Sử dụng công nghệ tạo mưa để phòng cháy đất than bùn tại Indonesia
Sử dụng công nghệ tạo mưa để phòng cháy đất than bùn tại Indonesia
Theo dõi MTĐT trên
Chính quyền Indonesia đang tìm cách dùng công nghệ điều chỉnh thời tiết tạo mưa nhân tạo để ngăn chặn cháy đất than bùn trong mùa khô sắp tới.
Hãng thông tấn Antara dẫn lời người đứng đầu Cơ quan phục hồi rừng ngập mặn và đất than bùn (BRGM) Hartono cho biết họ sẽ làm việc với Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia (BNPB) cải thiện trữ lượng nước bằng mưa nhân tạo.
“Ở các địa điểm dễ cháy chúng tôi sẽ cùng BNPB triển khai công nghệ điều chỉnh thời tiết như một nỗ lực bổ sung trữ lượng nước”, ông Hartono nói. Truyền thông Indonesia giới thiệu công nghệ này phun lượng mây mang natri clorua để gây ngưng tụ và tạo mưa ngay lập tức.
Địa điểm dễ cháy trải rộng khắp các tỉnh Riau, Jambi, Nam Sumatra, Tây Kalimantan, Trung Kalimantan, Nam Kalimantan, Papua. BRGM sẽ cập nhật tình hình thời tiết cho chính quyền địa phương. Bên cạnh BNPB, BRGM còn hợp tác với Cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý (BMKG) cùng Cơ quan nghiên cứu – đổi mới quốc gia (BRIN).
Động thái bảo vệ đất than bùn bằng mưa nhân tạo là biện pháp phòng ngừa hiện tượng La Nina. Vùng đất than bùn thoát nước bằng kênh đào có khả năng bị thoát nước quá mức trong mùa khô, khiến chúng dễ bị hỏa hoạn.
Theo ông Hartono, Indonesia thực hiện hoạt động điều chỉnh thời tiết hằng năm nhằm giảm nhẹ thiên tai, năm 2021 từng thực hiện ở 4 tỉnh Riau, Nam Sumatra, Tây Kalimantan, Jambi. Công nghệ điều chỉnh thời tiết giúp lượng mưa tăng từ 2 – 69%.
Tháng trước, Bộ trưởng Môi trường Siti Nurbaya Bakar cảnh cáo doanh nghiệp nào gây cháy rừng sẽ bị phạt nặng. Bộ trưởng Các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Mohammad Mahfud Mahmodin kêu gọi các đơn vị quản lý rừng hỗ trợ việc xử lý cháy rừng.
BMKG dự báo nguy cơ cháy rừng tăng cao khi Indonesia bước vào mùa khô từ tháng 4 đến tháng 5. Năm 2023 sẽ ghi nhận thời tiết khô hạn nhất kể từ năm 2019 bởi La Nina suy yếu.
Trong 3 năm 2019, 2021 và 2022, diện tích rừng bị cháy lần lượt là 1,64 triệu hecta, 358.864 hecta và 204.896 hecta. Cháy rừng tại Indonesia thường tạo ra lượng khói mù lớn lan khắp Đông Nam Á.
Thiên Bảo (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị