Sửa đổi, bổ sung hệ thống quy chuẩn, thúc đẩy chuyển đổi sử dụng xe điện

Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho xe điện

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường từ khí thải của các phương tiện giao thông đang là vấn đề cấp bách. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các dòng ô tô điện được coi là giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi quốc gia mà việc áp dụng lộ trình phát triển ô tô điện là khác nhau.

Với Việt Nam, việc chuyển đổi sang phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu và là mục tiêu chúng ta đang hướng đến nhằm thực hiện định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; đồng thời tạo cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển mới của thế giới. 

Tương tự các nước trong khu vực ASEAN, thời gian qua Việt Nam đã ban hành một loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô điện và các chính sách khuyến khích sử dụng ô tô điện. Tuy nhiên để thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh của ngành giao thông vận tải, bên cạnh cơ hội cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, như: thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc; giá thành phương tiện cao; còn thiếu các cơ chế khuyến khích tiêu dùng và sử dụng phương tiện giao thông điện; nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp về việc chuyển đổi năng lượng xanh chưa thực sự đầy đủ, …

 Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải, thời gian qua Bộ GTVT đã và đang tích cực rà soát, tham mưu trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách về thúc đẩy chuyển đổi sử dụng xe điện như: trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan trong giao thông vận tải.

Tổng hợp xây dựng báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang sử dụng xe ô tô điện với một khung chính sách toàn diện, bao gồm: chính sách khuyến khích sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người tiêu dùng; chính sách phát triển hạ tầng trạm sạc điện… Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn nhằm thúc đẩy chuyển đổi sử dụng xe điện, như: (01) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, (02) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ…

“Bộ GTVT luôn trân trọng ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp vào định hướng cũng như giải pháp góp phần thực hiện việc chuyển đổi năng lượng xanh đối với các loại hình phương tiện vận tải, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, an toàn và thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông.

Chúng tôi đánh giá cao Báo Giao thông đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo hôm nay để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cùng trao đổi rõ hơn về các quy định, chính sách hiện có, đồng thời bàn thảo kế hoạch, định hướng quản lý, thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải”, ông Lê Anh Tuấn nói.

Phát triển hệ thống trạm sạc, thắt chặt tiêu chuẩn phát thải

Cùng phát biểu tại Hội thảo, ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, cam kết chính trị mạnh mẽ từ chính phủ và sự tham gia năng động từ khu vực tư nhân là yếu tố quan trọng thúc đẩy chuyển đổi sử dụng và phát triển phương tiện giao thông điện. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực to lớn đẩy nhanh phát triển và hoàn thiện khung chính sách quốc gia như Quyết định số 876/QD-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022, phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon, khí mê-tan trong giao thông vận tải.

Tuy nhiên, vẫn cần nhiều chính sách tham vọng hơn nữa để cụ thể hóa mục tiêu đã đặt ra và khuyến kích các bên liên quan cùng đóng góp cho các mục tiêu đó. Ví dụ như, thúc đẩy sử dụng phương tiện điện sẽ tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và sử dụng phương tiện điện, cùng với phát triển hạ tầng sạc điện. Liên quan đến mục tiêu này, trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), Chính phủ và các thành viên JETP cam kết tạo ra cơ hội đầu tư xanh mới để phát triển xe điện.

Trên toàn cầu, ngành giao thông vận phát thải 8 tỷ tấn, chiến 23% tổng lượng phát thải khí nhà kính (KNK) toàn cầu. Lượng khí thải trong ngành đã tăng đều đặn trong hai thập kỷ qua, nhanh nhất trong các ngành tiêu thụ năng lượng cuối, ngoại trừ công nghiệp.

Tại Việt Nam, ngành giao thông vận tải cũng phán ảnh đúng xu thế toàn cầu, với lượng khí thải 37 triệu tấn CO2 vào năm 2020. Và mục tiêu thực hiện các hành động giảm phát thải của ngành có vai trò quan trọng đối với việc đạt được mục tiêu của NDC cập nhật.

 Quang cảnh Hội thảo.

Hiện nay, hơn 80 quốc gia đã tăng cường chính sách thúc đẩy sử dụng xe điện thông qua các giải pháp như trợ giá, giảm thuế, quy định, mục tiêu kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng trạm sạc. Kết quả là năm 2022, toàn cầu có hơn 26 triệu xe điện lưu hành, tăng 60% so với năm 2021 và gấp 5 lần so với năm 2018.

Thị trường xe điện tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Xu thế toàn cầu cũng đang đặt ra nhu cầu sản xuất xe điện nội địa, Vinfast, một nhà sản xuất xe điện trong nước đã xuất khẩu 999 xe điện đầu tiên sang Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 2023, Nhật Bản đặt mục tiêu có 150.000 trạm sạc công cộng, xe điện chạy pin và xe điện plug-in hybrid chiếm 20-30% thị phần vào năm 2030.

Ông Patrick Haverman nói thêm, số lượng xe điện của Việt Nam đã tăng mạnh từ 167 xe vào năm 2019 lên 12,585 xe ô tô và hơn 2 triệu xe máy điện vào năm 2021. Đáng chú ý, xe buýt điện đã mở rộng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, taxi điện đã bắt đầu hoạt động tại 6 thành phố lớn và thí điểm sử dụng xe điện cho dịch vụ giao hàng chặng cuối tại Thành phố Huế đang được mở rộng sang các thành phố khác. Điều này là kết quả của quá trình phát triển các chính sách tạo môi trường thuận lợi không ngừng từ chính phủ.

Hơn nữa, ngành ô tô điện trong nước cũng đặt ra những kế hoạch lớn đầy tham vọng nhằm phát triển một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho sử dụng xe điện, bao gồm cung cấp các giải pháp sạc và ắc quy. Thêm vào đó, Vinfast đã đạt được cột mốc quan trọng khi niêm yết thành công trên sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu Nasdaq.

Để giảm phát thải khí carbon ngành giao thông vận tải và thúc đẩy giao thông điện ở Việt Nam, ông Patrick Haverman cho rằng cần quan tâm tới một số vấn đề trọng tâm. Thứ nhất, sự gia tăng nhanh và mở rộng cho các chủng loại phương tiện, đặt ra nhiều thách thức quan trọng như gia tăng nhu cầu đối với các loại chất hiếm, áp lực quá tải lưới điện. Khung chính sách cần đảm bảo khuyến khích các chuyển đổi sử dụng xe điện, đồng thời thúc đẩy chia sẻ kiến thức và thúc đẩy trách nhiệm môi trường, xã hội trong khai thác nguồn vật liệu hiếm.

Thứ hai, Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển công nghiệp sản xuất xe điện nội địa. Chính phủ vẫn cần đẩy nhanh chính sách cơ bản như phát triển hệ thống trạm sạc, thắt chặt tiêu chuẩn phát thải, cùng với quy định mục tiêu bán hàng cho một số đơn vị sản xuất xe điện với số lượng phương tiện điện nhất định. Ngoài ra, các chính sách ngắn hạn như chính sách đỗ xe, quy định về những khu vực đặt thù, có thể giúp chính phủ Việt Nam đạt vượt mức các mục tiêu của mình. 

Thứ ba, điều quan trọng là giảm chi phí phương tiện điện thông qua phương thức hỗ trợ tài chính, cải thiện khả năng chi trả của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Có nhiều lựa chọn chính sách khác nhau như giảm thuế, các khoản vay lãi suất thấp và trợ giá mua hàng. Những giải phát này có thế giúp thay đổi quan điểm xã hội, tạo nên động lực mạnh mẽ để thay đổi nhận thức. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận khi miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô và xe buýt điện.

Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện” do Bộ GTVT phối hợp UNDP và Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức. Báo Giao thông là đơn vị thực hiện.

Hội thảo sẽ gồm ba phiên, phiên thứ nhất chủ đề “Giải pháp thúc đẩy giao thông điện”, phiên thứ hai chủ đề “Thị trường xe điện: Góc nhìn từ doanh nghiệp và người tiêu dùng” và phiên hỏi đáp cuối hội thảo.

Xen giữa các phiên thảo luận là phần tọa đàm, các diễn giả đến từ nhiều Bộ ngành, địa phương, chuyên gia quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp sản xuất ô tô – xe máy. Các phiên tọa đàm sẽ do TS Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia điều phối chương trình.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích