Sự bất lực giữa bão tuyết tàn khốc ở California
Sự bất lực giữa bão tuyết tàn khốc ở California
Theo dõi MTĐT trên
Trận bão tuyết dữ dội ở Nam California đã khiến ông Robert Rice, một cựu binh Mỹ, phải chật vật kêu gọi sự trợ giúp để có thể đến bên vợ mình trong những giây phút cuối đời của bà.
Hai ngày sau khi tuyết rơi liên tục, khả năng không thể rời khỏi những ngọn núi ở California (Mỹ) ngày càng trở nên rõ ràng.
Ông Rice ban đầu không hề nao núng trước những cảnh báo về cơn bão sắp xảy ra. Người đàn ông 79 tuổi này đã sống hơn 4 thập kỷ trong một ngôi nhà ở Running Springs, một cộng đồng nằm sâu trong rừng quốc gia San Bernardino. Tuyết thường bao phủ cảnh quan nơi đây.
Mặc dù bị viêm khớp, ông Rice vẫn có sức khỏe tốt. Tại nhà, ông có một máy phát điện và một thùng xăng, đồng thời dự trữ súp và ớt.
Tuy nhiên, khi những cơn mưa tuyết đổ xuống với tốc độ kỷ lục, ông Rice nhận được một tin dữ. Bà Ann Rice, vợ của ông, đang khó thở. Carbon dioxide đang tích tụ trong phổi của bà và các bác sĩ cảnh báo bà có thể sắp ra đi. Cơ sở điều dưỡng nơi bà đang điều trị lại ở cách đó hơn 43 km.
Bất lực giữa tin dữ
Bà Rice, 81 tuổi, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ lâu và cũng bị suy tim sung huyết. Bà còn mắc ung thư vú và di căn sang xương.
Kể từ khi bà điều trị tại đó, hầu như ngày nào ông Rice cũng đến thăm bà. Hai ông bà đã ở bên nhau 54 năm và cùng nhau nuôi nấng ba đứa con. Họ được biết đến như một cặp đôi không thể tách rời.
Giờ đây, khi những con đường phủ đầy tuyết đang ngăn cách họ, ông Rice sợ rằng mình sẽ không thể nói lời tạm biệt cuối cùng. Nhiều người cũng rơi vào tình cảnh tuyệt vọng như vậy trong cơn bão tuyết kỷ lục ở Nam California.
Trên khắp tiểu bang, nhiều người bị mắc kẹt trong nhà và các khu nghỉ dưỡng cho thuê. Theo Los Angeles Times, lớp tuyết dày trong những tuần gần đây đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng ở vùng núi San Bernardino.
Lớp tuyết dày gần 3 m đã đổ xuống khu vực nhà ông Rice, khiến nhiều mái nhà bị sập. Nhiều người phải sống trong cảnh không có thức ăn, không có điện và không có trợ giúp. Xẻng và máy thổi tuyết không thể chống lại “khối băng giá cao chót vót”.
Khi trận bão tuyết vào tháng trước bắt đầu, ông Rice nghĩ rằng ít nhất ông có thể duy trì một lối đi hơn 15 m từ đường phố vào chiếc garage của mình. Tuy nhiên, tuyết rơi quá nhiều.
Ông Rice từng là lính nhảy dù và là trung sĩ trong quân đội trong 6 năm, trước khi trở thành cảnh sát. Ông thích chịu trách nhiệm và dẫn dắt, đồng thời không muốn nhờ đến sự trợ giúp.
Ông nhận được tin về tình trạng của vợ mình từ con gái Shelley Renison. Lúc đó, cô Renison, em gái và anh trai đã đến bên giường bệnh của mẹ.
Khoảng 6 tháng trước, bà Rice dường như mất ý thức về môi trường xung quanh. Bà không nhận ra ai đã đến thăm.
Cầu xin giúp đỡ
Vào ngày 26/2, ông Rice quyết định đào một lối đi để có thể đi bộ ra đường. Ông bắt đầu dùng xẻng đập vào khối băng, sau đó dùng máy thổi tuyết để dọn sạch, bất chấp cái lạnh.
Dẫu vậy, sau hai giờ, đẫm mồ hôi và kiệt sức, ông đã đầu hàng. Ông chỉ vạch được một đường dài hơn 3 m. “Tôi nhìn ra ngoài đó và nói: Không đời nào tôi ra ngoài được’”.
Tối hôm đó, ông nhận được một cuộc gọi. Các bác sĩ đã xoay xở để tìm ra cách giúp vợ ông loại bỏ khí carbon dioxide thông qua máy thở. Tuy nhiên, trong những ngày tiếp theo, ông vẫn chưa có giải pháp nào đối với những con đường không thể đi qua vì tuyết.
Cuối cùng, khi tuyết ngừng rơi, một sự tĩnh lặng kỳ lạ bao trùm khu phố. Các bài đăng trên mạng xã hội đã tiết lộ sự thật phũ phàng. Rất nhiều người trong khu vực đã bị mắc kẹt ở nhà.
Ông gọi điện đến cơ sở điều dưỡng hàng ngày để kiểm tra tình trạng của bà Rice và liên tục nhắn tin cho con gái để cập nhật thông tin.
Đến ngày 5/3, ông Rice nhận thấy cửa sổ lồi trong phòng khách của mình bị nứt do sức nặng của tuyết. Trong khi đó, vẫn chưa có cách nào để ông có thể đi lên đường lớn.
Rồi ba ngày sau, ông Rice nhận được tin báo rằng nồng độ huyết sắc tố của vợ ông đang giảm xuống do chảy máu trong. Bà đã được truyền máu mỗi ngày. Các bác sĩ đề nghị ngừng can thiệp. Họ nói rằng bà Rice chỉ có thể còn sống trong 6 tháng nữa, hay thậm chí một vài tuần.
“Ôi Chúa ơi, bà ấy sẽ chết trước khi tôi đến đó”, ông thốt lên. Sau đó, những giọt nước mắt đã rơi. Đó là khi ông quyết định thực hiện một cách tiếp cận khác, khi nhờ đến sự trợ giúp trên mạng xã hội.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải làm việc này. Vợ tôi, Ann, đang ở trong một cơ sở điều dưỡng ở dưới đồi. Bà ấy không còn sống được bao lâu nữa. Tôi thậm chí không thể xuống đó để nói lời tạm biệt”, ông viết.
Ông đồng thời kêu gọi mọi người giúp đỡ ông đào đường để có thể lái chiếc xe của mình ra khỏi garage. Người đàn ông cũng bày tỏ “sự xấu hổ” khi yêu cầu giúp đỡ như vậy.
Điện thoại của ông Rice sau đó đã nhanh chóng đổ chuông, với nhiều người ngỏ ý giúp đỡ và động viên. Một người hàng xóm sau đó đã mang đến một chiếc máy kéo để xúc tuyết nhằm hỗ trợ ông. Sau ba giờ, một lối đi đã được tạo ra để ông Rice lấy xe ra.
Vào sáng 9/3, ông Rice nhảy lên chiếc xe của mình và bắt đầu lùi ra khỏi garage, nhưng nó nhanh chóng va vào bức tường tuyết. Con đường vẫn chưa đủ rộng. Ông phải dành thêm 2 giờ để tiếp tục mở rộng nó.
Cuối cùng, ông cũng có thể xoay xở để ra được đến đường. Cảm giác nhẹ nhõm đã dâng trào khi ông trên đường đến bên vợ mình.
Khi đến bên cạnh bà, ông nắm chặt tay, vuốt ve khuôn mặt và mái tóc bà. Ông Rice đã kể cho vợ mình nghe ông đã trải qua những ngày như thế nào, nhớ bà và yêu bà biết bao nhiêu.
Ông Rice không thể biết liệu vợ ông có biết ông đã ở đó hay không. Tuy nhiên, ông nghe nói những người cận kề cái chết vẫn giữ được thính giác của họ rất lâu, sau khi các giác quan khác đã không còn hoạt động. Ông sẽ tiếp tục đến thăm bà vào ngày hôm sau.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị