Sự cần thiết của các động lực mới cho tăng trưởng năng suất tại Việt Nam
Theo bà Gulmira Asanbaeva, giảm tăng trưởng năng suất trong dài hạn đang là xu hướng diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới và đặt ra những thách thức về chính sách. Thay đổi trong môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu: Áp lực lạm phát, căng thẳng địa chính trị, giá lương thực/năng lượng, cam kết giảm phát thải khí nhà kính và các khoản đầu tư vào mục tiêu này.
Những hạn chế về nguồn lực trong một thế giới việc làm thay đổi nhanh chóng (biến đổi môi trường và khí hậu, trong nhân khẩu học, thay đổi công nghệ, toàn cầu hóa). Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn chủ yếu phải dựa trên tăng năng suất. Tăng năng suất có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là nguồn chính và là nguồn bền vững duy nhất trong dài hạn để nâng cao đời sống vật chất của người dân.
“Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng năng suất đáng kể trong ba thập kỷ qua, dẫn đến sự gia tăng vượt bậc GDP bình quân đầu người và đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Sự dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp là động lực chính cho sự tăng trưởng này” – bà Gulmira Asanbaeva cho hay.
Tuy nhiên, tiềm năng tiếp tục tăng trưởng dựa trên phân bổ lại lao động đang giảm dần do sụt giảm nguồn cung lao động chi phí thấp từ nông nghiệp và các thay đổi về nhân khẩu học. Năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với một số nền kinh tế khác ở Đông Nam Á.
Vị chuyên gia của ILO nhận định, thách thức về năng suất rất đa dạng theo phân khúc doanh nghiệp: Năng suất của khu vực nhà nước và FDI so với khu vực tư nhân trong nước và hộ kinh doanh. Tốc độ tăng chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang sản xuất – đang giảm nhanh chóng. Dự kiến nguồn cung lao động sẽ giảm và sắp kết thúc kỷ nguyên vàng của dân số, chuyển từ sản xuất chi phí thấp, giá trị thấp sang nền kinh tế tri thức không phải lựa chọn mà là tất yếu, năng lực nguồn nhân lực cao, chuyển đổi việc làm đi đôi với chuyển đổi kinh tế.
Cũng theo bà Gulmira Asanbaeva, để giải quyết hạn chế đối với tăng trưởng năng suất và tạo việc làm bền vững, ILO đã triển khai Chương trình Hệ sinh thái năng suất cho việc làm bền vững, dựa trên nhận thức rằng tăng trưởng năng suất được quyết định bởi vô số động lực giao thoa và áp dụng cách tiếp cận hệ sinh thái để cải thiện năng suất và điều kiện làm việc.
Doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam hiện đang chịu áp lực ngày càng cao từ luật định và tiêu chuẩn thị trường quốc tế trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Quá trình giảm khí nhà kính mang lại cơ hội tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, từ đó đem lại kết quả tiết kiệm đáng kể chi phí và tăng năng suất.
Trong năm 2023, doanh nghiệp tham gia chương trình của ILO: Được xác định có tiềm năng rõ ràng và khả thi để giảm 10% – 35% lượng nước tiêu thụ và giảm 5%-15% tiêu thụ năng lượng. Hơn 50% tiềm năng cải tiến có thể đạt được thông qua: Triển khai các biện pháp quản lý nội vi, không đòi hỏi đầu tư chi phí cao và vận động sự tham gia tích cực của toàn thể người lao động. Các hoạt động này đã nâng cao kiến thức và kỹ năng xanh đội ngũ chuyên gia năng suất trong nước, thúc đẩy việc phổ biến các kinh nghiệm và thực hành tốt liên quan đến năng suất xanh.
“Dự án Hệ sinh thái năng suất vì việc làm bền vững tại Việt Nam đã cho thấy việc tạo điều kiện để phát triển các chương trình nâng cao kỹ năng năng suất dựa trên thị trường có vai trò rất quan trọng. Hoạt động thúc đẩy số hóa và liên kết thị trường cần phải tốt hơn để có giải pháp lập kế hoạch nguồn lực và quản lý dữ liệu doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) hiệu quả thông qua việc liên tục thí điểm và thử nghiệm, đồng thời cải tiến, áp dụng nhân rộng khi có kết quả.
Việc thúc đẩy sự phối hợp hiệu quả hơn nữa ở cấp độ ngành và đối thoại xã hội để giải quyết tình trạng phân tán trong quá trình triển khai các sáng kiến gia tăng năng suất là rất cần thiết. Dự án cũng cho thấy cần phải thúc đẩy quá trình nâng cấp công nghệ sản xuất, đổi mới sáng tạo thông qua việc tăng khả năng tiếp cận với chương trình hỗ trợ cho các SMEs, hỗ trợ tài chính dựa trên tác động thực tế và điều chỉnh phương pháp tiếp cận phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh đó mỗi phân khúc ngành và doanh nghiệp cần có cách tiếp cận riêng biệt, tập trung rõ ràng vào nhu cầu của từng phân khúc để đảm bảo hiệu quả cho các chương trình hỗ trợ tăng trưởng năng suất xanh”, bà Gulmira Asanbaeva nhấn mạnh.
Mai Phương – Văn phòng TBT Việt Nam