Sự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần bổ sung quy định đặc thù

Thực hiện nguyên tắc phát triển bền vững

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và Trần Tiến Dũng vừa đồng chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành, đơn vị về góp ý các quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan tới vấn đề đất đai, môi trường, nhà ở.

Sự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần bổ sung quy định đặc thù
Toàn cảnh cuộc họp góp ý các quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan tới vấn đề đất đai, môi trường, nhà ở.

Theo đó, dự thảo Luật quy định việc quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa và lịch sử ở Thủ đô, bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch. Việc san lấp, cải tạo sông, hồ, ao suối, đầm bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt phải phù hợp với quy định về kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô.

Quy định này nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông, hồ; hoàn thành cải tạo môi trường sông Nhuệ – sông Đáy, sông Tô Lịch; thực hiện các chương trình chống úng, ngập; hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, cây xanh đô thị… theo quy hoạch.

Dự thảo Luật cũng phân quyền cho Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội quy định: Vùng phát thải thấp cho Thủ đô và Vùng Thủ đô; các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, phát triển tỷ lệ xanh trong xây dựng đô thị trên địa bàn Thủ đô; chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi và lộ trình thực hiện đối với cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, phát triển tỷ lệ xanh trong xây dựng đô thị; các yêu cầu riêng về bảo vệ môi trường làng nghề; biện pháp ưu đãi đầu tư thu gom, xử lý rác thải liên xã, liên huyện …
Đồng thời, quy định về di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kéo dài, sử dụng quá tải; bệnh viện, cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực nội đô lịch sử, đô thị trung tâm không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bổ sung một số quy định đặc thù

Về nhà ở, trên cơ sở quy định tại Điều 16 Luật Thủ đô năm 2012, dự thảo Luật bổ sung một số quy định mang tính chất đặc thù về phát triển nhà ở trên địa bàn Thủ đô. Theo đó, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhà ở cũ, nhà nhiều hộ xuống cấp phải tuân thủ quy hoạch được phê duyệt bảo đảm hài hòa lợi ích giữ Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, các yêu cầu đặt ra trong việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô phải đảm bảo: Định hướng phát triển nhà ở theo mô hình căn hộ chung cư phù hợp điều kiện đất đai, dân cư Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ quỹ nhà ở xã hội theo quy định và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở được phê duyệt đối với tất cả các dự án được quy hoạch xây dựng nhà ở cao tầng, thấp tầng, nhà ở biệt thự; các khu đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật; bố trí quỹ đất tương ứng 20% đất ở trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thay thế ở vị trí khác trên cơ sở đề xuất quỹ đất thay thế; cho phép nộp tiền tương ứng với quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha đến 10 ha…

Bổ sung một số quy định đặc thù về phát triển nhà ở trên địa bàn Thủ đô
Cần cơ chế đặc biệt để phát triển nhà ở cho Thủ đô.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng phân quyền cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội trong việc ban hành một số chính sách, biện pháp liên quan đến đầu tư, xây dựng, quản lý, phát triển nhà ở.

Góp ý tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đề nghị cần cụ thể hóa các quy định về cơ chế thu hút đầu tư các dự án xử lý chất thải; thống nhất khái niệm “vùng phát thải thấp” với khái niệm “vùng bảo vệ nghiêm ngặt” và “vùng hạn chế phát thải” đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, đề nghị rà soát quy định về xử lý chất thải rắn, làm rõ các ưu đãi đầu tư thu gom, xử lý rác thải liên xã, liên huyện trên địa bàn Thủ đô và Vùng Thủ đô; các quy định về quản lý, sử dụng đất đai cần tránh trùng lặp với quy định tại dự thảo Luật Đất đai…

Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh tới tính khả thi, đặc thù của các cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô. Theo Thứ trưởng, cần thống nhất các quy trình, thủ tục trong các lĩnh vực cụ thể; phân cấp, phân quyền đảm bảo phù hợp và đánh giá tác động đầy đủ để huy động được các nguồn lực khác nhau để khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của Thành phố…

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá việc sửa đổi các quy định về bảo vệ môi trường, giảm phát thải, quản lý, sử dụng đất đai, phát triển nhà ở là phù hợp với sự phát triển của đất nước và thực tiễn đặt ra với Thủ đô. Theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, cần tận dụng tối đa các quy định thuận lợi tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), rà lại các quy định tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đánh giá tác động để đảm bảo các quy định tại dự thảo Luật Thủ đô sẽ mang lại tác động tích cực, không trùng lắp. Quy định phân cấp, phân quyền cần đảm bảo khả thi, phù hợp năng lực, có các điều kiện cụ thể để tạo thuận lợi trong quản lý nhà nước…

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích