Sơn La: Tập trung quản lý, vận hành các công trình cấp nước ở các vùng nông thôn
Sơn La: Tập trung quản lý, vận hành các công trình cấp nước ở các vùng nông thôn
Những năm qua, Chi cục Thủy lợi tỉnh Sơn La đã tập trung làm tốt công tác quản lý, sửa chữa vận hành các công trình cấp nước ở các vùng nông thôn; góp phần nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La có 1.750 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, 94,2% số hộ nông thôn được sử dụng nước sạch. Việc quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung đang thực hiện theo 4 mô hình: Cộng đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và HTX quản lý. Trong đó, có 25 công trình giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, 96 công trình giao UBND các xã quản lý tài sản, khai thác vận hành; còn lại do các doanh nhiệp, HTX và cộng đồng bản quản lý.
Theo ông Lê Xuân Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sơn La, 5 năm qua, Chi cục đã phối hợp tổ chức 12 lớp tập huấn quản lý vận hành cho cán bộ quản lý, vận hành các công trình cấp nước; nâng cấp chất lượng nước đạt QCVN 02:2009/BYT đối với 23 công trình, cấp cho 17.180 hộ dân nông thôn… Đồng thời, Chi cục đã đẩy mạnh truyền thông về bảo vệ, sử dụng các công trình nước sạch nông thôn và nhận thức của người dân về tầm quan trọng của sử dụng nước bảo đảm vệ sinh… Thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá năng lực hoạt động, thực trạng của từng công trình cấp nước tập trung nông thôn và tình hình quản lý, vận hành của các đơn vị quản lý. Trên cơ sở đó, đề xuất cải tạo, sửa chữa nâng cấp các công trình hoạt động kém hiệu quả; công trình không hoạt động nhưng còn khả năng khai thác, để khôi phục cấp nước cho nhân dân…
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn được UBND tỉnh giao quản lý tài sản, khai thác vận hành 25 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn cho hơn 18.200 hộ dân; việc quản lý, duy tu bảo dưỡng được đơn vị chú trọng, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt ổn định, chất lượng cho người dân.
Ông Trần Văn Hải, Giám đốc trung tâm, chia sẻ: Trung tâm bố trí mỗi công trình tối thiểu từ 2 công nhân vận hành chính trở lên, tùy quy mô công trình, phối hợp với hơn 40 lao động tại địa phương hợp đồng công việc thành lập các tổ vận hành, phân công ca trực, sổ ghi nhật ký vận hành, theo dõi, sửa chữa, bảo dưỡng; thường xuyên kiểm tra hoạt động của hệ thống, kịp thời phát hiện sự cố và sửa chữa, khắc phục, đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân. Năm 2022, doanh thu từ 25 công trình cấp nước đã nộp vào ngân sách Nhà nước gần 700 triệu đồng.
Công trình cấp nước liên xã Tông Cọ – Noong Lay, huyện Thuận Châu xây dựng từ năm 2010, quy mô ban đầu cấp nước sinh hoạt cho 958 hộ dân của xã Tông Cọ, Noong Lay. Năm 2018, nâng cấp, mở rộng quy mô cấp nước lên 1.117 hộ. Hiện nay, công trình tiếp tục mở rộng quy mô cấp nước lên 1.500 hộ thuộc các xã Tông Cọ, Noong Lay và Chiềng Ngàm.
Anh Cà Văn Diêu, công nhân vận hành của trạm, chia sẻ: Chúng tôi thường xuyên kiểm tra đường ống dẫn nước từ trạm đến các hộ dân sử dụng nước và sửa chữa đường ống khi có tin báo rò rỉ nước hay vỡ đường ống. Từ đó, hạn chế việc lãng phí nước do đường ống bị hỏng. Bên cạnh đó, phối hợp với ban quản lý các bản tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ đầu nguồn nước, thường xuyên tuần rừng, kiểm tra không để ô nhiễm nước đầu nguồn.
Nâng cao hiệu quả vận hành, khai thác, sử dụng bền vững các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn, Chi cục Thủy lợi tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quản lý nâng cao công tác vận hành, khai thác các công trình; khảo sát, đề xuất tiếp tục xây dựng các công trình nước sạch tại các xã, bản vùng sâu, vùng xa. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ quản lý vận hành các công trình cấp nước. Tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động làm thay đổi nhận thức và hành vi liên quan đến việc bảo vệ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch, bảo vệ môi trường và các công trình cấp nước… Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số khu vực nông thôn trong tỉnh được cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 97% trở lên và công trình cấp nước nông thôn hoạt động được bền vững.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị