạm sạc điện, cũng như ban hành định mức xây dựng để áp dụng rộng rãi hơn”, ông Trần Hoài Anh cho biết.
Về việc bổ sung các bộ quy chuẩn liên quan đến xe điện, ông Phạm Minh Thành, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đã có kế hoạch xây dựng sửa đổi bổ sung Quy chuẩn 09 liên quan đến phương tiện ô tô nói chung, trong đó có ô tô điện. Bộ GTVT đang xin ý kiến rộng rãi từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý Nhà nước về nội dung của quy chuẩn, dự kiến trong đầu năm sau sẽ trình để ban hành.
Ở cấp địa phương, đại diện Sở GTVT Hà Nội và TP.HCM cũng cho biết sẽ ban hành những lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng. Với Hà Nội, mục tiêu đặt ra lộ trình chuyển đổi dự kiến chia thành từng giai đoạn. Giai đoạn 1 (2025-2030) với tỉ lệ chuyển đổi trung bình đạt 7,73%/năm, số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 157 xe/năm. Giai đoạn 2 kéo dài từ năm 2031-2035, với tỷ lệ chuyển đổi trung bình đạt 8,0%/năm, số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 162 xe/năm.
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã được UBND giao xây dựng chủ trương phát triển xe điện hóa và xe thân thiện môi trường, dự kiến trình lên từ đầu năm 2024… “Sắp tới, TP.HCM dự kiến khoanh vùng một số khu vực để trở thành khu vực dùng xe không phát thải, như ở các quận trung tâm của thành phố”.
Phong Lâm