Sửa đổi 55 điều, bổ sung mới 13 điều, bãi bỏ 5 điều trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước
Sửa đổi 55 điều, bổ sung mới 13 điều, bãi bỏ 5 điều trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 87 điều và được bố cục thành 10 chương.
Dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 19 điều, sửa đổi, bổ sung 55 điều, bổ sung mới 13 điều) và bãi bỏ 5 điều.
Bên cạnh những quy định chung, dự thảo nêu rõ những quy định cụ thể về: Điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; điều hòa, phân phối và Khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ và phát triển nguồn nước; quan hệ quốc tề về tài nguyên nước…
Các chương được sắp xếp, bố cục lại cụ thể như sau:
Chương I. Quy định chung, gồm 11 điều (từ Điều 1 đến Điều 11).
Chương II. Điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước, gồm 13 điều (từ Điều 12 đến Điều 24).
Chương III. Bảo vệ tài nguyên nước, gồm 15 điều (từ Điều 25 đến Điều 39).
Chương IV. Điều hòa, phân phối và Khai thác, sử dụng tài nguyên nước, gồm 23 điều (từ Điều 40 đến Điều 62).
Chương V. Phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, gồm 6 điều (từ Điều 63 đến Điều 68).
Chương VI. Công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ và phát triển nguồn nước, gồm 6 điều (từ Điều 69 đến Điều 74).
Chương VII. Quan hệ quốc tề về tài nguyên nước, gồm 4 điều (từ Điều 75 đến Điều 78).
Chương VIII. Trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, gồm 5 điều (từ Điều 79 đến Điều 82).
Chương IX. Thanh tra chuyên ngành tài nguyên nước, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước, gồm 2 điều (từ Điều 83 đến Điều 84).
Chương X. Điều khoản thi hành, gồm 4 điều (từ Điều 85 đến Điều 87).
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, sau hơn 9 năm thi hành, do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, bên cạnh đó nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước nên Luật Tài nguyên nước đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Tài nguyên nước mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về tài nguyên nước, đảm bảo phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật, đồng thời, bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ, tổng hợp, thống nhất về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước.
Góp ý vào nội dung Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Sở TNMT TP.HCM đã đưa ra nhiều nội dung liên quan đến thực tiễn cuộc sống tại TP.HCM.
Theo Sở TN&MT TP.HCM, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung thêm các quy định về việc bổ cập của nước dưới đất nhằm bảo vệ các tầng chứa nước; bổ sung các quy định liên quan đến bảo vệ lòng, bờ bãi sông; bổ sung thêm nhiều điều khoản về quản lý tài nguyên nước gắn với sụt lún đất. Đặc biệt, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về tái sử dụng nước mưa. Đây là nguồn tài nguyên lớn có chất lượng tương đối tốt, dễ xử lý, cần được quản lý và khai thác hợp lý để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Tuy nhiên, Sở TN&MT TP.HCM kiến nghị, để tận dụng triệt để hơn nữa nguồn tài nguyên nước mưa, Dự thảo Luật cần phải có các nhóm giải pháp cụ thể liên quan đến việc tái sử dụng nước mưa gắn với công tác chống ngập, bổ cập nước dưới đất để vừa đảm bảo an ninh nguồn nước, vừa chống ngập, vừa góp phần giảm sụt lún đất tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Liên quan đến hành lang bảo vệ nguồn nước, hiện nay, cả ngành giao thông vận tải và ngành TN&MT đều có quy định về nội dung này. Tuy nhiên, vẫn có sự khác nhau về khoảng cách từ mép bờ cao vào phía bờ đối với Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật Tài nguyên nước (cùng một tuyến sông, kênh nhưng các mốc cắm hành lang bảo vệ khác nhau). Vì vậy, theo Sở TN&MT TP.HCM, cần phải có sự rà soát và thống nhất trong việc quy định chiều rộng hành lang bảo vệ trên bờ của các tuyến sông, suối, kênh, rạch.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT TP.HCM cũng đề nghị, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần có những quy định về trách nhiệm quản lý và phối hợp giữa các địa phương về tài nguyên nước vì đặc điểm của tài nguyên nước mặt có tính liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh.
Đối với quy định tại khoản 3 Điều 44, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): “Các dự án xây dựng mới nhà cao tầng, khu công viên tại các đô thị thuộc vùng hạn chế khai thác nước dưới đất được cơ quan có thẩm quyền công bố phải có hạng mục công trình thu gom nước mưa bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất”.
Theo Sở TN&MT TP.HCM, điều khoản này khó khả thi và đồng bộ khi thực hiện bởi vì tại các đô thị lớn như TP.HCM, hơn 99% diện tích thuộc các vùng hạn chế (nhiều nhất là vùng hạn chế 3 – nơi có mạng lưới cấp nước tập trung, hiện nay Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn và Công ty Cổ phần Hạ tầng Nước Sài Gòn đã phủ kín hầu như toàn bộ thành phố).
Như vậy, gần như 100% các dự án mới sau thời gian Luật có hiệu lực phải có hạng mục công trình thu gom nước mưa bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất. Điều này sẽ tạo ra sự khác nhau về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước dưới đất cho cùng một nhóm đối tượng là xây dựng dự án nhà cao tầng. Nếu cần thiết, Luật cần có điều khoản chuyển tiếp và lộ trình thực hiện cho các công trình đã thực hiện hoàn chỉnh trước khi Luật có hiệu lực thi hành để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, công bằng.
Sở TN&MT TP.HCM cũng đề nghị bổ sung đối tượng “kênh rạch” tại khoản 1, Điều 27 quy định về việc các sông, suối, hồ chứa, đập dâng phải xác định dòng chảy tối thiểu. Lý do, thực tế hiện nay, TP.HCM có các cống, đập ngăn triều trên các kênh rạch để phục vụ mục đích chống ngập. Việc xây dựng các cống ngăn triều ở đầu các kênh rạch có ảnh hưởng và tác động đến dòng chảy tự nhiên của kênh rạch. Với lý do đó, “kênh rạch” cũng cần được xem xét phải xác định dòng chảy tối thiểu để đảm bảo tiêu thoát và hoạt động sinh sống của thủy sinh trong lòng kênh rạch.
Đồng thời, Sở đề nghị nghiên cứu bổ sung khoản 1, Điều 30 theo hướng “Tổ chức, cá nhân không được xả nước thải không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt”. Bởi thực tế tại TP.HCM, gần khu vực lấy nước Hòa Phú có các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động nằm gần khu vực lấy nước và đã xả nước thải đạt quy chuẩn cho phép ra sông (các doanh nghiệp này đã hoạt động lâu năm, nếu không xả ra khu vực này thì cũng không có lựa chọn khác)./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị