Sơn La thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững

(Xây dựng) – Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh vừa ký Quyết định số 672/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, những bứt phá mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang dần là bước đệm vững chắc để Sơn La nỗ lực trong tiến trình thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng.

Sơn La thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững
Quảng trường Tây Bắc là nơi tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động chính trị, văn hóa lớn của tỉnh Sơn La.

Nhằm triển khai tổ chức thực hiện Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Mục đích là thúc đẩy cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về nền kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu…

Xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hài hòa với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập thế giới.

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La yêu cầu kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh phải phù hợp với các quan điểm, mục tiêu, định hướng của chiến lược và kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030.

Trong đó, về kinh tế việc thúc đẩy phát triển các cụm ngành kinh tế đòi hỏi phải được thực hiện trong sự phối hợp chặt chẽ với các hoạt động tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Các hoạt động kinh tế cần được chuyển đổi theo hướng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới thực hiện mục tiêu PTRO.

Về xã hội, các nỗ lực cần được tập trung cho các hoạt động tạo việc làm bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tạo sự ổn định về quy mô và nâng cao chất lượng dân số, phát triển bền vững các đô thị, xây dựng nông thôn mới, phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để nâng cao dân trí, trình độ nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, vùng và địa phương…

Theo đó, Sơn La đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, là chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Sơn La phấn đấu đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 15-20% GRDP; tỷ lệ che phủ rừng (bao gồm cả diện tích cây ăn quả trên đất dốc) đạt 50%; tỷ trong giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ chiếm 30 – 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả tỉnh có 39.70 ha diện tích cây trồng ápr dụng tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương đương có 19.200 ha diện tích cây trồng áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2025 đạt 7,5% năm và giai đoạn 2026 – 2030 đạt khoảng 8,5% năm.

Bên cạnh đó, xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.

Đồng thời, phấn đấu tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn đến năm 2025 đạt 100% và duy trì ở các năm tiếp theo. Đến năm 2030 tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom theo quy định đạt 90% và tỷ lệ nước thải sinh hoạt của các đô thị được thu gom, xử lý đạt 60 – 80%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt từ 65% trở lên; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý năm 2025 đạt 90% đến năm 2030 đạt 95%…

Tiếp tục định hướng phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả kinh tế – sinh thái, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện môi trường, tiết kiệm thời gian đi lại. Đồng thời, ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng đô thị với tham gia của mọi thành phần kinh tế trong đầu tư phương tiện, khai thác vận tải hành khách công cộng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích