Sông băng tại Thuỵ Sĩ giảm 10% diện tích chỉ trong 2 năm
Sông băng tại Thuỵ Sĩ giảm 10% diện tích chỉ trong 2 năm
Các sông băng của Thụy Sĩ đã mất 10% thể tích trong 2 năm qua – được coi là 2 năm tồi tệ nhất lịch sử tan chảy của sông băng.
Đó là nhận định được đưa ra trong 1 báo cáo do Cơ quan giám sát sông băng tại Thụy Sỹ (GLAMOS) thực hiện và công bố ngày 28/9.
Báo cáo chỉ rõ sự sụt giảm liên tiếp về diện tích sông băng trong suốt mùa Hè nóng nhất lịch sử tại Thụy Sỹ cho thấy lượng băng mất đi trong 2 năm qua tương đương với lượng băng tan trong 3 thập kỷ vào trước năm 1990.
GLAMOS nhấn mạnh, thực trạng này là “thảm khốc”. Ông Matthias Huss, người đứng đầu GLAMOS nhận định, năm 2023 là 1 năm “khó khăn” đối với các sông băng bởi lượng tuyết rơi rất ít trong khi mùa Hè lại quá ấm. Sự kết hợp của 2 yếu tố này là kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra.
Cơ quan GLAMOS giám sát 176 trong gần 1.400 sông băng tại Thụy Sỹ cho biết, trong năm nay, lượng tuyết rơi thấp cùng với 1 mùa tan băng vào mùa Hè đến sớm và kết thúc muộn đã dẫn tới lượng băng thất thoát lớn.
Theo thống kê, khoảng 50% sông băng ở dãy Alps tập trung tại Thụy Sỹ, nơi chứng kiến mức tăng nhiệt độ khoảng 2 lần so với mức tăng nhiệt trung bình toàn cầu do biến đổi khí hậu. Tháng băng tan cao điểm vào tháng 8 mỗi năm, Cơ quan thời tiết Thụy Sĩ cho biết độ cao nơi nước đóng băng đã đạt kỷ lục mới qua đêm, đo được ở độ cao 5.289 mét, cao hơn đỉnh Mont Blanc. Con số này đã vượt quá kỷ lục năm ngoái là 5.184 mét.
Trước thực trạng tốc độ băng tan nhanh, GLAMOS đã buộc phải dừng 1 trong số các chương trình giám sát sông băng nhỏ tại miền Trung Thụy Sỹ do có thể gặp nguy hiểm.
Tình trạng sông băng tan chảy nhanh chóng tại dãy núi Alp và những nơi khác do biến đổi khí hậu đang ngày càng được theo dõi chặt chẽ kể từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, cho tới nay, thế giới vẫn còn biết rất ít về cách thức sông băng thay đổi trước thời điểm này trong thế kỷ 20, khi có ít nhà thám hiểm theo dõi sông băng qua thời gian, với việc sử dụng các mô hình tính toán thể tích khác nhau.
An Đông (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị