Sơn La: Phê duyệt Phương án bảo vệ, khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường

Sơn La: Phê duyệt Phương án bảo vệ, khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường

MTĐT –  Chủ nhật, 15/01/2023 19:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định phê duyệt phương án bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.

Theo đó, với đá xây dựng, các cơ sở hết hạn khai thác cần được kiểm tra, xem xét về năng lực, chủng loại khoáng sản để có biện pháp xử lý phù hợp. Khuyến khích các đơn vị liên doanh, liên kết để giảm bớt đầu mối khai thác, cải tiến công nghệ nhằm giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, nâng cao chất lượng, bảo vệ môi trường.

1.jpg
Đến nay, Sơn La có 39 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, gồm 4 Giấy phép do Bộ TN&MT cấp, 35 Giấy phép do UBND tỉnh cấp.

Không đầu tư các dự án sản xuất đá xây dựng ở chân sườn đồi, núi, dọc theo các tuyến quốc lộ, các khu vực có ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, các di sản văn hóa, phát triển du lịch, an ninh, quốc phòng. Có biện pháp quản lý chặt chẽ cơ sở được cấp phép khai thác tạm thời phục vụ công trình, các cơ sở khai thác tận thu…

Cùng với đó, có kế hoạch khảo sát đánh giá lại trữ lượng, chất lượng các mỏ đá xây dựng, phân loại chi tiết theo loại đá để có kế hoạch khai thác, tận thu phù hợp. Hạn chế cấp mỏ có quy mô khai thác dưới 100 ngàn m3/năm.

Đơn cử, các mỏ đá vôi tập trung như ở Mai Sơn, chất lượng cao, có thể đầu tư thêm khai thác vôi nung để lấy nguồn vôi tôi, vôi tả phục vụ xây dựng, hoạt động nông nghiệp; khai thác đá vôi để nung clinke xi măng, làm phụ gia trong sản xuất xi măng. Nguồn đá bazan Tà Hộc – Mai Sơn cần có kế hoạch bảo vệ, khai thác cho mục đích xây dựng đường bê tông asphan, hoặc phụ gia sản xuất xi măng… Hạn chế cấp mỏ có quy mô khai thác dưới 100 ngàn m3/năm.

Thực hiện tận thu khoáng sản đi đôi với kế hoạch mở đường hay các công trình xây dựng lớn, đảm bảo nguồn nguyên liệu tại chỗ, tiết kiệm tài nguyên. Với các huyện xa trung tâm như Quỳnh Nhai, Sốp Cộp, Phù Yên, phấn đấu hình thành tại mỗi huyện 2 – 3 cơ sở khai thác đá để phục vụ xây dựng tại chỗ, hạn chế vận chuyển vật liệu làm tăng giá thành.

Với cát, sỏi xây dựng, duy trì các cơ sở sản xuất, khai thác cát đã được cấp phép. Đầu tư, phát triển các cơ sở khai thác, chế biến cát tự nhiên, sản xuất cát nhân tạo nhằm đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng. Tiếp tục rà soát các quy hoạch về khoáng sản hiện có và khảo sát các khu vực có tiềm năng, nhất là những khu vực mỏ cát đồi đề xuất bổ sung quy hoạch mới.

Khuyến khích đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất các dây chuyền chế biến cát nghiền thành cát đủ tiêu chuẩn sử dụng cho bê tông và vữa, dần thay thế cát tự nhiên. Phấn đấu đạt mục tiêu sử dụng cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng để thay thế tối thiểu 40% lượng dùng cát thiên nhiên trong xây dựng.

Với khoáng sản sét gạch ngói, tiếp tục khoanh định đưa vào thăm dò, khai thác các điểm mỏ nguyên liệu sét đã quy hoạch trước; mở rộng, bổ sung các điểm mỏ mới đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy gạch tuynel đã được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư.

Đầu tư sản xuất gạch nung theo Quy hoạch VLXD đã được phê duyệt và duy trì các cơ sở sản xuất đã có theo hướng giảm dần gạch nung, chuyển sang gạch không nung. Không sử dụng đất nông nghiệp; chỉ sử dụng đất sét mỏ, đất đồi làm nguyên liệu sản xuất gạch đất sét nung. Tăng cường điều tra, thăm dò, khai thác sét đồi hoặc đất sét tại các khu vực hoang hóa không có khả năng canh tác, đất sét nạo vét, khơi sâu ao, hồ, sông suối.

Khoáng sản sử dụng làm nguyên, vật liệu san lấp, tiếp tục rà soát, khoanh định điều chỉnh các mỏ chưa phù hợp, đưa vào thăm dò, khai thác các điểm mỏ đất đã quy hoạch kỳ trước; mở rộng, bổ sung các điểm khoáng sản đảm bảo cân đối giữa các vùng. Quy hoạch các khu vực lấy đất san lấp tại các đồi, núi thoải có ảnh hưởng ít nhất đến cảnh quan môi trường, đất canh tác, nhưng không quá xa các vùng cần san lấp.

2.jpg
Để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản, tỉnh đã và đang triển khai nhiều nhóm giải pháp, chú trọng nâng cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã.

Để triển khai phương án đạt hiệu quả cao, tỉnh cũng đề ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm, giao nhiệm vụ thực hiện cho các sở, ngành có liên quan.

Trong đó, chú trọng tăng cường, thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản từ trung ương tới địa phương. Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản từ tỉnh đến huyện, đủ năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật khoáng sản, đặc biệt tại những nơi có khoáng sản và hoạt động khoáng sản. Rà soát tình hình hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân để phân loại, xử lý theo đúng quy định. Những dự án chậm tiến độ, khai thác không có hiệu quả, làm ảnh hướng đến môi trường, trật tự an toàn xã hội thì không cấp gia hạn giấy phép hoặc thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản.

Nâng cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã; tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội trong quản lý nhà nước về khoáng sản.

Duy trì kiểm tra, truy quét, xử lý kiên quyết, nghiêm minh các vi phạm trong hoạt động khoáng sản. Công khai dân chủ trong công tác lập quy hoạch, công bố quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản, thông tin về dự án, giấy phép khai thác (vị trí, tọa độ, diện tích, ranh giới, thời gian, phương tiện khai thác…) để nhân dân biết, phát huy tối đa hoạt động giám sát cộng đồng tại nơi có hoạt động khai thác.

Nâng cao nhận thức cho công đồng dân cư về việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia vào các hoạt động bảo vệ mỏ khoáng sản, nhất là với các mỏ nhỏ, phân tán, các loại khoáng sản có độ nhạy cảm về kinh tế, dễ gây ô nhiễm môi trường.

Tăng cường trách nhiệm nhà đầu tư khai thác khoáng sản với nghĩa vụ đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, có trách nhiệm trong việc cải thiện đời sống, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư vùng khoáng sản; ưu tiên sử dụng lao động người địa phương; tích cực tham gia cải thiện môi trường xã hội.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích