Sử dụng tàu thuyền quá hạn sẽ bị phạt tiền từ 65-75 triệu đồng

Sử dụng tàu thuyền quá hạn sẽ bị phạt tiền từ 65-75 triệu đồng

Luật Đồng –  Thứ bảy, 08/01/2022 08:42 (GMT+7)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 139/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; trong đó, quy định khai thác, sử dụng tàu thuyền quá niên hạn sử dụng theo quy định bị phạt tiền từ 65-75 triệu đồng.

tm-img-alt
Khai thác, sử dụng tàu thuyền quá niên hạn bị phạt tới 75 triệu đồng

Cụ thể, Nghị định số 139/2021/NĐ-CP áp dụng mức phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi:

Không có biển hiệu theo quy định, áp dụng đối với phương tiện chở khách du lịch; không có Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo quy định; sử dụng giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị tẩy, xóa, sửa chữa hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp theo định; không đăng ký lại phương tiện theo quy định hoặc không khai báo để xóa tên phương tiện hoặc khai báo không đúng sự thật để đăng ký phương tiện theo quy định.

Phạt tiền đến 1 triệu đồng đối với hành vi không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân theo quy định, mức phạt tính trên mỗi áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân.

Đối với hành vi: Không có phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định; không có đủ điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy hoặc không có phương án chữa cháy theo quy định bị phạt từ 5-7 triệu đồng.

Lái tàu thuyền có nồng độ cồn bị phạt tới 35 triệu đồng

 Nghị định 139 cũng quy định mức phạt đối với các vi phạm về trách nhiệm của chủ phương tiện, người thuê phương tiện.

Cụ thể, chủ phương tiện nhận, sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện hoạt động hoặc không đủ định biên theo quy định; nhận, sử dụng thuyền viên làm việc trên phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Mức phạt từ 20-35 triệu đồng áp dụng đối với hành vi vi phạm: Cho thuê phương tiện không đủ điều kiện hoạt động theo quy định; cho người khác thuê lại phương tiện, thuyền viên trên phương tiện thuê (trừ trường hợp được chủ phương tiện đồng ý bằng văn bản); sử dụng phương tiện thuê làm tài sản thế chấp.

Các thuyền viên, người lái phương tiện đang trong ca trực mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn sẽ bị phạt tới 35 triệu đồng.

Ý thức kém, tâm lý cả nể khi gặp bạn bè sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài khiến nhiều người đã sử dụng rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện, gây nguy hiểm cho bản thân và nhiều người tham gia giao thông khác. Trước tình hình trên, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy cần phải “mạnh tay” xử lý các trường hợp vi phạm để ngăn ngừa tai nạn giao thông./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích