Sự đối nghịch trong thị trường văn phòng toàn cầu

Tỷ lệ văn phòng trống ở Bắc Mỹ đang ở mức cao, thậm chí có nơi còn chạm ngưỡng kỷ lục. Trong khi đó, các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương lại cho thấy xu hướng ngược lại.

Sự đối nghịch trong thị trường văn phòng toàn cầu
Tỷ lệ văn phòng trống tại một số thành phố ở Mỹ đã liên tục tăng lên trong năm nay. Ảnh: Bloomberg.

Khoảng 56% nhân viên làm việc toàn thời gian tại Mỹ, tương ứng với 70 triệu người, cho rằng họ có thể hoàn thành công việc từ xa mà không cần tới văn phòng. Tương tự, con số được ghi nhận tại Đức là 51% và tại Anh là 42%, theo báo cáo của Savills Impacts.

Mặt khác, số liệu còn cho thấy mức độ sử dụng văn phòng trung bình tại châu Á là 86%, tính đến tháng 3 năm nay. Trong khi đó, ở khu vực châu Âu, con số này chỉ vào khoảng 61% và tại Mỹ là 48%.

Những con số đối lập

Tại thị trường Bắc Mỹ, tỷ lệ văn phòng trống đang có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Đơn cử như San Francisco, trước đại dịch Covid-19, thành phố này từng là nơi có tỷ lệ văn phòng trống thấp nhất nước Mỹ với chỉ 9,5%. Tuy nhiên, đến năm nay, tỷ lệ văn phòng trống tại đây đã lên tới 30%, mức cao kỷ lục trong vòng 30 năm.

“Tỷ lệ trống này còn cao hơn cả thời điểm bong bóng Dotcom năm 2000 và khủng hoảng tài chính năm 2008. Với mức độ sử dụng thấp, hầu hết tòa nhà tại San Francisco chỉ hoạt động bằng khoảng 30% công suất tối đa”, ông Michael McCandless, Giám đốc điều hành Savills San Francisco, chia sẻ.

Sự đối nghịch trong thị trường văn phòng toàn cầu
Xu hướng làm việc tại nhà đã trở nên phổ biến hơn sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg.

Lý giải việc tỷ lệ trống tăng vọt, ông Micheal cho biết hiện nhiều khách thuê trong lĩnh vực công nghệ đã xem xét lại nhu cầu làm việc tại văn phòng và quy mô nhân sự. Các doanh nghiệp này đang buộc phải xoay xở để thích ứng với tình hình kinh tế và đáp ứng mô hình làm việc mà nhân viên ưa thích.

Trong khi đó, tại châu Á – Thái Bình Dương (APAC), nhu cầu thuê văn phòng được dự đoán có xu hướng tăng với tỷ lệ mặt bằng văn phòng trống ở mức thấp. Trong những tháng đầu năm nay, Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) và TP.HCM là 3 thành phố có tỷ lệ văn phòng trống thấp nhất khu vực với chỉ dưới 4%.

Động lực chính cho xu hướng này là việc nền kinh tế các nước trong khu vực đang trong giai đoạn tăng trưởng, kéo theo nhu cầu thuê văn phòng gia tăng. Thêm vào đó, văn hóa làm việc yêu cầu tương tác và kết nối trực tiếp tại các quốc gia châu Á đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng văn phòng khi nhân viên đi làm trở lại.

Đối với khu vực châu Âu, thị trường này lại nằm ở giữa hai xu hướng. Tỷ lệ mặt bằng trống tại lục địa già khoảng 13,7%, thấp hơn thị trường Mỹ. Tuy nhiên, châu Âu vẫn đang chứng kiến xu hướng tăng trong vài tháng trở lại đây do nhân sự ngày càng ưa chuộng phương thức làm việc kết hợp.

Sự khác biệt của châu Á

Theo các chuyên gia, sự khác biệt trong nhu cầu thuê văn phòng xuất phát từ đà phát triển kinh tế không đồng nhất của các quốc gia sau đại dịch, văn hóa làm việc, cơ sở hạ tầng và các yếu tố nhân khẩu học.

Đối với riêng châu Á, ông James MacDonald, Giám đốc cấp cao tại Savills Trung Quốc, cho biết văn hóa làm việc tại văn phòng được đẩy mạnh khi các doanh nghiệp khuyến khích nhân viên tương tác trực tiếp với nhau tại công sở.

Sự đối nghịch trong thị trường văn phòng toàn cầu
Yếu tố văn hóa đã góp phần không nhỏ trong việc gia tăng tỷ lệ lấp đầy văn phòng tại châu Á. Ảnh: Bloomberg.

Thêm vào đó, người lao động cũng cho rằng đây là cách tốt nhất để họ hấp thụ văn hóa doanh nghiệp. Ở một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều doanh nghiệp còn thực hiện tăng ca. Điều này cũng góp phần làm tăng nhu cầu sử dụng văn phòng.

Ngoài ra, sự khác biệt về cơ cấu khách thuê cũng tạo ra những biến động khác nhau về tỷ lệ lấp đầy văn phòng. Tại Mumbai, Delhi (Ấn Độ), TP.HCM hay Hà Nội, một số ngành đang phát triển mạnh như tài chính và dịch vụ kinh doanh đã ghi nhận nhu cầu văn phòng tăng mạnh. Giá trị gia tăng từ các doanh nghiệp này dự kiến tăng trên 50% trong 5 năm tới, kéo theo mức tăng nhân sự 10% cùng kỳ.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao tại Savills Hà Nội, cho biết đa phần nguồn cầu tại Thủ đô nói riêng là nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn luật, tư vấn tài chính. Ngoài ra, nhóm các công ty về công nghệ thông tin cũng ghi nhận nhu cầu thuê không nhỏ.

Trái lại, các công ty khởi nghiệp lại ghi nhận xu hướng thuê chậm lại, thậm chí nhiều đơn vị đã phải trả lại mặt bằng văn phòng trong năm nay.

Dự đoán tình hình thị trường trong 6 tháng cuối năm, bà Minh cho biết Hà Nội sẽ tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm trong nguồn cầu so với cùng kỳ năm trước.

“Tuy nhiên, đây là thời điểm các khách thuê bắt đầu tính toán đến câu chuyện chuyển đổi văn phòng trong năm 2024 nhờ các kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế. Do vậy, năm sau sẽ là thời điểm tỷ lệ lấp đầy cũng như giá thuê văn phòng hồi phục trở lại”, bà Minh nhận định.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích