Sơn La: Nâng cao chất lượng sống cho các hộ nghèo và hộ cận nghèo
(Xây dựng) – Nhằm hỗ trợ có hiệu quả và tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Kế hoạch số 287/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022.
Ảnh minh họa. |
Theo Kế hoạch số 287/KH-UBND do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân ký ngày 1/12, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu năm 2022 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 18,66%, giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 3%, giảm tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo từ 4-5%; hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo trong lĩnh vực phát triển sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp).
Xây dựng thí điểm các mô hình du lịch cộng đồng, khởi nghiệp kinh doanh góp phần tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho khoảng 25.000 lao động, trong đó có trên 50% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở vùng nghèo, vùng khó khăn; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững; hỗ trợ đào tạo 4.000 người lao động thuộc các huyện nghèo; hỗ trợ 40 lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Tỉnh cũng đưa ra 6 chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó gồm Chiều thiếu hụt về việc làm; chiều thiếu hụt về y tế; chiều thiếu hụt về giáo dục; chiều thiếu hụt về nhà ở; chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh; chiều thiếu hụt về thông tin.
Để đảm bảo đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Sơn La cũng đưa ra nhiều giải pháp, theo đó, cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống và chất lượng sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; giảm dần khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các khu vực, các địa phương và các nhóm dân cư; từng bước xã hội hóa công tác giảm nghèo và giảm nghèo bền vững trên phạm vi toàn tỉnh. Hỗ trợ có hiệu quả và tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, có việc làm bền vững, tăng thu nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản…
Cũng theo Kế hoạch số 287/KH-UBND, UBND tỉnh Lạng Sơn giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thường trực, điều phối Chương trình, chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố đôn đốc, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo quy định.
Nguồn: Báo xây dựng