Sự kiện được hàng trăm nghìn doanh nghiệp trông chờ

Sự chủ động lắng nghe này thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm giữ được thành trì kinh tế trước tác động tiêu cực của đại dịch, vốn đang ngày càng diễn biến phức tạp…

su kien duoc hang tram nghin doanh nghiep trong cho

“Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” là cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương diễn ra sáng ngày 8/8.

Hội nghị nhằm để lãnh đạo Chính phủ lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Có lẽ hàng trăm nghìn doanh nghiệp trên cả nước đều đang trông chờ những kết quả đạt được từ sự kiện trên. Tình thế cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam, đã trở nên cấp bách.

Ít ngày trước, Tổng cục Thống kê công bố số liệu cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, cả nước có gần 80.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng TPHCM có 23.199 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chiếm 29,1% tổng số của cả nước.

Nguyên nhân xuất phát từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp , nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội.

Tính bình quân từ đầu năm đến nay, cứ mỗi ngày trôi qua lại có gần 400 doanh nghiệp bị đào thải, buộc phải “đầu hàng” trước sự khắc nghiệt của thị trường và điều kiện khốc liệt thời kỳ dịch giã.

Đọc qua số liệu, quả thực xót xa và đau lòng. Nhưng phải tận mắt chứng kiến doanh nghiệp vật lộn trong thực tế thì mới cảm thấy hoạt động kinh doanh đang khó đến nhường nào. Những doanh nghiệp còn trụ lại được, tôi nghĩ không ít trong số này đang duy trì tồn tại một cách lay lắt, cầm chừng.

Còn nhớ hồi tháng 6, phát biểu tại một cuộc tọa đàm về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cảm thán: “Một năm qua, các doanh nghiệp đã cố gắng đu xà, tưởng là đến giai đoạn này là xong nhưng mà dịch lại bùng phát và nếu thêm vài đợt nữa thì mỏi lắm và mỏi là buông tay thôi”.

Nhiều chính sách và các hướng hỗ trợ từ năm 2020 đã được đưa ra, cần thiết không? – cần! Đúng đắn không? – đúng! nhưng trúng chưa, hiệu quả chưa? thì phải thẳng thắn là còn nhiều hạn chế.

Chính bởi vậy nên tôi rất kỳ vọng vào những chuyển biến chính sách trên thực tế sau Hội nghị ngày 8/8 của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, một cuộc đối thoại trên cơ sở “đánh giá – giải pháp – thiết thực – hiệu quả”.

Thẳng thắn mà nói, doanh nghiệp có khỏe, đời sống người lao động được đảm bảo, đất nước mới ổn định và phát triển bền vững. Trong lúc khó khăn, doanh nghiệp cần động viên và họ cần hơn bàn tay kéo họ đứng lên, từ khâu cấp vốn, khâu giải quyết thủ tục đến những biện pháp hoãn, giãn nợ… Chủ trương đúng rồi, vậy chính sách triển khai trên thực tế ra sao, thực hiện đến đâu cũng quan trọng không kém.

Sự khẳng định của người đứng đầu Chính phủ khi chia sẻ và thấu hiểu với thực trạng không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường – chừng đó phần nào để các doanh nhân, doanh nghiệp vững tin rằng, dù là khó, nhưng họ không đơn độc, không phải loay hoay một mình, các cấp, các ngành đều đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc. Mục tiêu cuối cùng: doanh nghiệp sống được và sống khỏe!

Nếu thường xuyên đọc báo Dân Trí, độc giả có thể thấy sự nỗ lực và chủ động của ngành lao động thương binh và xã hội trong việc đưa Nghị quyết 68 vào cuộc sống, cập nhật thường xuyên việc triển khai trên thực tế tại từng địa phương, chi tiết đến từng giải pháp và nội dung.

Tại cuộc họp trực tuyến với 63 điểm cầu trong cả nước về tình hình thực hiện Nghị Quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định nguồn vốn 7.500 tỷ đồng dùng để cho vay nếu giải ngân hết là điều mừng: “Nếu hết, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ xem xét tái cấp vốn tiếp”.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ có phương án gặp doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề để bàn sâu hơn, có giải pháp phù hợp hơn.

Sự chủ động lắng nghe này thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm giữ được thành trì kinh tế trước tác động tiêu cực của đại dịch, vốn đang ngày càng diễn biến phức tạp hơn với nhiều chủng mới xuất hiện.

Khi có sự quyết tâm, khi đã thực sự lắng nghe, tôi tin không có gì không làm được, không tháo gỡ được cả!

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích