Sự cần thiết xây dựng kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030 định hướng đến 2035

Với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống chuẩn đo lường quốc gia ngày càng có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh quốc phòng. Theo quy định của Pháp lệnh Đo lường ngày 06/10/1999, từ năm 2004 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia giai đoạn 2004-2010 tại Quyết định số 165/2004/QĐ-TTg ngày 21/9/2004.

Tiếp theo đó, Luật Đo lường được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2011. Theo tinh thần của Luật Đo lường, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2020 tại Quyết định số 1361/QĐ-TTg ngày 08/8/2013. Năm 2018, Quốc hội khóa 14 đã ban hành Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, tại điều 16 quy định sửa một số nội dung của Luật Đo lường, cụ thể thay đổi câu “quy hoạch phát triển chuẩn quốc gia” thành “kế hoạch phát triển chuẩn quốc gia”.

Thời gian qua, kể từ khi Quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia lần đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2004 và tiếp đó là năm 2013, hạ tầng đo lường quốc gia Việt Nam đã phát triển đồng bộ, mạnh mẽ thông qua các dự án đầu tư phát triển theo từng giai đoạn và hàng loạt dự án tăng cường trang thiết bị hàng năm. Cùng với đó, việc phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện nhiệm vụ phát triển, duy trì, bảo quản, sử dụng các chuẩn đo lường quốc gia cũng được chú trọng, với việc kết hợp đào tạo nâng cao trình độ với tuyển dụng, đào tạo mới đội ngũ cán bộ khoa học (trong và ngoài nước) đạt trình độ đại học và trên đại học, đáp ứng yêu cầu theo từng giai đoạn.

Ảnh minh họa. 

Viện Đo lường Việt Nam (cơ quan được giao thiết lập, duy trì và khai thác chuẩn đo lường quốc gia) đã thực hiện quy định tại Quy chế công nhận chuẩn quốc gia” ban hành kèm theo Quyết định số 166/2004/QĐ-TTg ngày 21/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 14/2013/TT-BKHCN ngày 12/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với chuẩn quốc gia để lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt các chuẩn đo lường quốc gia. Theo đó, kết quả cụ thể như sau:

Tính đến nay hệ thống chuẩn đo lường quốc gia đã có 29/45 đại lượng đo thuộc Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1361/QĐ-TTg ngày 08/8/2013 bao gồm: 07 đại lượng cơ bản: khối lượng, độ dài, thời gian – tần số, cường độ dòng điện, nhiệt độ nhiệt động học, cường độ sáng, lượng chất.

22 đại lượng dẫn xuất: Góc phẳng, dung tích, lưu lượng thể tích chất lỏng lưu lượng khối lượng chất lỏng, lưu lượng thể tích chất khí, Vận tốc khí, lực, độ cứng, áp suất, Khối lượng riêng chất lỏng, độ nhớt động học, điện áp một chiều, điện áp xoay chiều, điện trở một chiều, công suất điện tần số công nghiệp, năng lượng điện tần số công nghiệp, suy giảm tần số cao, mức áp suất âm thanh, rung động, độ chói, quang thông, phổ truyền qua.

Các chuẩn quốc gia đã xây dựng và được phê duyệt trong thời gian qua mang ý nghĩa rất lớn trong sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập của nước ta, cụ thể:

Các chuẩn đo lường quốc gia được thiết lập trong thời gian qua đã giúp Việt Nam tham gia một cách hiệu quả thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM MRA). Cho đến nay, chuẩn quốc gia của 6 lĩnh vực vực đo: độ dài, khối lượng, thời gian-tần số, nhiệt độ, áp suất và dung tích – lưu lượng đã được quốc tế thừa nhận tính tương đương và giấy chứng nhận kết quả các phép đo, hiệu chuẩn thuộc các lĩnh vực này của Viện Đo lường Việt Nam được chấp nhận trên toàn cầu. Đây là cơ sở kỹ thuật quan trọng trong việc thực hiện Hiệp định TBT.

Các chuẩn quốc gia được thiết lập, được phê duyệt và chấp nhận quốc tế đã làm thay đổi rất cơ bản năng lực đo lường của Việt Nam; nâng cao một cách rõ rệt vị thế của đo lường Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Ngoài việc đảm bảo dẫn xuất chuẩn trong nước, Việt Nam đã khẳng định năng lực thực hiện các phép đo mà từ trước vẫn phải phụ thuộc vào nước ngoài như: đo lường điện năng trong mua bán điện với Trung Quốc; đánh giá thiết bị TU, TI nhập khẩu trong ngành điện; đo đếm trong giao nhận dầu thô; đánh giá kỹ thuật trong sản xuất, chế tạo cần cẩu, tầu chở dầu…

Đồng thời, cũng khẳng định năng lực tham gia hoạt động đo lường trong khu vực và quốc tế như: tham gia so sánh liên phòng quốc tế nhiều lĩnh vực đo; tham gia đấu thầu và thực hiện đo, hiệu chuẩn đo lường, cung cấp dịch vụ đo lường ở một số nước trong khu vực,…

 Hệ thống chuẩn đo lường quốc gia về góc phẳng. (Ảnh: VMI)

Các chuẩn đo lường quốc gia được phê duyệt cũng đã phát huy tốt vai trò là chuẩn “gốc” của quốc gia và bảo đảm tốt việc duy trì các đơn vị đo lường pháp định của Việt Nam.

Bước sang giai đoạn mới, với những điều kiện về khoa học kỹ thuật đo lường thay đổi cùng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của kinh tế, xã hội đối với đo lường, việc xây dựng kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước, yêu cầu và hội nhập quốc tế. Cụ thể như sau:

Một là, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong nước và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

– Việc phê duyệt kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia nhằm bảo đảm tính thống nhất và chính xác của hệ thống đơn vị đo lường, từng bước tăng cường phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế.

– Phát triển hệ thống chuẩn đo lường quốc gia trong giai đoạn đất nước ta đang bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21 với những vận hội và thách thức mới của sự hội nhập quốc tế và tiếp cận nền kinh tế tri thức là hoàn toàn phù hợp với chủ trương phát triển khoa học và công nghệ của Đảng. Điều này đã được khẳng định trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Có chiến lược phát triển khoa học công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng phát triển đồng bộ khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị”.

– Trong thời đại ngày nay, khoa học công nghệ ngày càng trở thành lực lượng sản xuất nòng cốt và trực tiếp của xã hội, là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ những thành tựu của khoa học và công nghệ, số lượng sản phẩm mới mang tính quyết định sự phát triển của sản xuất ngày càng tăng lên, dẫn tới thay đổi cơ bản trong tư duy về quản lý chất lượng mà theo đó đo lường là công cụ không thể thiếu của doanh nghiệp. Cũng chính vì vậy, chuẩn đo lường quốc gia được phê duyệt là cơ sở dẫn xuất chuẩn xuống các chuẩn chính trong công nghiệp, qua đó bảo đảm tính thống nhất và độ chính xác của các phép đo, nâng cao chất lượng sản phẩm góp phần phát triển kinh tế.

Hai là, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong quá trình hội nhập kinh tế, đo lường nước ta cần đáp ứng yêu cầu thừa nhận và chấp nhận kết quả đo lường, thử nghiệm trên phạm vi quốc tế, tạo tiền đề cho việc dỡ bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại và giao lưu hàng hoá, sản phẩm của nước ta với thế giới.

Để đạt được điều này, cần thiết phải xây dựng được hệ thống chuẩn đo lường quốc gia phù hợp với quốc tế, đáp ứng điều kiện kỹ thuật để có thể tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM-MRA) với mục đích chính nhằm:

+ Thiết lập mức tương đương của các chuẩn đo lường quốc gia do các Viện đo lường quốc gia duy trì và khai thác;

+ Thừa nhận lẫn nhau các giấy chứng nhận đo lường, hiệu chuẩn do các Viện Đo lường quốc gia công bố.

Hệ thống chuẩn đo lường quốc gia của Việt Nam đã dần được bổ sung và được phê duyệt chính là cơ sở đáp ứng nhu cầu này.

Hiện nay, nước ta đã là thành viên của WTO. Về mặt đo lường, Viện Đo lường Việt Nam là thành viên hợp tác của Hội nghị Cân đo quốc tế (CGPM) thuộc Công ước Mét, đã ký kết tham gia vào Thoả thuận toàn cầu thừa nhận lẫn nhau (MRA) về chuẩn đo lường quốc gia và hiệu lực giấy chứng nhận do các Viện đo lường quốc gia công bố. Việc phê duyệt kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia và phê duyệt chuẩn đo lường quốc gia là một tiến trình thực hiện thoả thuận này, phục vụ cho quá trình hội nhập kinh tế – quốc tế ở nước ta.

Về trình độ kỹ thuật và đo lường của chuẩn, để hội nhập yêu cầu phải sử dụng công nghệ chuẩn tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện duy trì, bảo quản, sử dụng tại Việt Nam; theo mục tiêu của kế hoạch, các chỉ tiêu của kế hoạch đến năm 2035 đã đạt được trình độ chuẩn tương đương với trình độ chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN (Malaysia, Singapore, Thai Lan…). Chúng ta đã có các chuẩn của 29 đại lượng đạt trình độ như vậy và đã được phê duyệt là chuẩn đo lường quốc gia các năm 2006, 2011, 2016, 2017, 2018, 2020 và 2021; việc tiếp tục kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia trong thời gian tới là rất cần thiết để dần tiến tới mục tiêu: Việt Nam sẽ có hệ thống chuẩn đo lường quốc gia đầy đủ, hoàn thiện hơn và tất cả chuẩn quốc gia thường xuyên được liên kết với chuẩn quốc tế và khu vực.

Do đó, cần thiết phải xây dựng kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia để định hướng chung trong xây dựng phát triển hạ tầng đo lường quốc gia trong thời gian tới.

TS Ngô Thị Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích