Sông Đà Cao Cường: Tiết kiệm năng lượng với mô hình Tổ hợp kinh tế tuần hoàn khép kín

(Xây dựng) – Biến đổi khí hậu ở Việt Nam cho thấy việc chuyển đổi sang sản xuất tiêu dùng bền vững là một nhiệm vụ quan trọng mới nhằm hướng tới phát triển bền vững, lâu dài. Và kinh tế tuần hoàn như một công cụ thiết thực giúp cho các DN nói chung và nền kinh tế xã hội trong quá trình thực hiện sản xuất tiêu dùng bền vững, hiệu quả.

Sông Đà Cao Cường: Tiết kiệm năng lượng với mô hình Tổ hợp kinh tế tuần hoàn khép kín
Ông Kiều Văn Mát

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó bao gồm các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Nếu mô hình kinh tế truyền thống chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và loại bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một luợng phế thải khổng lồ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế – xã hội, môi trường, mà còn để ứng phó với biến đổi khí hậu. Để làm rõ tính cần thiết và ưu việt của mô hình này, phóng viên Báo Xây dựng đã có buổi phỏng vấn ông Kiều Văn Mát – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sông Đà Cao Cường để hiểu rõ hơn về mô hình này.

Xin ông cho biết mô hình kinh tế tuần hoàn được Công ty ứng dụng thực tế vào sản xuất như thế nào? Và hiệu quả kinh tế mang lại từ tiết kiệm năng lượng do mô hình này?

– Đây là mô hình kinh tế phát triển tất yếu trên thế giới hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả. Kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị cho DN, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, nền kinh tế tuần hoàn giúp các quốc gia tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sự biến động giá và rủi ro đến từ các nhà cung cấp, gia tăng tính đổi mới sáng tạo bằng việc thay thế các sản phẩm.

Cụ thể như về vấn đề tái sử dụng: Rác thải sẽ không tồn tại nếu các thành phần sinh học và hóa học trong sản phẩm được thiết kế sao cho có thể đưa chúng vào tái sử dụng trong một chu trình mới. Điều này đồng nghĩa với việc có thể phân tách và tái sử dụng các thành phần này một cách triệt để và hiệu quả.

Về khả năng linh động nhờ sự đa dạng: Các hệ thống có sự kết nối nội bộ đa dạng thường có sức chịu đựng cao và linh động trước những tác động bất ngờ từ ngoại cảnh. Trong nền kinh tế, để có được những linh động đó, cần phải có sự đa dạng các loại hình DN, mô hình kinh doanh và hệ thống sản xuất. Đồng thời, các mạng lưới kinh doanh cũng phải có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, cũng như với nhiều nhà cung cấp và khách hàng khác nhau. Các hệ sinh thái tự nhiên là những ví dụ sống động nhất cho những hệ thống sản xuất linh động như thế này.

Về sử dụng năng lượng từ các nguồn vô tận: Để giảm tải những tổn thất về sản phẩm (bằng cách tái chế nâng cấp) cần phải sử dụng thêm năng lượng. Có hai nguồn năng lượng chính luôn sẵn có là năng lượng tái chế và sức lao động. Sử dụng nguồn năng lượng tái chế mới có thể đáp ứng được các yêu cầu của nền kinh tế tuần hoàn.

Khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, khí thải được quản lý tốt, nước và các chất thải rắn được chúng tôi tái sử dụng để tuần hoàn sản xuất cho các sản phẩm. Quan điểm của chúng tôi là không thải bất cứ gì ra môi trường. Chính vì vậy, chúng tôi liên tục hạ được giá thành sản phẩm và chủ động hơn trong sản xuất.

Ông có thể chia sẻ những vật liệu đang được Công ty sản xuất ứng dụng trong mô hình tuần hoàn khép kín?

– Hiện nay, chúng tôi ứng dụng công nghệ để xử lý nguồn chất thải của các nhà máy nhiệt điện chạy than và phân bón hóa chất để sản xuất ra các sản phẩm VLXD mới có nhiều tính năng ưu việt so với sản phẩm cùng loại truyền thống với giá thành cạnh tranh phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế, sản phẩm đạt được rất nhiều giải thưởng trong ngành VLXD, Huy chương Vàng hàng Việt Nam chất lượng cao, được hội đồng khoa học công nhận vật liệu xanh đạt các tiêu chí vì môi trường xanh quốc gia lần thứ I năm 2013; là Hội viên Vàng GOLD MEMBER của hội công trình xanh Việt Nam VGBC; Thương hiệu tiêu biểu ngành Xây dựng lần thứ IV; Top 10 sản phẩm và dịch vụ chất lượng châu Á năm 2023.

Hiện chúng tôi đang tiếp tục làm các thủ tục để các tổ chức thế giới công nhận là sản phẩm xanh tại Singapore, đơn cử: Tấm Panel ALC, gạch nhẹ qua hệ thống công nghệ chưng áp, Vữa công nghiệp thay thế vữa truyền thống, thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên… đây không chỉ là những sản phẩm chất lượng cao có tính năng vượt trội như nhẹ, chống cháy, cách âm… mà nó còn là vật liệu xanh, thân thiện môi trường, thi công lắp dựng nhanh, tiết kiệm chi phí, không ảnh hưởng đến môi trường như vật liệu xây truyền thống. Các sản phẩm được đóng gói cẩn thận khi vận chuyển: Tấm Panel hay gạch đóng đai, kiện đến công trình chỉ lắp dựng; vữa đóng thành bao đến công trình chỉ cần cho nước là sử dụng. Do vậy, các sản phẩm của chúng tôi gần như không có chất thải ra môi trường, tỷ lệ hao hụt rất nhỏ. Hơn nữa, nó đảm bảo chất lượng và giá thành khi tốc độ thi công nhanh, gọn nhẹ.

Và những sản phẩm xanh này đi vào thị trường cần có các tiêu chí xanh như việc tái tạo chất thải của ngành công nghiệp khác, được xử lý căn cơ, bài bản, và tính ưu việt hơn những VLXD truyền thống. Và đấy là những yếu tố đang thúc đẩy các DN đầu tư trong lĩnh vực này, các nhà khoa học có động lực nghiên cứu, cải tiến. Và trong tương lai, lĩnh vực này sẽ được xã hội đón nhận nhiều hơn và đóng góp vai trò vô cùng to lớn với xã hội trong việc bảo vệ môi trường, giảm khí thải Carbon, tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản.

Sông Đà Cao Cường: Tiết kiệm năng lượng với mô hình Tổ hợp kinh tế tuần hoàn khép kín
Ông Phạm Văn Tình – Trưởng phòng kỹ thuật công nghệ chia sẻ về tấm tường bê tông khí chưng áp cốt thép SCL – ALC.

Theo Thông tư số 13/2017/TT- BXD công trình xây dựng công đều phải dùng vật liệu nhẹ, tiết kiệm nhiên liệu. Với Công ty, việc này được triển khai như thế nào, thưa ông?

– Thực ra, trong giai đoạn hiện nay Chính phủ, Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành chỉ đạo rất quyết liệt đối với việc sử dụng các vật liệu không nung, vật liệu xanh thân thiện môi trường và các vật liệu tái tạo trong quá trình chất thải của các ngành công nghiệp để sử dụng và tiết kiệm nhiên liệu, đất đai, bảo vệ môi trường,… Trong đó, các chỉ thị, quyết định chỉ đạo rất rõ các công trình có vốn từ ngân sách Nhà nước, các công trình có vốn kinh doanh nước ngoài phải sử dụng vật liệu không nung. Trong đó, có tỷ lệ vật liệu nhẹ với nhà cao tầng và vật liệu không nung với vật liệu khác.

Tuy nhiên, có thể nói rằng ảnh hưởng từ nền kinh tế và nhận thức một cách đồng loạt giữa các cơ quan, chính quyền địa phương chưa hẳn đồng bộ. Chính vì vậy, bị hạn chế trong quá trình triển khai ứng dụng vật liệu không nung thay thế cho vật liệu nung truyền thống. Tôi hy vọng thời gian tới, với sự nhận thức và trách nhiệm của người tiêu dùng cộng với sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành và địa phương thì việc này sẽ được triển khai rộng rãi hơn.

Phía DN cần phải cải tiến công nghệ để có những sản phẩm tốt hơn, tính năng ưu việt hơn, và đặc biệt là giá thành cạnh tranh để đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế và trong đó vai trò công tác truyền thông là cực kỳ quan trọng.

Ông có thể chia sẻ thêm về mô hình kinh tế tuần hoàn ở các trung tâm mới của Công ty?

– Hiện nay, chúng tôi đang triển khai hai tổ hợp. Tại Hải Dương, chúng tôi đã đầu tư tổ hợp các nhà máy sản xuất VLXD, ứng dụng xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện chạy than ở phía Bắc. Chúng tôi đang tập trung cải tiến, đổi mới công nghệ tự động để nâng cao năng suất, chất lượng và giá thành.

Tại Hải Phòng, chúng tôi đang triển khai trung tâm xử lý bã thải của Nhà máy Phân bón DAP Đình Vũ để sản xuất thạch cao nhân tạo cung cấp cho ngành sản xuất xi măng tấm trần… để thay thế thạch cao tự nhiên đang nhập khẩu ở nước ngoài giá cả lại đắt đỏ. Và chúng tôi đang triển khai dự án với quy mô lớn nhất hiện nay là hệ thống xử lý tro xỉ tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân. Đây là dự án chúng tôi đầu tư nhiều công sức, khoa học công nghệ, tài chính, sự song hành của các nhà khoa học trong nước, nước ngoài và đội ngũ cán bộ Công ty. Sau khi tro xỉ được xử lý bài bản, chúng tôi sẽ sản xuất ra các cấu kiện bê tông nhẹ, bê tông nặng, phục vụ xây dựng ở biển đảo, các phụ gia phục vụ cho ngành bê tông, xi măng; các loại keo, vữa phục vụ cho ngành Xây dựng… đây là dự án chúng tôi sử dụng hệ thống khép kín triệt để nhất. Từ khí thải, nước,… đều tuần hoàn một cách tối đa. Dự kiến đến quý I/2024 chúng tôi sẽ hoàn thành giai đoạn 1 để đưa nhà máy vào vận hành. Để giảm tải tro xỉ cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân vận hành an toàn và phục vụ cho xuất khẩu. Hiện tại, chúng tôi đang xuất khẩu đi các nước ASIAN, Trung Đông, Mỹ, New Zealand…

Sự gia tăng nhu cầu về nguyên liệu thô, trong khi nguồn nguyên liệu này ngày càng cạn kiệt, đặc biệt đối với nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn tài nguyên không thể tái tạo được; Sự phụ thuộc vào các nước khác, đặc biệt các quốc gia phụ thuộc nước khác về nguyên liệu thô. Sự phụ thuộc này dẫn đến căng thẳng về chính trị toàn cầu; Tác động đến sự biến đổi khí hậu (phát thải các khí nhà kính, đặc biệt là CO2) làm gia tăng quá trình biến đổi khí hậu cực đoan, gây nên các hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Sự chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn với mục tiêu sử dụng năng lượng bền vững sẽ làm giảm quá trình biến đổi khí hậu; Tạo ra các cơ hội kinh tế, đặc biệt đối với DN và khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu đổi mới, thiết kế, tái chế và sáng tạo.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích