Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả phải được hình thành từ ý thức mỗi cá nhân, tổ chức
(Xây dựng) – Nhằm đạt mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025, phấn đấu hằng năm toàn quốc tiết kiệm tối thiểu từ 2% tổng điện năng tiêu thụ quốc gia, thì toàn thể nhân dân phải có trách nhiệm trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Các hoạt động tiết kiệm điện phải được thực hiện thường xuyên liên tục tạo nên ý thức tự giác trong mọi hoạt động của xã hội…
Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả phải được hình thành từ ý thức mỗi cá nhân, tổ chức. (ảnh minh họa) |
Báo cáo của Bộ Công Thương về việc tổ chức triển khai Chương trình Tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 cho thấy, trong hơn hai năm qua, mặc dù bị tác động không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, song, Bộ Công Thương đã phối hợp với các tổ chức, cơ quan liên quan thực hiện nhiều chương trình cụ thể. Tuy nhiên, chặng đường qua cũng gặp không ít thách thức.
Tồn tại hạn chế đầu tiên được Bộ Công Thương chỉ ra là do giá điện hiện tại của nước ta còn thấp, chi phí điện năng trong cơ cấu sản xuất còn thấp dẫn đến nhận thức của người dân và doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả còn chưa đồng đều. Cùng với đó là công tác quản lý giám sát sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả tại nhiều đơn vị cơ quan tổ chức còn chưa được quan tâm đúng mức, chưa sát sao trong tổ chức thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện.
Cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả còn thiếu và chưa tạo ra được động lực đối với người dân, doanh nghiệp và cộng đồng. Trình độ công nghệ kỹ thuật thiết bị, việc quản lý sử dụng trong các ngành lĩnh vực sản xuất còn hạn chế, dẫn đến mức tiêu thụ điện tiêu hao nhiên liệu cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm và chưa thực sự theo hướng sử dụng năng lượng có hiệu quả.
Khó khăn đáng kể nữa là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến hiệu quả sử dụng điện sử dụng năng lượng ở khu vực sản xuất bị ảnh hưởng suy giảm. Tiêu thụ điện dân dụng tăng mạnh do chế độ làm việc và học tập online tại nhà. Theo tính toán của Bộ Công Thương, trong giai đoạn này nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm, trong khi đó tốc độ xây dựng các nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu tăng cao lại đang bị chậm công suất đưa vào chỉ đạt 53% so với quy hoạch điện 7 điều chỉnh.
Việc đảm bảo cung cấp điện sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Vì vậy, song song với việc khai thác nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế – xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Theo Bộ Công Thương để triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đạt mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025, phấn đấu hằng năm toàn quốc tiết kiệm tối thiểu từ 2% tổng điện năng tiêu thụ quốc gia, thì toàn thể nhân dân các tổ chức cá nhân phải có trách nhiệm trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Các hoạt động tiết kiệm điện phải được thực hiện thường xuyên liên tục tạo nên ý thức tự giác trong mọi hoạt động của xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững. Bộ Công Thương cũng đã cùng các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chỉ tiêu hằng năm cho các lĩnh vực trong giai đoạn này như: Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6,5%; xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện trong điện chiếu sáng công cộng phải đảm bảo tối thiểu tiết kiệm 20% tổng điện năng tiêu thụ; trong lĩnh vực thương mại dịch vụ du lịch tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp tiết kiệm tối thiểu 2% và lĩnh vực dân dụng tiết kiệm tối thiểu 2,5% tổng điện năng tiêu thụ.
Bộ Công Thương nhấn mạnh đến ba giải pháp chính đó là: Giải pháp cải thiện hành vi sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả của người dân; giải pháp kỹ thuật công nghệ phục vụ tiết kiệm điện; giải pháp về triển khai ứng dụng mô hình sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ định kỳ tổ chức họp rà soát đánh giá việc triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 và Chương trình tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để mạnh công tác kiểm tra đôn đốc thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện nói riêng và các giải pháp tiết kiệm năng lượng nói chung, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 20. Chỉ đạo Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn về cơ chế tài chính để các Bộ, ban, ngành và các địa phương có căn cứ trong việc lập kế hoạch bố trí kinh phí và triển khai các chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Giao Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan, rà soát bổ sung xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật về hiệu suất năng lượng đối với các thiết bị tiêu thụ điện. Từ thực tế triển khai Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ hơn hai năm qua, Bộ Công Thương cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cải thiện hành vi sử dụng điện, năng lượng đối với từng nhóm đối tượng cụ thể với nhiều hình thức khác nhau; xây dựng và tổ chức triển khai các quy tắc xã hội tổ chức triển khai các quy tắc xã hội cộng đồng, nội quy, quy định về sử dụng điện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong từng cơ quan tổ chức doanh nghiệp; tổ chức công bố rộng rãi định kỳ kết quả thực hiện tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng của các tổ chức, đơn vị trực thuộc; xây dựng và tuyên truyền lối sống tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng đến hộ gia đình, phát động phong trào gia đình tiết kiệm điện tại khu dân cư
Về các giải pháp công nghệ kĩ thuật phục vụ tiết kiệm điện tiết kiệm năng lượng, cần xây dựng và lồng ghép triển khai chương trình tài trợ cho các nghiên cứu triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và chương trình kế hoạch nghiên cứu khoa học công nghệ tại các Bộ, ngành địa phương. Phát động phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật tiết kiệm điện tại các cơ sở kinh doanh.
Về dài hạn, Chính phủ cần ban hành cơ chế tài chính khuyến khích hỗ trợ các đối tượng sử dụng điện, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng; thực hiện đầu tư nâng cấp, thay thế áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất kinh doanh; chỉ đạo xây dựng và vận hành thí điểm Quỹ hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Quyết định số 280 của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn: Báo xây dựng