Sống thấp thỏm ở chung cư vì sợ… “dao bay, thớt liệng” trúng đầu
Cách đây hai tuần, trong lúc di chuyển xuống hầm gửi xe, anh Minh (28 tuổi, Hà Nội) phát hiện một chiếc tua vít rơi từ tầng cao chung cư, trúng nóc xe ô tô đi phía trước.
Nơm nớp lo sợ “vật thể bay”… tự nhiên rơi xuống đầu
Chị Hạnh (35 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhớ mãi buổi chiều hai năm trước, khi đang ngồi dưới sân chung cư, một chiếc ghế từ trên cao rơi xuống, sượt qua người.
“Thoát chết trong gang tấc”, chị nói, vẫn nguyên cảm giác hồi hộp và sợ hãi.
Ban quản lý (BQL) chung cư và đội an ninh vào cuộc “điều tra”, thủ phạm được xác định là… một chú mèo. Chủ căn hộ cho biết do chưa lắp lưới an toàn ban công, nên trong một lần “nghịch ngợm”, thú cưng cùng chiếc ghế rơi xuống sân chung cư khiến cư dân được phen “hú vía”. BQL sau đó đã yêu cầu chủ hộ lắp lưới an toàn, tránh trường hợp tương tự.
“Tính mạng của tôi hay toàn bộ cư dân, không thể may mắn mãi được! Tôi đã đề nghị chung cư phải có quy chế và chế tài xử phạt, không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền”, chị Hạnh bức xúc nói.
Sau sự việc, BQL tòa nhà đã treo khuyến cáo ở các tầng, thành lập đội rà soát từng nhà để kiểm tra, chụp ảnh hiện trạng, khuyến cáo lắp lưới an toàn và yêu cầu chủ hộ viết cam kết nâng cao ý thức.
BQL một tòa chung cư dựng biển thông báo việc đồ rơi từ tầng cao gây nguy hiểm. |
Trong khi đó, cách đây hai tuần, anh Minh (28 tuổi, quận Hai Bà Trưng) lúc di chuyển xuống hầm gửi xe chung cư, thì phát hiện một chiếc tua vít rơi từ tầng cao, trúng nóc một chiếc ô tô đi phía trước, bắn ra xa với lực cực mạnh.
“Tôi nghĩ gia đình nào đó sửa chữa bên ngoài ban công, vô ý để đồ rơi từ trên cao. May là chiếc tua vít trúng ô tô, chứ nếu rơi vào người thì thật sự nguy hiểm”, anh Minh cho hay.
Hình ảnh một chiếc thớt rơi ở chung cư Gemek 1 (Hoài Đức, Hà Nội) được cư dân chụp hình đăng tải cảnh báo trên nhóm cư dân (Ảnh chụp màn hình). |
Theo anh, “hiểm họa vật thể bay” từ các chung cư cao tầng đã được cảnh báo từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do ý thức người dân, việc cố ý vứt rác thải như thuốc lá, chai nhựa, giấy, thậm chí là bỉm… hay các hành động vô ý làm rơi vật cứng như thanh phơi quần áo, chổi, cây lau nhà, sỏi đá, chậu hoa, nguy hiểm hơn là dao, thớt… từ trên xuống vẫn đang là một vấn nạn gây hoang mang.
Anh dẫn ví dụ, năm 2017, một người đàn ông ở khu đô thị HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) hoảng hồn suýt bị một chiếc thớt và một con dao to bản từ trên tầng cao chung cư rơi trúng đầu; Hay một cụ ông bị chảy máu đầu do ổ khóa rơi từ chung cư ở khu đô thị Đại Thanh.
Nghiêm trọng hơn, năm 2018, trong lúc đang chơi ở bên dưới chung cư 15 tầng, một bé trai 3 tuổi sống TP Vinh (tỉnh Nghệ An) bị một viên gạch rơi trúng người, dẫn đến tử vong.
“Trên các hội nhóm, hàng ngày vẫn liên tục chứng kiến những bức xúc, phàn nàn của cư dân, khi tình cờ gặp một vật gì đó tự nhiên rơi xuống, kính mái che thì liên tục vỡ. May mắn chưa có ai bị thương, nhưng với hàng loạt sự cố, không ai chắc sẽ không xảy ra những hậu quả kinh khủng hơn”, anh Minh tâm sự.
Cụ ông chảy máu đầu do ổ khóa rơi từ chung cư. |
Sau sự cố “chiếc tua vít bay”, BQL tòa nhà nơi anh Minh sinh sống đã đưa ra khuyến cáo, đồng thời yêu cầu cư dân thực hiện nghiêm một số yêu cầu, như: Không được đặt chậu cây, phơi chăn, quần áo khi chưa làm giàn phơi cố định hoặc lắp đặt các tấm bạt che cồng kềnh ở ban công chính.
Không đặt chậu cây nhỏ, thớt hay những vật sắc, nhọn… dễ gây thương tích ra khu vực gờ cửa sổ; Yêu cầu tất cả chủ căn hộ trong tòa nhà nhắc nhở các thành viên trong gia đình, kiểm soát chặt chẽ trẻ nhỏ không ném hay bỏ bất cứ đồ vật gì qua cửa sổ ban công từ trên cao xuống.
“Chúng tôi còn đề xuất lắp camera giám sát, thành lập đội xung kích phối hợp với trưởng tầng thường xuyên đi kiểm tra các hộ gia đình về những vấn đề trên”, anh nói.
Ngoài ra, các chế tài xử phạt nghiêm khắc cũng được xem xét ban hành với các hành vi gây mất an toàn, thậm chí người vi phạm có thể bị truy tố trước pháp luật khi để xảy ra sự cố nghiêm trọng.
Ném đồ vật từ chung cư xuống có bị xử phạt?
Một đại diện Ban quản trị chung cư ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) thừa nhận việc vứt rác bừa bãi, ném đồ từ trên cao,… gần như chung cư nào cũng có. Nguyên nhân một phần do ý thức, một phần do khác biệt lối sống, văn hóa.
Hiện nay, ở nhiều chung cư, không chỉ có gia đình trẻ mà còn có ông bà, các bác giúp việc. Hầu hết họ từ các vùng quê lên, chưa quen nếp sống và chưa hiểu văn hóa nơi công cộng nên còn hành động, ứng xử theo thói quen cũ.
Để hạn chế các hành vi thiếu ý thức, các thành viên trong Ban quản trị tòa nhà đã phải thực hiện nhiều biện pháp như: nhắc nhở, tuyên truyền, vận động các nhà lắp lưới an toàn để hạn chế việc ném rác xuống đường. Nếu cá nhân nào vi phạm sẽ công khai số căn hộ trên bảng tin và trang thông tin cư dân.
“Từ khi áp dụng các biện pháp trên, các hành vi thiếu ý thức cũng đã giảm dần nhưng để chấm dứt hoàn toàn thì rất khó”, vị đại diện thông tin.
Bộ thớt dao rơi từ tầng cao chung cư – nỗi “ám ảnh kinh hoàng” với cư dân. |
Kiến trúc sư Trương Thành Trung (Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T) cho biết, giải pháp phổ biến nhất hiện nay để ngăn đồ rơi từ tầng cao chung cư (nhất là những tòa nhà phía dưới là không gian sinh hoạt cộng đồng) là từng căn hộ lắp thêm lưới an toàn, vừa bảo vệ trẻ nhỏ, vừa giảm thiểu côn trùng.
“Tuy nhiên, việc lắp lưới an toàn cũng cần đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn khi có sự cố, như có chốt an toàn hoặc chất liệu lưới dễ cắt khi sử dụng búa hay kìm cộng lực”, ông Trung nói.
Một biện pháp được nhiều tòa nhà lựa chọn là xây mái che, nhưng theo kiến trúc sư, điều này còn phải tính toán đến kiến trúc mặt đứng của tòa nhà, nên chưa thực sự thông dụng.
Lắp lưới an toàn được xem là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay ngăn đồ rơi từ tầng cao, đồng thời bảo vệ trẻ nhỏ. (Ảnh: Bé gái trèo ra lan can, rơi từ tầng 12A chung cư hồi năm ngoái). |
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, ném đồ từ tầng cao chung cư là hành vi nghiêm cấm trong việc sử dụng nhà chung cư theo quy định tại khoản 3 Điều 2 phụ lục 1 Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định xử phạt cụ thể đối với hành vi này mà mới chỉ có quy định dẫn chiếu.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 8 Phụ lục số 01 Thông tư 02/2016/TT-BXD, người có hành vi vi phạm nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư hoặc vi phạm Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư thì tùy theo mức độ sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại gây ra.
Do đó, trường hợp vi phạm, có thể áp dụng một số quy định liên quan để xử lý.
Người thực hiện hành vi làm rơi đồ từ nhà chung cư cao tầng xuống đất mà có tính chất “cố tình” ném chất thải, chất bẩn vào người khác thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm e khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
“Người thực hiện hành vi đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh, mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu”.
Theo đó, người thực hiện hành vi có thể bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.
Nếu cố tình ném/vứt đồ vật từ ban công/cửa sổ xuống đất mà làm tổn hại sức khỏe cho người khác từ 11% trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trường hợp vô tình làm rơi đồ mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015 về “Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.
Trong trường hợp xấu hơn là làm chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc “Tội vô ý làm chết người” Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015, và việc truy cứu theo tội nào còn phải tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi đó.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi này còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự nếu làm ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe của người khác.
“Tình trạng ném đồ từ tầng cao chung cư kéo dài vừa gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng môi trường sống của cư dân mà BQL cũng tiến thoái lưỡng nan, chưa có cách xử lý tận gốc vấn đề.
Dù cố ý hay vô tình, thì đa phần những đồ vật rơi từ trên cao này đều xuất phát từ sự chủ quan và ý thức kém của một bộ phận người dân sinh sống tại các tòa chung cư”, ông Tiền nhận định.
Theo luật sư, không ít cư dân vẫn giữ thói quen tùy tiện, thiếu văn hóa dù sống trong môi trường tập thể. Việc xử lý những trường hợp thiếu ý thức cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa có hệ thống giám sát và cơ chế xử lý rõ ràng.
“Mặc dù đã có quy định rất rõ trong các bản nội quy, quy tắc ứng xử của các khu chung cư, song thực trạng rác thải, thậm chí vật dụng cứng vứt từ các tầng cao xuống vẫn xảy ra, gây nguy hiểm cho dân và người đi lại, sinh hoạt ở các tầng thấp hơn hoặc tầng trệt”, ông Tiền nói.
Luật sư khuyến cáo, nếu phát hiện người nào có hành vi ném rác, đồ vật từ tầng cao chung cư hoặc các hành vi khác không đảm bảo an toàn thì BQL nhanh chóng mời người vi phạm làm việc, nhắc nhở.
Nếu người vi phạm vẫn cố tình không thực hiện quy định và tỏ thái độ không hợp tác thì BQL nêu tên, phê bình, thông báo cho cả tòa nhà cùng biết, thậm chí mời cơ quan chức năng để xử phạt nếu gây ra hậu quả ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của những người bị đồ vật ném trúng.
*Tên các nhân vật đã thay đổi.
Nguồn: Báo xây dựng