Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 19/1

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 của Hoá chất Đức Giang, FPT, Bột giặt LIX, chứng khoán FPT, VCI,…và diễn biến kinh tế tác động đến thị trường chứng khoán.

Hoạt động doanh nghiệp niêm yết

* FTS: Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán FPT (FPTS) công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với doanh thu sụt giảm 39% so với cùng kỳ năm trước, đạt 218 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, FPTS lãi sau thuế 91 tỷ đồng, giảm 48% so với thực hiện trong quý IV/2021.

* VCI: CTCP chứng khoán Bản Việt (VCSC) công bố báo cáo tài chính quý IV/2022. Doanh thu hoạt động giảm 30% so với cùng kỳ xuống 796 tỷ đồng, đáng chú ý là doanh thu tư vấn tài chính giảm 97% từ 233 tỷ xuống còn 7 tỷ đồng.

* BSI: CTCP Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) ghi nhận doanh thu sụt giảm ở nhiều mảng. Lãi sau thuế của công ty giảm gần 80%, còn 16,2 tỷ đồng. Tổng tài sản của BSI cuối năm 2022 ở mức gần 5.600 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Số dư cho vay của công ty giảm 10%, về còn 2.900 tỷ đồng.

* FPT: CTCP FPT công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với doanh thu đạt 44.017 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.654 tỷ đồng. FPT hoàn thành vượt 4% mục tiêu doanh thu và về đích chỉ tiêu lợi nhuận. Khối công nghệ tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 58% doanh thu và 45% lợi nhuận trước thuế của toàn Tập đoàn, tương đương 25.521 tỷ đồng và 3.421 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 23,1% và 22,2% so với năm trước.

* DGC: CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang công bố chỉ số kinh doanh quý IV/2022. Lợi nhuận luỹ kế đạt 2.828 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số năm 2021 là 559 tỷ đồng.

* LIX: CTCP Bột giặt LIX công bố báo cáo tài chính năm 2022 với doanh thu và lợi nhuận tăng. Luỹ kế cả năm 2022, LIX đạt doanh thu thuần 2.815 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 213 tỷ đồng.

* HUT: CTCP Tasco thông qua việc điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu thông qua ngày 26/4/2022. Tổng số tiền huy động dự kiến là 1.162,1 tỷ đồng.

* MSB: CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản Thành Vinh, cổ đông của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) bán ra 10,44 triệu cổ phiếu MSB trong ngày 13/1. Tỷ lệ sở hữu tại MSB giảm xuống còn hơn 92,63 triệu cổ phiếu, chiếm 4,66%.

Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 19/1
Diễn biến thị trường phiên 18/1

Sự kiện kinh tế đáng chú ý

* Kết thúc phiên giao dịch 18/1, VN-Index tăng 9,99 điểm (+0,92 %) lên 1.098,28 điểm. HNX-Index tăng 2,58 điểm lên 217,73 điểm và UPCoM-Index tăng 0,58 điểm lên 73,54 điểm. Thanh khoản trên HoSE giảm 13% so với phiên trước với giá trị khớp lệnh đạt 9.384 tỷ đồng; tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt 10.238 tỷ đồng.

* Tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục mua ròng 71,3 tỷ đồng và là phiên thứ 4 mua ròng liên tiếp.

* Theo số liệu mới được công bố bởi Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 1/2023 (từ ngày 1/1 đến ngày 15/1/2023) đạt 28,2 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14,4 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 13,7 tỷ USD.

Xét theo mặt hàng xuất khẩu, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cán mốc tỷ USD như: Điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 2,68 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 1,83 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác ước đạt 1,71 tỷ USD; hàng dệt may ước đạt 1,56 tỷ USD; giày dép đạt 1,02 tỷ USD.

* Theo Tờ trình của Bộ Công Thương về Đề án Tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến 2030 gửi Chính phủ, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030.

* Báo Ấn Độ: Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành trung tâm công nghiệp ở châu Á. Nền kinh tế Việt Nam bùng nổ, đạt mức tăng trưởng 8,02%/năm, nhanh hơn các nền kinh tế khác ở châu Á. Kim ngạch xuất khẩu đạt 372 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021.

* Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%.

* Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. OPEC dự kiến tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chậm lại trong năm nay xuống 2,2 triệu thùng/ngày từ 2,5 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Tổ chức này dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ ở mức trung bình 101,8 triệu thùng/ngày trong năm nay, so với mức 99,6 triệu thùng/ngày trong trong năm 2022.

* Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ mức 3,2% vào năm ngoái xuống còn 2,7% trong năm nay.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích