Sống chung với Covid ở Israel, quốc gia đi đầu tiêm chủng nhưng vẫn trở thành “điểm nóng” lây nhiễm
Sống chung với Covid ở Israel, quốc gia đi đầu tiêm chủng nhưng vẫn trở thành “điểm nóng” lây nhiễm
Israel, quốc gia từng đi đầu thế giới về tiêm chủng ngừa Covid-19, hiện đang là một “điểm nóng” về lây nhiễm virus Sars-CoV2 trên phạm vi toàn cầu…
Từng được dự báo sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm đủ vaccine cho toàn bộ dân số, Israel có số ca nhiễm Covid bình quân đầu người cao hơn bất kỳ một quốc gia nào khác trong tuần kết thúc vào ngày 4/9 – theo dữ liệu tổng hợp bởi Đại học John Hopkins. Bên cạnh đó, Israel cũng tụt lại sau nhiều nước khác về tỷ lệ tiêm chủng.
Theo hãng tin Bloomberg, hồi tháng 4, đất nước 9 triệu dân này đã trở thành “bài kiểm tra” về mở cửa trở lại xã hội và nền kinh tế, khi phần lớn châu Âu và Mỹ vẫn đang phong toả và giãn cách.
Nhưng giờ đây Israel cho thấy mọi toan tính đều có thể thay đổi, ngay cả ở những nơi có bước tiến nhanh nhất trong công tác chống dịch. Vấn đề quan trọng nhất giờ đây không còn là chuyện mọi người có thể mắc Covid hay không, mà là nguy cơ mắc bệnh nặng cao tới mức nào và sự cần thiết phải đảm bảo các vaccine hiện có vẫn chống lại được biến chủng Delta – loại có mức độ lây lan nhanh và có khả năng làm suy giảm tác dụng của vaccine.
LÂY NHIỄM CAO, NHƯNG CHỦ YẾU LÀ Ở NGƯỜI CHƯA TIÊM VACCINE
Gần đây, Israel là nước đi đầu thế giới về tiêm phòng Covid cho trẻ em và triển khai việc tiêm nhắc lại bằng vaccine Pfizer/BioNTech, sau khi nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vaccine giảm theo thời gian. Hiện nay, tốc độ tiêm chủng của Israel đạt khoảng 100.000 mũi tiêm mỗi ngày, phần đông là những người tiêm mũi thứ ba.
“Nếu bạn có thể duy trì cuộc sống mà không cần phong toả, và tránh được số lượng lớn ca nhập viện và tử vong do Covid-19, thì đó chính là sống chung với Covid”, giáo sư bệnh truyền nhiễm Eyal Leshem thuộc Trung tâm Y khoa Sheba ở Tel Ha-Shomer, Israel nói với Bloomberg.
Từ tháng 4 đến nay, Israel đã tụt từ vị trí thứ nhất xuống vị trí thứ 33 trong bảng xếp hạng của hãng tin Bloomberg về tỷ lệ dân số được tiêm đủ vaccine Covid. Chiến dịch tiêm chủng của nước này chững lại do sự e dè với vaccine của một bộ phận dân số theo Chính thống giáo và người Arab. Đến nay, khoảng 61% dân số Israel đã được tiêm đủ 2 mũi, thấp hơn so với một số nước châu Âu vốn chậm chạp trong việc triển khai vaccine hồi đầu năm nay, như Pháp và Tây Ban Nha.
Biến chủng Delta bắt đầu lây lan ở Israel trong mùa hè năm nay, và số ca nhiễm mới hàng ngày ở nước này không ngừng tăng lên, lập kỷ lục 11.316 ca vào hôm 2/9. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng và phải nhập viện tăng ít hơn so với những đợt dịch trước, đạt đỉnh ở 751 ca vào cuối tháng 8, so với mức đỉnh của đợt dịch đầu năm là 1.183 ca thiết lập vào giữa tháng 1. Ở thời điểm hiện tại, xu hướng là số ca nhiễm mới và số ca nhập viện cùng giảm xuống.
Số ca nhiễm Covid ở Israel tăng là do lây nhiễm tập trung ở những người chưa tiêm vaccine, đặc biệt là trẻ em. Ngoài ra cũng phải kể đến những trường hợp lây nhiễm đột phá (người tiêm đủ vaccine vẫn mắc Covid) và sự suy giảm tác dụng của vaccine theo thời gian như nghiên cứu đã chỉ ra.
Tuy nhiên, trong số những ca bệnh nặng, số người chưa tiêm vaccine nhiều gấp 10 lần những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Điều này cho thấy cho dù miễn dịch có giảm, vaccine vẫn mang lại sự bảo vệ hữu hiệu.
“ẨN SỐ” LÂY NHIỄM TỪ TRẺ EM
Đối với giới chức y tế và các chính trị gia Israel, chương mới nhất của câu chuyện chống dịch là tập trung vào việc đảm bảo rằng người cao tuổi – một nhóm nguy cơ cao – tiếp tục được bảo vệ trong lúc số ca nhiễm ở trẻ em gia tăng. Đây là một vấn đề quan trọng trong bối cảnh hàng triệu trẻ em Israel đã trở lại trường học vào tuần trước và lễ hội đón năm mới của người Do Thái sẽ diễn ra trong tuần này.
Các nhà dịch tễ học Israel cho biết số ca nhiễm ở những người trên 30 tuổi đã giảm xuống nhờ mũi tiêm nhắc lại và quy định chỉ những người đã tiêm phòng đầy đủ mới được vào nhà hàng, quán bar. Độ tuổi chiếm tỷ lệ số ca nhiễm mới cao nhất trong những tuần gần đây là trẻ em dưới 12 tuổi – theo ông Ran Balicer, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Covid-19 cố vấn cho Chính phủ Israel. Ngoài ra, việc xét nghiệm kỷ lục cũng là một nguyên nhân phía sau số ca nhiễm được phát hiện nhiều hơn.
“Miễn dịch suy giảm là một thách thức thật sự, đòi hỏi mỗi quốc gia cần chuẩn bị một kế hoạch dự phòng để ứng phó”, ông Balicer nhận định. Ông nói thêm rằng dữ liệu từ Israel trong những tuần tới đây sẽ cho thế giới cơ hội để đánh giá về sự cần thiết của mũi tiêm nhắc lại.
Tính đến ngày 6/9, đã có ít nhất 2,6 triệu người ở Israel, tương đương 28% dân số, được tiêm nhắc lại, theo dữ liệu của Bộ Y tế nước này. Đối với những người trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 64%. Việc tiêm nhắc lại được áp dụng đối với tất cả những người từ 12 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vacine cách đây ít nhất 5 tháng.
Theo ông Balicer, “ẩn số” lớn nhất trong cuộc chiến chống Covid của Israel hiện nay nằm ở việc trẻ em trở lại trường học. Việc này có thể làm thay đổi các xu hướng lây nhiễm và đặt tất cả mọi độ tuổi trước nguy cơ mắc Covid vì những trẻ em có thể mắc Covid ở trường và lây sang người thân ở nhà.
Bản đồ nhiệt về lây nhiễm Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang đặt Israel trong top 5 nước khu vực châu Âu mở rộng. Theo bản đồ này, tại khu vực châu Âu, số ca nhiễm bình quân mỗi ngày trong 7 ngày gần nhất đang cao nhất ở Scotland, nơi đã có 68% dân số được tiêm đủ vaccine. Số ca nhiễm mới tăng mạnh sau khi các hạn chế được dỡ bỏ và trẻ em trở lại trường học vào giữa tháng 8 sau kỳ nghỉ hè.
“Cách đây 1 năm, chúng tôi gần như chẳng có một sự bảo vệ nào khác ngoài việc phong toả hoàn toàn”, giáo sư Leshem nói. “Giờ đây, chúng tôi đã có những trường học mở cửa, thương mại hoàn toàn mở cửa, và dù đang có 50.000 ca nhiễm mỗi tuần, số ca bệnh nặng và nhập viện vẫn không tăng”.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị