“Sóng” bất động sản liên tục đổ về phía Đông Hà Nội nhờ hạ tầng hoàn thiện
(Xây dựng) – Hạ tầng giao thông ở phía Đông Hà Nội bứt phá mạnh mẽ và ngày càng đồng bộ là nhân tố đòn bẩy, tạo ra cuộc đổ bộ chưa từng có của các chủ đầu tư và người mua nhà sang bờ Đông sông Hồng.
Mạng lưới giao thông đồng bộ ở phía Đông thủ đô
Năm 2022, ngành giao thông thành phố Hà Nội được giao giải ngân hơn 1.900 tỉ đồng cho hơn 50 dự án thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng, hạ tầng giao thông. Một trong những dự án được ưu tiên bố trí nguồn vốn là cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Tới cuối tháng 8, tiến độ thi công cầu dẫn thuộc các gói thầu số 2, 3; 4 và số 5 đã thi công đạt 90% khối lượng. Toàn dự án có tổng chiều dài hơn 3,4 km hiện nay đã hoàn thành tiến độ 62%. Dự kiến, đến quý 2/2023, công trình sẽ hoàn thành hợp long các nhịp chính và có thể khai thác, sử dụng trong quý 3/2023. Cùng với các cây cầu hiện hữu bắc qua sông Hồng, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 góp phần tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa trung tâm thành phố với khu vực phía Đông đang “thay da, đổi thịt” từng ngày.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vận hành từ giữa năm 2023 tạo thêm sự đồng bộ cho hạ tầng giao thông ở phía Đông Hà Nội. |
Sự kết nối còn chặt chẽ hơn khi Hà Nội sẽ có tổng cộng 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng trong tương lai, gần nhất sẽ có thêm cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở đã được phê duyệt quy hoạch. Cùng với đó là vai trò của các tuyến giao thông trọng điểm quốc gia khác, đặc biệt được kỳ vọng là đường vành đai 4 có tổng mức đầu tư tới 86 nghìn tỉ đồng, tổng chiều dài hơn 112 km, nối liền Hà Nội với Hưng Yên và Bắc Ninh và đấu nối vào cao tốc Nội Bài – Hạ Long.
Trong khi chờ đợi các công trình mới hòa vào mạng lưới giao thông quốc gia, phía Đông Hà Nội đã thực sự bứt phá với nhiều tuyến đường nghìn tỉ đã vận hành. Đáng chú ý có thể kể tới cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 5A, nút giao Cổ Linh…
Nút giao Cổ Linh kết nối trực tiếp vào cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được đánh giá là một trong những công trình hạ tầng hiện đại bậc nhất góp phần tạo nên sự bứt phá cho khu vực phía Đông. |
Bên cạnh các tuyến xương sống, mạng lưới “đường xương cá” cũng không ngừng được nâng cấp, mở rộng. Tại huyện Gia Lâm, trên lộ trình phát triển lên quận vào năm 2023, các công trình đã được đưa vào sử dụng gòm tuyến đường Lý Thánh Tông dài gần 3,5 km kết nối một loạt các xã, kéo dài sang Hưng Yên và đi Quốc lộ 5; đường nối Yên Viên – Đình Xuyên – Phù Đổng dài 2,8 km; đường gom từ cầu Thanh Trì đến cầu vượt Phú Thị hay đường đê hữu Đuống đoạn Dốc Lời – Đặng Xá đến xã Lệ Chi… Ngoài ra, đường đô thị song hành với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dài tới 40 km cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Cùng với đó, các địa phương vùng ven, lân cận như Hưng Yên cũng dành hàng ngàn tỉ đồng cho hạ tầng giao thông.
Hạ tầng tạo nên khu Đông đẳng cấp bậc nhất tại Thủ đô
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong lịch sử, Hà Nội chủ yếu phát triển ở phía Nam sông Hồng. Từ sau quy hoạch năm 1998, khu vực bên kia sông mới thực sự “thức giấc” mà dấu mốc quan trọng là việc hình thành quận Long Biên vào những năm 2000. Trong hơn 20 năm qua, nội đô Hà Nội vẫn đang tiếp tục được mở rộng về phía Đông. Trong đó, “đi trước, dẫn đường” là hạ tầng giao thông, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa, giúp các hoạt động kinh tế – xã hội có cơ hội bứt phá, tạo mặt bằng giá trị mới cho thị trường bất động sản.
Điều dễ nhận thấy nhất là hầu hết các nhà phát triển bất động sản lớn đều đã chọn phía Đông Hà Nội làm nơi “đóng đô”. Cùng với vai trò tiên phong của Vingroup là hàng loạt tên tuổi như Ecopark, Masterise, Sunshine, BRG, Eurowindow… với liên tiếp các dự án hàng hiệu được tung ra thị trường thời gian qua. Đây là những mảnh ghép quan trọng tạo nên diện mạo “thành phố mới ở phía Đông”, sánh ngang với các thành phố hiện đại trong khu vực và trên thế giới.
Diện mạo đô thị phía Đông Hà Nội bứt phá khi có sự hiện diện của các “siêu dự án” do các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam triển khai. |
Các dự án ở phía Đông cũng định hình lại “trọng tâm” mới ở thị trường bất động sản. Theo số liệu thống kê của Savills Việt Nam, thị phần ở khu vực này luôn giữ thị phần ở khoảng hơn 30%; thậm chí có những thời điểm vượt hơn 60%. Không chỉ thiết lập những mặt bằng giá trị mới từ việc nâng cao chuẩn sống cho cư dân, các đại đô thị của Vinhomes cũng là thỏi nam châm “hút” cư dân dịch chuyển ra khỏi nội đô cũ, giảm tải áp lực cho trung tâm thành phố. Điển hình như Vinhomes Ocean Park, chỉ sau 4 năm, cộng đồng dân cư đã nhanh chóng phát triển lên tới gần 50 nghìn người.
Chuyển cư ra khỏi nội đô sẽ tiếp tục là một định hướng mà Hà Nội ưu tiên triển khai trong thời gian tới. Mục tiêu cụ thể được đưa ra là giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) của 4 quận trung tâm xuống dự kiến còn 672 nghìn người. Nếu như việc chuyển cư hơn 10 năm trước sang các đô thị phía Đông như Việt Hưng, Sài Đồng gặp nhiều khó khăn do hạ tầng kết nối chưa đồng bộ thì hiện nay khu vực phía Đông đang trở thành địa điểm lý tưởng cho các cuộc đại dịch duyển dân cư.
Đặc biệt, khi Gia Lâm lên quận (dự kiến vào năm 2023), hệ thống hạ tầng đang được gấp rút hoàn thiện cùng hàng loạt các tuyến đường vành đai, hàng chục cây cầu hình thành trong tương lai gần, bờ Đông sông Hồng sẽ tiếp tục thu hút những chủ đầu tư bất động sản hàng đầu với các dự án đô thị quy mô lớn. Điều này biến khu Đông trở thành một trong những khu vực được đánh giá là đáng sống bậc nhất tại Thủ đô.
Nguồn: Báo xây dựng