Sứ mệnh kiến tạo sự thịnh vượng và bền vững
Lựa chọn hợp xu thế thời đại
Khoa học công nghệ (KHCN) có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại…; coi KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một trong các khâu đột phá chiến lược quan trọng, nhất là tiến tới phát triển nhanh, bền vững.
Đồng thời yêu cầu có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế…; phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.
Thực tế cho thấy KHCN và ĐMST đã có nhiều đóng góp đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Ảnh minh hoạ
Thực tế những năm qua đã cho thấy, KHCN và ĐMST đã có những đóng góp hết sức quan trọng ở tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương trong cả nước. Theo Bộ KH&CN, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp – TFP giai đoạn 2016-2020 đã tăng lên 45,2% so với mức 33,58% của giai đoạn 2011-2015 là 33,6%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đã tăng lên 5,8%/năm so với giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm. Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020.
Những đóng góp về KHCN và ĐMST trong phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới toàn cầu 2022 (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam xếp 48/132 quốc gia. Năm nay, có 36 quốc gia/nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp được xếp hạng (tăng 2 quốc gia so với năm 2021), Việt Nam đứng thứ 2 sau Ấn Độ (năm 2021 Việt Nam đứng thứ nhất trong 34 quốc gia/nền kinh tế). Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 như năm 2021 (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan).
Chia sẻ về câu chuyện Việt Nam lựa chọn KHCN và ĐMST là trụ cột phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh, đây không phải là sáng kiến của riêng Việt Nam hay bất cứ ai. Sự lựa chọn này xuất phát bài học kinh nghiệm mà các quốc gia có được trong quá trình phát triển.
Một minh chứng điển hình nhất là 5 “con hổ” châu Á thoát khỏi bẫy thu nhập thấp và thu nhập trung bình nhờ dựa vào KHCN và đổi mới sáng tạo. Những quốc gia này phải chuyển đổi từ quá trình phát triển kinh tế dựa trên lao động giá rẻ, nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt chuyển sang phát triển dựa trên hấp thụ công nghệ và tiếp đến là dựa trên sáng tạo công nghệ tạo ra tài sản trí tuệ, tạo thành nguồn nhiên liệu mới giúp cho phát triển kinh tế – xã hội.
Điều này thể hiện càng rõ trong thời đại ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của KHCN, sự hội tụ công nghệ số trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi rằng KHCN và đổi mới sáng tạo phải trở thành nền tảng cốt lõi của phát triển. Đảng, Chính phủ Việt Nam đã luôn quan tâm đến vị trí, vai trò của KHCN như là động lực trong quá trình phát triển đất nước. Hiện nay, trước những yêu cầu và thách thức mới, Việt Nam tiếp tục lựa chọn KHCN và ĐMST là một trong những trụ cột để phát triển.
Thời điểm để tăng tốc
Có thể thấy, từ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, việc phát triển KHCN và ĐMST đã được xác định là con đường tất yếu để phát triển kinh tế -xã hội một cách nhanh và bền vững.
Chia sẻ về những thành quả trong thúc đẩy KHCN và ĐMST tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho hay, năm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu ghi nhận Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm 2021. Cơ chế chính sách của KHCN được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để từng bước đưa KHCN không chỉ gắn kết mà thực sự đồng hành, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực, địa phương.
Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Nhà nước và cả khu vực tư nhân cần nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của KHCN và ĐMST.
Việt Nam hiện có 4 “kỳ lân” công nghệ, khẳng định vị thế trong “tam giác vàng” khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia. Cả nước có 79 cơ sở ươm tạo, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, khoảng 170 trường đại học, cao đẳng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 43 trường đại học thành lập vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp lâu dài.
Một trong những điểm nổi bật của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam là đã từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy của tri thức, công nghệ trong và ngoài nước. Bộ trưởng cho rằng, đây là thời điểm để tăng tốc, đẩy mạnh liên kết các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển. Hệ sinh thái không chỉ là môi trường, mà phải trở thành bệ đỡ cho sự phát triển của các thành phần, là nơi kết nối nguồn cung và nguồn cầu về đổi mới sáng tạo.
Người đứng đầu Bộ KH&CN cũng kỳ vọng, quy mô và hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia của Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng và nâng cao; thu hút ngày càng nhiều nguồn lực trong và ngoài nước; đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Khơi dậy khát vọng sáng tạo
Mặc dù hoạt động KHCN và ĐMST tại Việt Nam thời gian qua đã có nhiều thành tựu vượt bậc, tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tiễn để thấy rằng phát triển KHCN và ĐMST của Việt Nam còn không ít hạn chế, bất cập. Trong đó, việc ứng dụng, phát triển, đổi mới công nghệ và thương mại hóa các sản phẩm KHCN còn yếu; liên kết giữa các chủ thể tham gia vào ĐMST còn lỏng lẻo. Bài toán của Việt Nam lúc này là làm sao để thúc đẩy hoạt động KHCN và ĐMST phát triển vừa nhanh, vừa bền vững, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Đứng ở nhiều góc độ khác nhau, lời giải cho bài toán kể trên đã được nhiều chuyên gia, nhà chuyên môn, lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành đưa ra. Ở vị trí “tư lệnh” ngành KH&CN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, cả Nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của KHCN và ĐMST. Từ đó, có đầu tư đúng đắn, kịp thời cho KHCN và ĐMST. Về cốt lõi của việc đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh. Cần có cơ chế khuyến khích, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy phát triển KHCN và ĐMST.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho rằng, cần phát triển đồng bộ, gắn kết chặt chẽ các ngành khoa học, đồng thời giữ nguyên tắc coi trọng khoa học xã hội và nhân văn, đầu tư nền tảng cho khoa học tự nhiên, ưu tiên khoa học kỹ thuật và công nghệ; nâng cao năng lực đón đầu các ứng dụng KHCN tiên phong ở trình độ cao…
Hán Hiển