Sử dụng tiêu chí nào để đánh giá tiềm năng thương mại hoá sáng chế?
Theo Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ KH&CN), sáng chế có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển khoa học và kinh tế – xã hội. Song trên thực tế, không phải sáng chế nào được cấp bằng bảo hộ độc quyền cũng đều có khả năng ứng dụng. Để đưa sáng chế vào ứng dụng trong thực tiễn và mang lại lợi nhuận cho chủ sở hữu, cần xem xét đánh giá tính khả thi của sáng chế. Việc xây dựng các tiêu chí đánh giá tiềm năng ứng dụng, thương mại hoá sáng chế có thể được thực hiện theo nhiều cách với các tiêu chí khác nhau tùy thuộc vào quan điểm của từng nhà nghiên cứu.
Có thể thấy rằng, việc ứng dụng, thương mại hoá sáng chế thành công hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chính vì vậy cần có đánh giá sơ bộ về sáng chế trước khi đưa ra quyết định ứng dụng. Việc xây dựng một hệ thống tiêu chí giúp hoàn thiện hơn việc đánh giá này cũng như giảm thiểu các rủi ro không đáng có trong quá trình ứng dụng, thương mại hoá sáng chế là rất cần thiết. Trên cơ sở đó, một bộ tiêu chí đánh giá tiềm năng ứng dụng, thương mại hoá sáng chế được đề xuất theo 3 nhóm tiêu chí lớn, gồm:
Nhóm tiêu chí về kỹ thuật/công nghệ bao gồm các tiêu chí thành phần liên quan đến đặc trưng kỹ thuật/công nghệ của sáng chế như: khả năng xuất hiện của các sáng chế tương tự trên thị trường; tính ưu việt của sáng chế trong việc hoàn thiện sản phẩm, công nghệ hiện có; khả năng dễ dàng sao chép, giải mã mức độ phức tạp khi đưa sáng chế vào ứng dụng; mức độ sử dụng hạ tầng hiện có khi ứng dụng, thương mại hoá sáng chế; khả năng tương thích của sáng chế; phạm vi, quy mô ứng dụng sáng chế; tốc độ lỗi thời của sản phẩm, công nghệ khi ứng dụng sáng chế; lợi thế cạnh tranh cốt lõi về kỹ thuật khi ứng dụng sáng chế.
Ảnh minh hoạ
Mục tiêu của nhóm tiêu chí này nhằm xác định khi đưa sáng chế vào ứng dụng thì sáng chế đó có dễ bị sao chép hay không, ưu điểm của sáng chế là gì, quy mô ứng dụng sáng chế ra sao, đồng thời xác định được tốc độ lỗi thời của sáng chế, từ đó đưa ra những đánh giá về khả năng áp dụng sáng chế vào thực tiễn
Nhóm tiêu chí về kinh tế/thương mại bao gồm các tiêu chí thành phần liên quan đến khía cạnh kinh tế và thương mại của sáng chế như: sự cạnh tranh trong ngành mà sáng chế được ứng dụng; lợi ích khi ứng dụng sáng chế; các loại chi phí khi ứng dụng sáng chế; khả năng huy động nguồn lực để áp dụng sáng chế, làm chủ công nghệ; kỳ vọng lợi nhuận từ việc ứng dụng sáng chế; quy mô thị trường đối với công nghệ của sáng chế hoặc sản phẩm của nó; khả năng chiếm lĩnh thị trường của sản phẩm/công nghệ do ứng dụng sáng chế; lợi thế cạnh tranh cốt lõi về mặt thương mại khi ứng dụng sáng chế; tác động đối với sự phát triển của nền kinh tế/ngành công nghiệp từ việc áp dụng sáng chế.
Mục tiêu của nhóm tiêu chí này nhằm xác định khi đưa sáng chế vào ứng dụng thì liệu kỳ vọng lợi nhuận của sáng chế như thế nào, có khả năng chiếm lĩnh thị trường hay không hoặc xem xét các chi phí khi áp dụng sáng chế, từ đó sẽ xác định được nếu ứng dụng sáng chế vào thực tiễn thì khả năng sinh lời từ sáng chế có đạt được như mong muốn của chủ sở hữu hay không?
Nhóm tiêu chí khác bao gồm các tiêu chí thành phần về tiêu chuẩn ứng dụng, tác động đến lợi ích xã hội nói chung và rủi ro như: các tiêu chuẩn ứng dụng cho công nghệ; lợi ích xã hội và tác động của công nghệ hoặc sản phẩm của nó; rủi ro về việc giải mã, khai thác sáng chế (về kỹ thuật/công nghệ); các rủi ro trong toàn bộ quá trình phân tích tính kinh tế/thương mại; rủi ro từ môi trường chính trị, pháp lý, kinh tế; rủi ro trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức, kiểm soát và phối hợp trong hoạt động thương mại hóa sáng chế.
Mục tiêu của nhóm tiêu chí này là xem xét các khía cạnh khác của sáng chế xem sáng chế đó có đem lại lợi ích cho cộng đồng hay không và nếu ứng dụng thì sẽ theo tiêu chuẩn nào, cũng như cách thức kiểm soát các rủi ro.
Bảo Lâm