Sử dụng công nghệ AI để dự đoán nguy cơ mắc bệnh tim
Cụ thể, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Anh, Trung Quốc, Pháp, Mỹ và Bỉ đã công bố một máy scan mắt AI (trí tuệ nhân tạo) có thể dự đoán chính xác nguy cơ mắc bệnh tim của một người trong vòng chưa đầy một phút.
Theo nghiên cứu lớn nhất thế giới về loại hình này, bước đột phá có thể cho phép các bác sĩ nhãn khoa và nhân viên y tế thực hiện tầm soát tim mạch mà không cần xét nghiệm máu hoặc kiểm tra huyết áp.
Khi kết hợp với số liệu thống kê nhân khẩu học cơ bản như tuổi và giới tính, AI đã dự đoán khả năng đau tim của bệnh nhân trong vòng 12 tháng tới với độ chính xác từ 70% đến 80%. Kết quả này có thể mở ra tương lai thực hiện xét nghiệm không xâm lấn cho những người có nguy cơ mắc bệnh tim từ trung bình đến cao mà không cần đến phòng khám.
Công nghệ AI có thể có thể dự đoán nguy cơ bệnh tim qua võng mạc
GS Alicja Rudnicka – chuyên gia dịch tễ học thống kê tại Trường ĐH St George’s thuộc ĐH London, trưởng nhóm nghiên cứu – cho biết: “Công cụ AI này có thể dự báo mức độ rủi ro của một người trong vòng 60 giây hoặc ít hơn. Nếu nguy cơ mắc bệnh cao hơn dự kiến, họ có thể được kê toa statin hoặc đề nghị một biện pháp can thiệp khác”.
Phát biểu tại một hội nghị về sức khỏe ở Copenhagen – Đan Mạch, GS Rudnicka nói thêm: “Điều này có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và cứu sống bệnh nhân”.
Các nhà nghiên cứu đã phát triển một công cụ hỗ trợ AI hoàn toàn tự động có tên là Quartz để đánh giá hình ảnh mạch máu võng mạc.
Họ đã sử dụng công cụ này để quét hình ảnh từ 88.052 người tham gia Ngân hàng sinh học ở Anh trong độ tuổi từ 40 đến 69. Các nhà nghiên cứu đã xem xét cụ thể chiều rộng, diện tích mạch, mức độ cong của các động mạch và tĩnh mạch trong võng mạc để kết hợp dự đoán nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong.
Sau đó, họ tiếp tục tiến hành thử nghiệm với 7.411 người khác từ 48 đến 92 tuổi ở châu Âu tham gia dự án nghiên cứu về bệnh ung thư (Epic)-Norfolk.
Sức khỏe của những người này được theo dõi trung bình từ 7 đến 9 năm. Ở nam giới, chiều rộng, độ cong, sự thay đổi chiều rộng của tĩnh mạch và động mạch trong võng mạc góp phần dự báo nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.
Ở phụ nữ, diện tích và chiều rộng động mạch, độ cong và chiều rộng của tĩnh mạch cũng như sự thay đổi chiều rộng là các yếu tố chính. Công cụ AI khai thác dữ liệu từ những người tham gia bao gồm tiền sử hút thuốc, sử dụng thuốc điều trị huyết áp cao và các cơn đau tim trước đó.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy dữ liệu võng mạc do Quartz tính toán có liên quan đáng kể đến bệnh tim mạch, tử vong và đột quỵ. Hiệu suất dự đoán tương tự với điểm số rủi ro lâm sàng Framingham.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Dự đoán rủi ro bằng cách đo mạch do AI hỗ trợ hoàn toàn tự động, chi phí thấp, không xâm lấn và có khả năng tiếp cận với người dân cao hơn vì dễ thực hiện ở những nơi công cộng mà không cần lấy mẫu máu hoặc đo huyết áp”.
Trong một bài viết, TS Ify Mordi và GS Emanuele Trucco thuộc Trường ĐH Dundee (Scotland) – những người không tham gia vào nghiên cứu – nhận xét ý tưởng về việc kiểm tra sức khỏe tim mạch bằng AI “chắc chắn là hấp dẫn và trực quan”.
Hai chuyên gia này bổ sung: “Kết quả này củng cố bằng chứng của một số nghiên cứu tương tự, theo đó võng mạc có thể là nguồn thông tin hữu ích và giúp ngăn ngừa các nguy cơ về bệnh tim mạch trong y học cá nhân hóa”.
Các bệnh tuần hoàn bao gồm bệnh tim mạch, bệnh mạch vành, suy tim và đột quỵ là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng sức khỏe kém và tử vong trên toàn thế giới. Riêng bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong phổ biến nhất trên toàn cầu.
Bảo Linh