Sử dụng kem dưỡng ẩm trong thời tiết hanh khô cần lưu ý điều gì?

Kem dưỡng ẩm là sản phẩm chăm sóc da luôn nằm trong chu trình dưỡng da hằng ngày của phái đẹp. Nó giúp duy trì độ ẩm cho da, giúp da mềm mại, mịn màng, khỏe mạnh và tối ưu hiệu quả của những bước dưỡng da khác.

Thời tiết mùa đông lạnh giá có thể tàn phá làn da. Do nhiệt độ giảm thấp và thiếu độ ẩm, làm tổn thương hàng rào bảo vệ da, khiến da khó giữ được độ ẩm dẫn đến tăng mất nước và dễ bị tổn thương. Kết quả là da trở nên thô ráp, bong tróc, ngứa, nứt nẻ và đẩy nhanh quá trình lão hoá.

Ngoài ra, việc tiếp xúc với không khí khô, lạnh có thể khiến các nếp nhăn trở nên rõ ràng hơn, thúc đẩy các bệnh lý có sẵn trên da, chẳng hạn như viêm da cơ địa…

Kem dưỡng ẩm ngăn ngừa sự mất nước và giữ ẩm, giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da, là bước đầu tiên rất quan trọng trong việc chống lại tình trạng da khô trong thời tiết lạnh.

Tẩy trang kỹ càng

Hàng ngày, da mặt của phái đẹp ngoài lớp trang điểm còn phải chịu nhiều tác động từ môi trường như khói bụi, ánh nắng, độ ẩm môi trường… khiến làn da chịu áp lực rất lớn và trở nên dễ bị tổn thương. Việc làm sạch da cực kỳ quan trọng để da khỏe mạnh và cần phải thực hiện hiệu quả bước làm sạch này.

Da mặt cần được làm sạch kỹ lưỡng để loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn và tế bào chết trước khi thoa kem dưỡng ẩm, từ đó giúp da dễ dàng hấp thu dưỡng chất. Nếu không làm sạch da, các tạp chất sẽ cản trở kem dưỡng ẩm tiếp xúc với bề mặt da, dẫn đến bít tắc lỗ chân lông và xuất hiện mụn.

Ảnh minh họa

Chọn kem dưỡng ẩm phù hợp với từng loại da

Mỗi loại da có nhu cầu dưỡng ẩm khác nhau. Da khô cần kem dưỡng ẩm có khả năng cấp ẩm sâu, da dầu cần kem dưỡng ẩm dạng gel hoặc lotion mỏng nhẹ, da nhạy cảm cần kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, không chứa hương liệu và chất tạo màu,… Nếu chọn sai sản phẩm có thể khiến da không được cung cấp đủ độ ẩm hoặc thậm chí gây ra các vấn đề về da như mụn, viêm và kích ứng.

Thoa kem dưỡng ẩm quá dày và nhiều lớp

Thực tế, thoa nhiều kem dưỡng ẩm không liên quan tới việc da trở nên căng mướt và đủ ẩm. Thoa quá nhiều kem dưỡng ẩm sẽ khiến da bị “quá tải”. Điều này khiến các lỗ chân lông bị bít tắc dễ gây ra tình trạng mụn ẩn. Để thoa đủ lượng kem dưỡng ẩm cần thiết, bạn có thể áp dụng phương pháp đo bằng đầu ngón tay. Phương pháp đo bằng đầu ngón tay được xác định với bàn tay người lớn cùng đầu bơm sản phẩm kích cỡ tiêu chuẩn là 5mm.

Một đơn vị ngón tay (FTU) được quy định là lượng sản phẩm tính từ đầu ngón tay tới nếp gấp giữa đốt ngón tay thứ nhất và thứ hai của ngón tay trỏ. Theo quy ước, đơn vị này không được tính cho serum và lotion do kết cấu và đặc tính sản phẩm khác nhau. Lượng kem dưỡng ẩm dùng cho mặt tương đương với 1.0 FTU – 1 đơn vị ngón tay (tương đương 1.2g). Theo đó, lượng kem dưỡng ẩm dùng cho cổ và ngực trên là 1.2 FTU (tương đương 1.2g).

Nên bổ sung kem dưỡng ẩm vào quy trình dưỡng da hàng ngày

Độ ẩm tự nhiên của da sẽ giảm dần theo thời gian. Khi bạn bước sang tuổi 25, các chức năng sẽ dần yếu đi, da bắt đầu lão hóa và trở nên kém đàn hồi cũng như dễ bị tấn công bởi các nhân tố gây hại. Do đó, để tăng cường cũng như duy trì khả năng giữ ẩm tự nhiên cho da căng bóng và mịn màng, bạn cần bổ sung ngay vào quy trình chăm sóc da hàng ngày một sản phẩm kem dưỡng ẩm phù hợp.

Nên dùng cả kem dưỡng ẩm cho da dầu

Một sai lầm phổ biến đó là không sử dụng kem dưỡng ẩm cho da dầu vì cho rằng da dầu đã đủ ẩm rồi. Tuy nhiên, thực tế da dầu mới là làn da cần được dưỡng ẩm nhiều nhất. Khi lượng nước trong da mất cân bằng, da dầu sẽ kích thích tuyến bã nhờn tiết dầu nhiều hơn để thay thế nước cho da được ẩm hơn. Chính vì thế da dầu thường gặp tình trạng bóng loáng và nhiều nhờn. Điều này khiến người sở hữu làn da dầu rất e ngại khi sử dụng kem dưỡng ẩm vì sợ tình trạng bết dính trên da. Nên ưu tiên lựa chọn các loại cấp ẩm dạng gel, lotion. Hai kết cấu này phù hợp với da dầu vì độ dịu nhẹ cũng như thẩm thấu vô cùng nhanh trên da. Cung cấp lượng nước vừa đủ giúp duy trì độ ẩm lý tưởng cho da và không để lại cảm giác bết rít hay nặng mặt.

Không nên massage quá mạnh khi thoa dưỡng ẩm

Việc massage trên da quá mạnh sẽ vô tình làm lớp bảo vệ tự nhiên trên da bị yếu đi, khiến da có nguy cơ bị chảy xệ và xuất hiện các nếp nhăn. Bởi vậy, khi thoa kem dưỡng ẩm, bạn nên thoa theo hướng từ trong ra ngoài và từ dưới lên trên theo cách thật nhẹ nhàng để tránh tình trạng da bị chảy xệ.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13634:2023 (ISO 17516:2014) về Mỹ phẩm – Vi sinh vật – Giới hạn vi sinh vật

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13634:2023 hoàn toàn tương đương với ISO 17516:2014. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13634:2023 do Viện Kiểm nghiệm Thuốc thành phố Hồ Chí Minh biên soạn, Bộ Y tế đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Mọi nhà sản xuất mỹ phẩm đều có trách nhiệm đến an toàn vi sinh vật và chất lượng sản phẩm của mình để đảm bảo các sản phẩm được sản xuất trong điều kiện vệ sinh tốt. Mặc dù sản phẩm mỹ phẩm không yêu cầu vô khuẩn, nhưng chúng không được phép có quá nhiều vi sinh vật cũng như các vi sinh vật chỉ định mà có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hoặc sự an toàn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số sản phẩm mỹ phẩm được coi là có nguy cơ vi sinh thấp (TCVN 13641:2023 (ISO 29621)) có thể không cần phải kiểm tra vi sinh thường xuyên và nhà sản xuất có thể quyết định không thử nghiệm nếu họ có thể đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn này.

Do đó nhà sản xuất nên tuân thủ các nguyên tắc thực hành sản xuất tốt (GMP), ISO 22716 và phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để hạn chế sự xâm nhập của vi sinh vật từ nguyên liệu thô, quá trình chế biến và đóng gói. Mục tiêu của tiêu chuẩn này là xây dựng các mức giới hạn định lượng và định tính vi sinh vật có thể chấp nhận được đối với các thành phẩm mỹ phẩm.

 Khánh Mai (t/h) 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích