Somalia: Hơn 100.000 người phải di dời do lũ quét

Somalia: Hơn 100.000 người phải di dời do lũ quét

Ngày 8/10, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết lũ quét do mưa lớn trong tuần đã khiến 107.000 người ở quận Baidoa, miền Tây Nam Somalia, phải di dời.

Trong thông báo cập nhật, OCHA nêu rõ phần lớn người dân cần được di dời đã chuyển đến những vùng đất cao hơn ở gần khu định cư của họ. Việc tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng vẫn đang là một thách thức vì một số tuyến đường bị chia cắt do lũ lụt trên diện rộng. Các nhu cầu cấp thiết hiện nay bao gồm di dời người dân đến địa điểm an toàn, hỗ trợ thực phẩm, nước uống và hỗ trợ y tế.

OCHA cho biết thêm hiện nhiều ngôi nhà vẫn ngập trong nước lũ lụt. Trong số này có cả những cơ sở là nơi trú ẩn tạm thời cho hơn 86.700 người phải di dời từ 136 địa điểm ở thành phố Baidoa.

Chính quyền địa phương ở Baidoa đang chuẩn bị ứng phó và kêu gọi các đối tác nhân đạo và cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nhu cầu khẩn cấp.

tm-img-alt
Người dân phải sơ tán khỏi vùng ngập lụt – Ảnh: AFP

Theo OCHA, mùa mưa ở Somalia bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm. Dự báo lượng mưa trong mùa mưa năm nay tại Somalia sẽ vượt mức trung bình so với những năm trước và lũ lụt gia tăng do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El-Nino. OCHA cho biết thêm mưa lớn và lũ lụt xảy ra sau 5 mùa hạn hán liên tiếp khiến hơn 1,4 triệu người Somalia phải di dời và làm chết 3,8 triệu con gia súc kể từ giữa năm 2021 đến nay.

Liên hợp quốc (LHQ) ước tính 1,2 triệu người và 1,5 triệu ha đất sản xuất có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Somalia trong mùa mưa cuối năm nay.

Ngày 6/10, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cho biết họ cần 11,8 triệu USD để thực hiện các biện pháp giảm nhẹ tác động của thiên tai, bao gồm lập bản đồ các khu vực dễ bị lũ lụt trước “siêu El Nino” hiếm gặp ở Somalia. Theo FAO, kế hoạch này nằm trong khuôn khổ kế hoạch hành động và ứng phó toàn cầu, nhằm hỗ trợ 25 quốc gia có nguy cơ cao hứng chịu ảnh hưởng của El Nino đối với sinh kế nông nghiệp và an ninh lương thực.

An Đông (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích